EU bất đồng về gia hạn thuế chống bán phá giá giày Việt Nam
Các chính phủ và doanh nghiệp châu Âu đang bất đồng về kế hoạch gia hạn thuế chống bán phá giá lên giày nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc, theo tờ Wall Street Journal cuối tuần này.
Vào năm 2006, trước áp lực từ liên minh các nhà sản xuất giày và chính phủ các nước, đặc biệt là Ý, 27 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã áp thuế chống bán phá giá lên giày Việt Nam và Trung Quốc. Nhưng, giờ đây các bên lại bất đồng về việc có nên gia hạn đánh thuế vì nhiều lý do.
Thứ nhất, một lý do từng khiến các nước ủng hộ việc áp thuế chống bán phá giá lên giày của Việt Nam và Trung Quốc đã không phát huy tác dụng. Thuế chống phá giá - 16,5% lên một số mặt hàng giày của Trung Quốc và 10% lên một số mặt hàng giày của Việt Nam – đã khiến nhập khẩu từ hai nước này sang EU chững lại, nhưng giày nhập khẩu từ các nước khác, như Thái Lan, Indonesia, lại tăng nhanh. Do đó, các doanh nghiệp châu Âu vẫn chịu sức ép từ hàng nhập khẩu từ châu Á.
Thứ hai, ngày càng nhiều công ty sản xuất giày EU cũng phản đối việc áp thuế trên đối với Việt Nam và Trung Quốc. Trong đó có Ecco Sko AS, một công ty giày Đan Mạch với doanh thu hơn 1 tỉ đô la Mỹ/năm và 15.000 nhân viên, vừa hoàn thành một nhà máy ở Xiamen (Trung Quốc). Ecco đã có nhiều nhà máy ở Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Slovakia, Hà Lan, và cung cấp 20% giày cho châu Âu.
Công ty này không cho biết đã phải trả thêm bao nhiêu kể từ khi giày từ Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá giá vào năm 2006, nhưng các công ty EU đã phải chi tổng cộng 2,2 tỉ đô la Mỹ thuế giày từ khi lệnh này có hiệu lực. Theo phó chủ tịch của Ecco, ông Gerd Rahbek-Clemmensen, mô hình kinh doanh của công ty là sản xuất giày ở các nước trên thế giới và bán khắp nơi, trong đó có thị trường châu Á.
Ngay cả Ý có thể cũng sẽ không còn là nước đi đầu trong việc ủng hộ áp thuế chống bán phá giá lên giày Việt Nam và Trung Quốc. Diesel, một công ty thiết kế Ý vốn đang sản xuất giày tại Việt Nam, Campuchia, Đài Loan và Ý, đã tham gia nhóm các công ty chống lại việc áp thuế trên. Giám đốc sản xuất của Diesel, ông Rudy Pagiotto, nói: “Nói thẳng là, chúng tôi thất vọng về chất lượng sản phẩm của các nhà sản xuất Ý mà chúng tôi chứng kiến. Điểm mấu chốt là, châu Á giờ đây là nơi đáng tin cậy để sản xuất giày”.
Vào ngày 9-10, Ủy ban châu Âu đã gửi lên chính phủ các nước thành viên EU và các tổ chức công nghiệp một đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá trên thêm 15 tháng nữa. Các nước EU sẽ biểu quyết trong cuộc họp vào ngày 12-11-2009 và đưa ra quyết định vào ngày 3-1-2010 – thời điểm việc áp thuế trên hết hạn. Hiện quan điểm của đa số các nước là đồng ý đề xuất trên, nhưng vẫn có nhiều nước phản đối. Pháp, Cộng hòa Séc, Malta và Bungari được xem là các nước có thể ảnh hưởng lớn đến kết quả cuối cùng.
Theo hãng tin Reuters, hiện Áo, Bỉ, Anh, Cộng hòa Séc, Cyprus, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Đức, Ireland, Latvia, Luxembourg, Malta, Hà Lan và Thụy Điển muốn việc áp thuế bị bãi bỏ ngay lập tức, nhưng các nước sản xuất giày như Ý, Tây Ban Nha, Pháp và Ba Lan muốn giữ việc áp thuế.
TBKTSG Online
|