Thứ Sáu, 16/10/2009 00:02

Sửa Luật thuế GTGT và thuế TNDN:

Nhà ở: Giảm thuế cho DN nhưng phải quản được giá

Đồng tình với chính sách ưu đãi của Chính phủ dành cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên, công nhân khu công nghiệp và người thu nhập thấp, xong Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nghiêng về phương án hỗ trợ trực tiếp cho sinh viên, công nhân. Nếu giảm thuế cho doanh nghiệp thì phải quản được giá bán hoặc cho thuê.

Buổi họp UBTVQ sáng 15/10 bàn về dự án Luật sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Nội dung chính là bổ sung những ưu đãi về thuế đối với doanh nghiệp (DN) đầu tư xây nhà ở cho sinh viên, công nhân các khu công nghiệp và người có thu nhập thấp.

Lo ngại lớn nhất của UBTVQH là Nhà nước không quản lý nổi "đầu ra" khiến giá bán hoặc cho thuê nhà vẫn cao, sinh viên, người có thu nhập thấp không thể thuê dù DN đầu tư xây dựng đã hưởng ưu đãi về thuế.

Theo dự thảo Luật, nhà ở để bán, cho thuê với sinh viên, công nhân, người có thu nhập thấp hưởng mức thuế GTGT 5%, mức thuế TNDN với DN đầu tư xây dựng loại nhà này là 10%.

Ai quyết định giá?

Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng băn khoăn: "Chủ trương của Chính phủ rất tốt, nhưng có thể khi thực hiện, không đến được với đối tượng. Ưu đãi cho DN qua mỗi "nấc" lại phát sinh vấn đề".

"Vấn đề" mà ông Vượng nhắc đến được Chủ nhiệm UB Tư pháp QH Lê Thị Thu Ba thẳng thắn chỉ ra: "Đã có nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo thực hiện thông qua DN, nhưng phần lớn DN hoạt động vì lợi nhuận, mà chúng ta lại quản lý kém, kiểm soát thiếu chặt chẽ nên chính sách đến được với người nghèo rất ít".

Lấy dẫn chứng chính sách ưu đãi cho DN thu mua nông sản, "DN phấn khởi nhưng bà con nông dân không được hưởng", bà Thu Ba đề nghị Chính phủ cân nhắc: Có hỗ trợ trực tiếp, may ra sinh viên, công nhân mới thuê được nhà phù hợp.

Đây cũng là lý lẽ được Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền tán đồng: "Hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng nhà có lẽ sẽ khả thi hơn hỗ trợ cho DN. DN xây nhà đã được hưởng những ưu đãi về tín dụng, thuê đất rồi".

Ông Hiền "chưa yên tâm" khi giảm thuế cho DN, vì "biến động giá từng năm, nếu để DN quyết định giá bán hay cho thuê thì chưa chắc người thuê, mua được giá thấp".

Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi - nguyên Hiệu trưởng ĐH Quốc gia Hà Nội - đề xuất phải có tiêu chuẩn rõ ràng đối với nhà cho sinh viên, công nhân. "Xây nhà cho sinh viên thì bình dân thôi, chứ như làng sinh viên Hacinco, 2 - 4 em/phòng thì không phải sinh viên nghèo ở đâu. Sau khi phục vụ Seagames, bây giờ chỉ có sinh viên nước ngoài ở’.

"Móc" với nhau hết rồi

Nhận xét về Hacinco của ông Thi được Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cho là đúng, vì khi Hà Nội thí điểm cho xây làng sinh viên này (năm 2000), ông Trọng là Bí thư Thành ủy.

"Khi đó, chúng tôi nghĩ phải làm sao để DN muốn đầu tư vào đây, nghĩa là phải có ưu đãi. Nhưng gần đây, thăm lại khu này, tôi có thấy sinh viên VN thuê nữa đâu mà toàn sinh viên nước ngoài".

Đối với nhà cho người thu nhập thấp cũng vậy, Chủ tịch QH cho rằng phải làm rõ khi đầu tư, liệu người thu nhập thấp có mua được không. Hay là quá trình xây đã "móc" với nhau, bán trao tay hết rồi. Để đảm bảo chính sách không bị lợi dụng, phải có chế tài, quy định chặt chẽ...

Ngay UB thẩm tra dự thảo luật - UB Tài chính Ngân sách QH cũng lo ngại năng lực quản lý hạn chế làm cho việc kiểm soát giá bán nhà gặp khó khăn.

"Việc căn cứ vào đối tượng mua nhà để áp dụng 2 mức thuế GTGT khác nhau (5% và 10%) là rất phức tạp, dễ bị DN lợi dụng để được hoàn thuế. DN không chỉ xây nhà để bán hoặc cho người thu nhập thấp thuê mà cho nhiều đối tượng khác nhau. Tách bạch các đối tượng mua nhà để khấu trừ thuế GTGT cho DN không đơn giản, sẽ dẫn đến tiêu cực, gây thất thoát cho ngân sách", Chủ nhiệm UB Phùng Quốc Hiển nói.

Ngoài ra, ông Hiển cũng nêu một đối tượng chưa nằm trong diện ưu đãi về thuế, dù cũng có nhà cho sinh viên, công nhân, người lao động thuê. Đó là các cá nhân đang nộp thuế thu nhập cá nhân.

Giải đáp băn khoăn của các thành viên UBTVQH, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh khẳng định, Chính phủ đã lường trước các vấn đề này. Về giá bán hoặc cho thuê nhà, UBND cấp tỉnh là nơi thẩm định. Ông Ninh cũng cho hay chính sách này có mục đích thu hút các thành phần kinh tế cùng tham gia xây dựng nhà, chứ riêng mình Nhà nước thì không thể đáp ứng hết nhu cầu ngườu có thu nhập thấp.

Cả nước hiện có gần 400 trường cao đẳng, đại học, 20% sinh viên có nhu cầu nội trú được ở ký túc xá. Đến 2015, quy mô đào tạo khoảng 3 triệu người. Mục tiêu: năm 2010 đáp ứng nhu cầu của 60% sinh viên.

1 triệu lao động trực tiếp và 1,2 - 1,5 lao động gián tiếp đang làm việc trong 228 khu công nghiệp. Có đến 80% công nhân phải thuê chỗ ở tạm.

1/3 số công chức, chủ yếu ở đô thị lớn, phải ở ghép hộ, ở nhờ, ở tạm. Trên 30% hộ gia đình có diện tích nhà ở dưới 36 m2, trong đó 19% sống trong nhà không đảm bảo tiêu chuẩn tối thiểu.

Nguồn: Bộ Xây dựng

Vân Anh

Vietnamnet

Các tin tức khác

>   Hạ mức sàn khung thuế suất một số mặt hàng xuống 0% (15/10/2009)

>   Chưa thu thuế TNCN khi chuyển nhượng cổ phiếu thưởng (15/10/2009)

>   Thường vụ Quốc hội xem xét việc sửa đổi hai luật thuế (14/10/2009)

>   Dân kêu “vướng”, ngành thuế nói không (14/10/2009)

>   Thu thuế nhập khẩu Kia Morning và Matiz theo mức thuế xe chở người (13/10/2009)

>   Hối thúc bỏ thuế chống phá giá giày Việt Nam  (13/10/2009)

>   Thuế chuyển nhượng hợp đồng: Có hướng dẫn vẫn rối (13/10/2009)

>   EU bất đồng về gia hạn thuế chống bán phá giá giày Việt Nam (11/10/2009)

>   Gỡ vướng mắc về chính sách thuế cho DN (10/10/2009)

>   VAMA thắng thế (09/10/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật