Dự trữ ngoại tệ của Trung Đông sẽ tăng
Các nước xuất khẩu dầu hỏa ở Trung Đông và Bắc Phi hy vọng sẽ tăng được quỹ dự trữ ngoại tệ thêm 100 tỉ đô la Mỹ vào năm 2010 nhờ giá dầu thô tăng trở lại.
Nhận định này được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra trong một báo cáo hôm Chủ nhật 11-10.
Việc xây dựng lại quỹ dự trữ quốc tế sẽ cho phép các chính phủ trong khu vực duy trì mức chi tiêu công, góp phần làm giảm bớt tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới lên nền kinh tế, báo cáo của IMF được công bố tại Dubai cho biết.
“Với giá dầu cao hơn và nhu cầu tiêu thụ trên toàn cầu tăng vọt trở lại, các khoản thu từ dầu hỏa dự báo sẽ tăng lên và cho phép các nước xuất khẩu dầu hỏa tăng quỹ dự trữ quốc tế lên thêm 100 tỉ đô la vào năm 2010”, IMF xác nhận.
Các nước xuất khẩu dầu hỏa của khu vực – gồm Angeria, Bahrain, Iran, Iraq, Kuwait. Libya, Oman, Qatar, Arab Saudi, Sudan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Yemen - đã khốn khổ khi giá dầu giảm xuống mức gần 30 đô la Mỹ/thùng vào cuối năm ngoái sau khi lên đến đỉnh điểm 147 đô la Mỹ/thùng vào tháng Bảy năm 2008. Hệ quả là thặng dư tài khoản vãng lai của các nước này giảm khoảng 350 tỉ đô la Mỹ. Kể từ đó, giá dầu đã nhảy vọt lên ở mức trên dưới 70 đô la Mỹ/thùng.
“Việc sử dụng quỹ dự trữ để bù vào các khoản chi tiêu, chống đỡ sự giảm sút theo chu kỳ của những nước xuất khẩu dầu hỏa đã làm nhẹ bớt tác động của cuộc khủng hoảng lên nền kinh tế của các nước này và có sự lan tỏa tích cực sang các nước láng giềng”, ông Masood Ahmed, Giám đốc phụ trách khu vực Trung Đông và vùng Trung Á của IMF cho biết.
IMF dự báo nền kinh tế của tất cả các nước Trung Đông và Bắc Phi ngoại trừ Afghanistan và Pakistan sẽ có tỷ lệ tăng trưởng bình quân 4% trong năm 2010. Các nước vùng vịnh Ả Rập sẽ có mức tăng trưởng 0,7% trong năm nay – quá thấp so với mức 6,4% năm 2008 – nhưng sẽ tăng lên 5,2% vào năm tới. Dự báo của IMF được lập trên cơ sở dự kiến giá dầu thô sẽ nằm trong mức 77 đô la Mỹ/thùng.
Ở các nước giàu tài nguyên dầu mỏ, động lực của sự tăng trưởng này là sản xuất dầu, trong khi chi tiêu công giữ một vai trò ngày càng lớn hơn, ông Ahmed nói với hãng tin AFP sau khi bản báo cáo của IMF được công bố. Arab Saudi chẳng hạn, vẫn duy trì mức chi tiêu cao cho các công trình hạ tầng cơ sở, giáo dục, đầu tư xã hội và y tế.
Ông Ahmed cũng nói rằng các quỹ đầu tư nhà nước (SWF) của các quốc gia vùng Vịnh vẫn tiếp tục đầu tư trong nước và nước ngoài và sẽ tìm cách đa dạng hóa tài sản của mình.
Báo cáo của IMF cho biết, tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế đối với các nền kinh tế khu vực được cảm nhận rõ nhất trong ngành dầu hỏa, nơi sản lượng dự báo sẽ giảm 3,5% trong năm nay.
“Các nước xuất khẩu dầu mỏ trong khối MENAP – gồm Trung Đông, Bắc Phi, Afghanistan và Pakistan – bị tác động trực tiếp của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu thông qua sự sụt giảm nặng nề của giá dầu, sự co lại của kinh tế toàn cầu và sự khô kiệt bất ngờ của các dòng vốn”, IMF nhận định.
IMF cũng đánh giá rằng, tăng cường cơ chế điều chỉnh và kiểm soát hệ thống tài chính là điều kiện thiết yếu để các nước này che chắn cho hệ thống tài chính nhằm chống đỡ những cú sốc trong tương lai.
Tăng trưởng của các nước nhập khẩu dầu sẽ chậm lại ở mức 3,6% trong năm nay so với 5% hồi năm ngoái, nhưng các nước này bị trói buộc bởi tỷ lệ nợ quá cao, làm hạn chế việc thực thi các biện pháp kích thích tài chính. IMF khuyến nghị các nước này phải thúc đẩy hoạt động của lĩnh vực kinh tế tư nhân, tạo công ăn việc làm và tăng cường sức cạnh tranh.
TBKTSG Online
|