Kẻ chiến thắng duy nhất của cuộc khủng hoảng
Hàng trăm người ném đá biểu tình bên ngoài Trung tâm hội nghị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Istanbul cũng không thể phủ nhận được một sự thật: xin chúc mừng IMF, kẻ chiến thắng duy nhất của cuộc khủng hoảng.
15/9/2008, Ngân hàng Mỹ Lehman Brothers sụp đổ chính thức báo hiệu khủng hoảng thế giới đã bắt đầu. Với hệ lụy là hàng trăm ngân hàng phá sản chỉ trong thời gian ngắn, hàng vạn con mắt đã đổ dồn về phía IMF và World Bank.
Rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra với tổ chức tài chính lớn nhất thế giới này: IMF đã ở đâu khi thế giới đang lâm vào khủng hoảng? Khi mà hàng tỷ đôla bốc hơi chỉ trong một đêm, IMF đã làm được gì trong chức năng "điều phối tín dụng quốc tế" của mình? Tại sao không một nền kinh tế nào nhận được cảnh báo về nguy cơ của một cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới? ...
Cũng tại thời điểm đó, một lần nữa người ta lại thấy xuất hiện những những yêu cầu giải tán cơ quan tài chính lớn nhất thế giới này với lí do hoạt động kém hiệu quả…
4/10/2009, 1 năm sau cuộc khủng hoảng, Hội nghị thường niên của IMF được tổ chức tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ nhưng với một vị thế khác hẳn trước đó. Bất chấp những phản đối kịch liệt mà tổ chức này gặp phải trong quá trình hoạt động, IMF đã vươn lên trở thành vị cứu tinh cho cuộc khủng hoảng. Những nước mà trước đây chỉ trích IMF mạnh mẽ nhất thì nay cũng tự nguyện chấp thuận sự dẫn dắt của tổ chức tài chính này. Không ai được lợi từ khủng hoảng kinh tế, nhưng rõ ràng sau đợt suy thoái lần này, IMF chính là kẻ chiến thắng.
Quả thật, "nhờ" có cuộc khủng hoảng kinh tế lần này mà vai trò của IMF mới được nhìn nhận một cách đúng đắn hơn. Không chỉ bơm hàng trăm tỷ USD vào các nền kinh tế đang lâm vào cảnh khó khăn, IMF còn giúp các nước này đặt ra các nền móng vững chắc cho cải cách kinh tế và tài chính, vốn đang trở nên cấp thiết hơn lúc nào khác.
Nói cách khác, vị thế của IMF trong cuộc khủng hoảng lần này có thể nhìn nhận với "vai trò kép". Một mặt, họ ném cho các quốc gia đang chìm sâu trong khủng hoảng chiếc phao cứu sinh, chiếc phao này không giúp họ nhảy ra khỏi mặt nước nhưng ít nhất sẽ giúp họ tồn tại; mặt khác IMF chỉ cho các nước này những lối thoát mà họ cần phải tiến hành để có thể tự mình thoát ra khỏi khủng hoảng. Các chương trình cải cách của IMF đang được triển khai ở các thị trường mới nổi tại Trung Âu như Hungary, Belarus, Serbia, Romania…. là minh chứng rõ ràng nhất cho chính sách này của IMF.
Chức năng thứ 2 của IMF trong cuộc khủng hoảng tài chính lần này là khá đặc biệt. Mặc dù IMF không có công cụ ràng buộc pháp lý nào với các quốc gia thành viên trong việc tuân theo các khuyến nghị về cải cách hệ thống ngân hàng, đưa ra các gói kích cầu..., vai trò cố vấn chính sách đúng đắn cho các quốc gia chấp hành và giúp họ nhận thức được tầm quan trọng của chính sách đó là vô cùng quan trọng. Giữa sự hoảng loạn và hoang mang tột độ, IMF nổi lên với vai trò là thực thể duy nhất đủ bình tĩnh để phân tích tình hình, đánh giá các tác động và đưa ra được những lời khuyên đúng đắn. Một cách hình tượng, nếu phải bầu một vị thuyền trưởng có đủ các phẩm chất cần thiết để lèo lái con tàu kinh tế-tài chính đang lung lay dữ dội trong tâm bão, sẽ không có ai xứng đáng hơn IMF.
Trên thực tế, nhiều khi cũng không hẳn quốc gia nào cũng sẵn sàng trước các cải cách của IMF mà có thể bị buộc phải "tự nguyện chấp thuận" để đối lấy các khoản viện trợ như cái cách mà tổ chức tài chính này vẫn áp dụng trong các giai đoạn khủng hoảng trước đây. Tuy nhiên, rõ ràng các quốc gia cũng chẳng dại gì mà lựa chọn những giải pháp mà không đem lại lợi ích gì cho họ. Hơn thế nữa, khi mà phải tìm đến với IMF – tổ chức hợp với World Bank có biệt danh “bộ đôi ma quỷ của Bretten Wood”, các nước đang phát triển chắc hẳn cũng không còn sự lựa chọn nào khác nữa rồi.
Tạm gác lại những thành công của IMF trong việc giúp các quốc gia đối phó với khủng hoảng, câu hỏi đặt ra bây giờ là IMF phải tiếp tục làm gì đảm bảo sự phục hồi bền vững của kinh tế thế giới? Với việc chính các quốc gia đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ… mới là những quốc gia bước những bước đầu tiên ra khủng hoảng, cán cân quyền lực kinh tế thế giới ít nhiều đã có những thay đổi nhất định. Xét ở một góc độ nào đó, với một nền kinh tế mạnh và hệ thống tài chính ổn định đây là những nước giành được thắng lợi tương đối khi mà cuộc khủng hoảng này kết thúc; và do đó, chắc hẳn họ sẽ chẳng thể bằng lòng với thị phần bé nhỏ trong trật tự kinh tế thế giới.
Để giải quyết vấn đề này, IMF phải tiến hành những thay đổi mạnh mẽ sao cho phản ánh được một cách hợp lý cục diện quyền lực kinh tế thế giới hiện nay. Sự thay đổi đó bước đầu đã được hình thành thông qua các cam kết của IMF đồng ý nâng tổng số phiếu của các nền kinh tế mới nổi thêm 5% tại các hội nghị G20 và hội nghị IMF thường niên lần này. Mặc dù vậy, đừng ai mong chờ sự thay đổi đó sẽ diễn ra một cách nhanh chóng. Sẽ phải mất nhiều năm để các thay đổi đó thực sự có hiệu lực và sẽ phải mất nhiều năm hơn nữa để IMF cũng như World Bank thực sự giải quyết được các khó khăn mà mình đang gặp phải.
Tuy nhiên, trước mắt các tổ chức này hãy cứ thư thả mà tận hưởng thành quả mình đã đạt được. Hàng trăm người ném đá biểu tình bên ngoài Trung tâm hội nghị IMF tại Istanbul cũng không thể phủ nhận được một sự thật: xin chúc mừng IMF, kẻ chiến thắng duy nhất của cuộc khủng hoảng.
Vũ Sơn Tùng
Vietnamnet
|