Nga hạ lãi suất xuống mức thấp nhất từ năm 1991
Nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang gặp khó khăn, Ngân hàng Trung ương Nga (RCB) ngày 29/10 đã quyết định hạ lãi suất cơ bản xuống 9,5%, mức thấp nhất kể từ khi Liên Xô tan rã năm 1991.
Quyết định giảm lãi suất, có hiệu lực kể từ ngày 30/10, được đưa ra nhằm thúc đẩy hoạt động tín dụng trong khu vực ngân hàng, đồng thời nhằm chống chọi với tác động nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu lên nền kinh tế trong bối cảnh sức ép lạm phát trong nước dịu bớt và đồng rúp lên giá.
Theo RCB, lạm phát trong nước đã ở mức 0% trong 3 tuần đầu tháng 10 so với cùng kỳ tháng trước và trong vòng 12 tháng qua chỉ số giá tiêu dùng tăng 9,9%, thấp hơn nhiều so với thời kỳ trước khủng hoảng.
Sản lượng công nghiệp, vốn bị tác động nặng nề bởi khủng hoảng tài chính, cũng có tín hiệu tích cực cho dù nền kinh tế vẫn rất cần nguồn tín dụng.
Lãi suất cơ bản của Nga đứng ở mức 10% từ tháng 6/2007 cho tới tháng 2/2008 và đây là lần đầu tiên RCB đưa lãi suất này xuống dưới 10% kể từ sau khi Liên xô sụp đổ.
RBC cũng để ngỏ khả năng sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất trong thời gian tới, nhưng mức độ cắt giảm sẽ tùy thuộc vào xu hướng lạm phát, hoạt động sản xuất và nguồn tín dụng.
Kể từ khi bắt đầu chu kỳ nới lỏng lãi suất vào tháng 4, RBC đã cắt giảm lãi suất tổng cộng 8 lần, từ mức đỉnh 13% xuống dưới 10% vào thời điểm này.
Nền kinh tế Nga vốn lệ thuộc nặng nề vào xuất khẩu dầu mỏ đã bị tác động nặng nề bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu sau nhiều năm tăng trưởng mạnh. Tổng thống Dmitry Medvedev nhận định nền kinh tế sẽ giảm 7,5% năm nay.
Mặc dù Bộ trưởng Tài chính Alexei Kudrin tuyên bố nền kinh tế Nga đã thoát khỏi suy thoái, nhưng sự phục hồi vẫn còn mong manh. Trong khi đó, các chính trị gia và các nhà hoạch định chính sách tỏ ra lo ngại về tình trạng thiếu tín dụng để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế.
Các nhà phân tích thuộc Renaissance Capital lưu ý một trong những lập luận chính để RBC hạ lãi suất là các điều kiện cho vay vẫn còn thắt chặt trong nền kinh tế.
Cho dù có tín hiệu cho thấy hoạt động cho vay bước đầu phục hồi, nhưng Chính phủ muốn xu hướng đó trở nên bền vững hơn. Lãi suất chính ở Nga vẫn cao hơn nhiều so với mặt bằng chung trên toàn cầu và chính sách của RBC là "vẫn khá hạn chế".
Ông Hawk Sunshine, Giám đốc phụ trách mảng ngân hàng đầu tư thuộc Công ty Đầu tư Metropol, cho rằng Nga cũng gặp phải khó khăn như một số nền kinh tế lớn khác là thiếu tiền cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
VIETNAM+
|