Giá vàng sẽ tăng hay giảm?
Giá vàng sắp tới sẽ như thế nào là một câu hỏi được nhiều người quan tâm. Chúng tôi giới thiệu bài phân tích mang tính dự báo sau như một ý kiến tham khảo.
Giá vàng đã liên tục có những bức phá ngoạn mục. Sau khi vượt qua mức cao kỷ lục 1.032 đôla/ounce trong tháng 3-2008, giá vàng đã nhanh chóng phá vỡ rào cản tâm lý quan trọng 1.050 đô la để tiến tới xác lập mức giá cao của mọi thời đại là 1.061 đô la vào ngày thứ Năm 8-10. Giá vàng vật chất trong nước cũng đã hình thành kỷ lục mới là là 23,26 triệu đồng/lượng.
Trước biến động đột ngột như vậy, các nhà đầu tư và đa số người dân tự đặt ra nhiều câu hỏi: liệu từ bây giờ đến cuối năm giá vàng còn tăng nữa hay không? Bây giờ mua vàng có quá muộn không và nếu đang nắm giữ vàng có nên bán ra khi mức giá cao như hiện nay?
Phân tích kỹ thuật
Có thể nói ba nguyên nhân chính của việc tăng giá vàng lần này là từ sự suy yếu của đồng đô la, yếu tố đầu cơ và phân tích kỹ thuật. Trong suốt thời gian gần đây, giá vàng thế giới biến động theo sát mô hình sóng Elliot trong phân tích kỹ thuật. Điều đó cho thấy, giới đầu cơ vàng đang bám theo phân tích kỹ thuật để hoạch định chiến lược “đánh”.
Trên đồ thị, có thể thấy giá vàng đang biến động thành hai sóng Elliot lồng vào nhau, bao gồm một sóng chính dài hạn và một sóng ngắn hạn.
Nếu tính chu kỳ tăng của giá vàng từ ngày 20-4 với mức thấp 864 đô la/ounce đến ngày 8-10 với mức kỷ lục 1.061 đô la/ounce thì có thể thấy hiện nay giá vàng đang nằm trên đỉnh sóng 3 của sóng dài hạn.
Đỉnh sóng 1 nằm tại mức cản 23,6% là 987 đô la, sau đó giá vàng đã giảm lùi về mức hỗ trợ quan trọng 906 đô la. Bắt đầu từ mức này, giá vàng hình thành tiếp một sóng Elliot phụ để bắt đầu đà tăng liên tục cho đến những ngày gần đây.
Cho đến lúc này, chúng ta có thể tin rằng đỉnh sóng 5 đã được xác lập tại mức cao 1.061 đô la. Như vậy, xu hướng biến động của giá trong những ngày sắp tới là giảm lại để điều chỉnh theo ba sóng a b c để hoàn tất sóng 4 của sóng dài hạn. Kết thúc sóng c, nhiều khả năng mức này sẽ nằm ở cản tâm lý 1.000 đô la hoặc thậm chí là 990 đô la.
Những dấu hiệu phân tích kỹ thuật khác cũng báo hiệu một xu hướng giảm giá. Hơn mười ngày trước khi giá vàng lập kỷ lục 1.061 đô la/ounce thì các nhà đầu tư nhỏ lẻ và các quỹ đầu cơ lớn trên thế giới đã liên tục gia tăng vị thế mua một cách nhanh chóng, tạo lực đẩy giá vàng tăng.
Như vậy, hiện nay một áp lực bán chốt lời đang đè lên danh mục của các quỹ đầu cơ cho nên việc họ bán ra một phần hoặc toàn bộ vị thế mua trước đó là điều hoàn toàn có khả năng xảy ra và như vậy chắc chắn giá sẽ giảm lại.
Áp lực chốt lời và xu hướng biến động của đô la sẽ là yếu tố quyết định
Một vài quỹ đầu cơ và ngân hàng có uy tín trên thế giới có dự báo vào hồi đầu năm là giá vàng có thể đạt đến mức 1.200 đô la/ounce trong năm nay và biến động trong những ngày vừa qua có vẻ đã ủng hộ cho quan điểm của họ. Tuy nhiên, theo chúng tôi, sắp tới giá vàng sẽ bước vào một đợt giảm giá mang tính điều chỉnh. Ngoài yếu tố phân tích kỹ thuật nêu trên thì có mấy nguyên nhân sau:
Thứ nhất, là quan sát biến động giá vàng trong một thời gian dài, chúng tôi rút ra một đặc tính quan trọng là thường sau những đợt tăng quá nhanh và mạnh thì sau đó giá vàng khó trụ vững tại những mức cao mà sẽ bước vào một giai đoạn giảm điều chỉnh.
Biến động giá của ngày 18-3-2008 là một ví dụ điển hình, sau khi đạt mức kỷ lục 1.032 đô la/ounce thì ngay ngày hôm sau giá vàng đã giảm 100 đô la/ounce về mức 930 khiến nhiều nhà đầu tư đã phá sản.
Thật ra đây cũng là một hiện tượng bình thường bởi như đã phân tích bên trên, nguyên nhân khiến giá vàng tăng nhanh là do yếu tố đầu cơ. Khi đó các quỹ đổ tiền vào để mở các vị thế mua (long position), hình thức đầu cơ này có tính đòn bẩy rất cao nên họ sẽ nhanh chóng chốt lời khi vị thế đầu cơ đã đạt mức lợi nhuận kỳ vọng. Việc chốt lời thực chất là bán ra toàn bộ khối lượng vàng đã mua trước đó và điều này sẽ tạo áp lực giảm giá rất mạnh.
Thứ hai là xu hướng phục hồi của đồng đô la sau khi ông Ben Bernanke, Chủ tịch Quỹ Dự trữ liên bang Mỹ (FED), đã có một bài phát biểu quan trọng về chính sách tiền tệ, theo đó, FED đang tiến gần đến khả năng sẽ thực thi việc thắt chặt tiền tệ khi các điều kiện kinh tế vĩ mô trở nên sáng sủa hơn để đối phó với bóng ma lạm phát. Hơn nữa, Ben Bernanke cũng đã xác định lại quan điểm một chiến lược “đô la mạnh” của Tổng thống Obama được phát biểu bởi Giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia, Lawrence Summers.
Rủi ro của đầu tư vàng đã tăng đáng kể
Trong những lý lẽ giải thích cho việc vàng tăng giá thì điều mà người ta nhắc đến nhiều nhất là đặc tính phổ biến của vàng như một “thiên đường an toàn” để phòng tránh rủi ro.
Khi đối phó với các thảm họa, khủng hoảng tài chính hay đón đầu nguy cơ lạm phát thì cả các nhà đầu tư tài chính lẫn người dân đều tìm đến tài sản an toàn là vàng. Tuy nhiên, với việc giá vàng đã tăng giá liên tục trong suốt một thời gian dài đạt mức cao như hiện nay thì đầu tư vào vàng đã không còn là một hoạt động phòng ngừa rủi ro; mà ngược lại là các nhà đầu tư đã nắm giữ một tài sản có rủi ro cao.
Vì thực ra ngoài kịch bản giá tăng lên 1.200 đô la đã nêu trên thì trong một báo cáo về vàng từ hồi đầu năm HSBC cũng đưa ra kịch bản trong năm 2009 có khả năng vàng sẽ giảm về mức 850 đô la/ounce và nếu điều này xảy ra thậm chí trong năm 2010 có thể giá sẽ giảm về mức 775 đô la/ounce.
Vì vậy, hiện nay nếu thực hiện mua hay bán vàng, cả vàng vật chất hay tài khoản đều hàm chứa những rủi ro tiềm ẩn về giá rất lớn. Bởi vì mức độ biến động giá vàng sắp tới nếu có tăng hay giảm đều sẽ rất mạnh. Và trong bối cảnh như vậy, nếu nhìn lại trong quá khứ đều thấy rằng người thắng thì ít mà kẻ thua lại rất nhiều.
ThS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo
TBKTSG Online
|