Người giàu, người nghèo và sự đổi thay trong ý thức
Việc giải cứu hệ thống tài chính là một tấn kịch khó quên trong lịch sử kinh tế thế giới, khi mà những người hưởng lợi nhất từ giải cứu chính là những người trước nay vẫn từng hưởng lợi nhiều nhất: giới chủ các tập đoàn tài chính.
Trước khi khủng hoảng xảy ra, việc phân phối lại tài sản được cho là cản trở tính hiệu quả thực tế của nền kinh tế tự do. Không thể chấp nhận được việc lấy bớt của người giàu phân phối lại cho người nghèo được. Như thế là vi phạm lợi ích.
Những ông chủ, những người có nhiều thành công lúc ấy thường nghĩ rằng, nếu tôi làm được gấp 10 lần, gấp 100 lần hay gấp 1000 lần người khác thì đó đơn giản là vì tôi xứng đáng được như thế, do khả năng của tôi gấp 10 lần, gấp 100 lần hay gấp 1000 lần người khác.
Khó có ai cãi nổi cái lý lẽ ấy.
Thế nhưng tại sao khi khủng hoảng xảy ra, chính những người có khả năng gấp 10 lần, gấp 100 lần hay gấp 1000 lần người khác ấy lại ngửa tay xin cứu trợ đầu tiên, và xin nhiều nhất?
Và thật trớ trêu, những người cứu họ không ai khác chính là những người đóng thuế, những người thường vẫn kém họ hẳn 10 lần, có khi 100 lần hay thậm chí kém họ tới 1000 lần.
Rồi họ được cứu. Họ đã “đồng cam cộng khổ” với những người làm công và dân đóng thuế để cùng nhau vượt qua khó khăn.
Có điều, họ vượt qua khó khăn bằng cách dùng tiền cứu trợ để khôi phục lại khả năng sinh lãi của họ. Ai cũng chấp nhận điều đó.
Rồi khi họ khôi phục lại khả năng sinh lãi của mình, các cỗ máy in tiền lại rục rịch vận động và lại đưa về cho họ những khoản lợi lớn, gấp 10 lần, gấp 100 lần hay gấp 1000 lần người khác.
Khi đó, có ai chắc họ không lặp lại điệp khúc: đơn giản là vì tôi xứng đáng được như thế, do khả năng của tôi gấp 10 lần, gấp 100 lần hay gấp 1000 lần người khác?!
Nhưng đừng ngạc nhiên vì điều đó. Nền kinh tế thị trường khuyến khích mọi người cố hết sức để làm giàu, để mang lại điều tốt nhất trong mọi hoàn cảnh.
Học thuyết kinh tế về thị trường tự do càng củng cố cho niềm tin đó và nó như một thứ tôn giáo đủ để những người khác tin theo và chấp nhận như điều hiển nhiên. Theo học thuyết kinh tế về thị trường tự do thì thị trường là hoàn hảo. Những người theo học thuyết này luôn khẳng định ai hưởng nhiều thì họ là người xứng đáng được hưởng như thế.
Chỉ đến khi khủng hoảng xảy ra, dường như những giá trị ấy mới bị xói mòn. Nhưng bản chất thì không. Họ sẽ vùng dậy bảo vệ những luận điểm có lợi cho mình một khi đã vượt qua được khó khăn.
Rõ ràng, cuộc khủng hoảng mới đã lại nhắc lại một lần nữa về một điều vẫn tồn tại trên trái đất này: trong cuộc hợp tác giữa người giàu và người nghèo, người giàu luôn được lợi nhiều hơn người nghèo.
Chỉ có điều, qua cuộc khủng hoảng đương đại này, có thể rút ra kết luận như sau:
Cho dù ta có thành công đến đâu thì một phần là nhờ sự đóng góp từ bên ngoài chứ không thể là hoàn toàn tự thân. Mỗi người đều nợ xã hội cho mỗi thành công của mình và có trả nợ hay không và trả thế nào thì ngoài trách nhiệm được quy định theo luật lệ, cần tới sự công bằng trong lương tri của mỗi con người nữa.
Một kết luận nữa là tầng lớp giàu mạnh phía trên bao giờ cũng hưởng lợi nhiều nhất từ sự “đồng cam cộng khổ”, sự “đoàn kết gắn bó vì một chí hướng chung”. Đến giờ có lẽ họ cũng không thể phủ nhận đóng góp và công sức, giá trị của tầng lớp dưới nữa.
Nhưng có lẽ, đã đến lúc người nghèo không thể nín thở mà hồi hộp chờ đợi ý thức tự giác của người giàu nữa.
* Nhật Vy (Theo Project Syndicate)
VIETNAMNET
|