Dow Jones giữ vững mốc 10,000 khi Wall Street điều chỉnh
(Vietstock) – Các báo cáo lợi nhuận trái chiều, sự tăng mạnh của đồng USD, cũng như số liệu nhà ở và lạm phát kém khả quan chính là các nhân tố khiến Wall Street trượt dài trong phiên giao dịch ngày Thứ Ba 20/10.
Nguồn: CNN |
Chỉ số Dow Jones giảm 50.71 điểm (0.5%) đóng cửa tại 10,041.48 điểm. Chỉ số S&P 500 đánh mất 6.85 điểm (0.62%) xuống 1,091.06 điểm. Chỉ số Nasdaq hạ 12.85 điểm (0.59%) lùi về mức 2,163.47 điểm.
Như vậy, kể từ khi chạm mức thấp trong vòng 12 năm vào ngày 09/03/2009, chỉ số S&P 500 đã tăng hơn 62%. Tuy nhiên, một số người lại lo lắng rằng đợt phục hồi mạnh trong thời gian qua cùng với việc Dow Jones vượt ngưỡng 10,000 điểm chỉ là trò lừa bịp mà giới đầu tư cần phải cảnh giác.
Bất chấp phiên điều chỉnh trong ngày Thứ Ba, xu hướng của thị trường chứng khoán trong quý 3 vẫn còn tích cực. Yếu tố giúp chứng khoán Mỹ tăng đều đặn trong thời gian qua chính là các kết quả kinh doanh vượt kỳ vọng của đa số công ty thành viên S&P 500.
Theo số liệu của Thomson Reuters, tính đến chiều ngày 20/10, 95% công ty S&P 500 đã công bố báo cáo tài chính, trong đó 79% trong số đó có kết quả kinh doanh vượt kỳ vọng, và chỉ 11% thấp hơn dự đoán.
Trong ngày, nhà đầu tư tỏ ra thất vọng trước kết quả kinh doanh của DuPont, Coca-Cola, Caterpillar và Pfizer nên có thêm lý do để chốt lời bất chấp việc Yahoo công bố lợi nhuận lạc quan sau giờ giao dịch.
Tập đoàn hóa chất DuPont hàng đầu của Mỹ công bố lợi nhuận vượt mong đợi của giới phân tích nhưng doanh thu lại thấp hơn dự đoán. Được biết, DuPont đã sử dụng các biện pháp cắt giảm chi phí để giảm bớt tác động từ doanh thu yếu ớt, chi phí năng lượng và dầu thô tăng vọt. Bên cạnh đó hãng còn hạ thấp dự báo lợi nhuận cho cả năm nay xuống 1.95-2.05 USD/cp.
Tập đoàn nước giải khát Coca - Cola công bố lợi nhuận quý 3 tăng nhẹ đúng như kỳ vọng, tuy nhiên doanh thu lại giảm mạnh hơn dự đoán. Doanh số bán hàng suy giảm là nhân tố ảnh hưởng đến Coca-Cola trong suốt cuộc suy thoái vừa qua. Ngoài ra, sự tăng mạnh của đồng USD, ít nhất là so với cách đây một năm, đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của hãng, bởi phần lớn nguồn lợi nhuận này đều đến từ doanh số bán hàng ở nước ngoài.
Trong ngày, Tập đoàn Dược phẩm Pfizer cho biết lợi nhuận quý 3 của hãng tăng nhưng doanh thu lại sa sút, tuy nhiên cả hai số liệu này đều khả quan hơn dự đoán của giới phân tích. Mặc dù doanh số bán thuốc của hãng sụt giảm mạnh do suy thoái nhưng động thái cắt giảm chi phí kịp thời đã giúp hãng làm ăn có lãi.
Chưa hết, Tập đoàn công nghệ Caterpillar công bố lợi nhuận quý 3 đi xuống nhưng vẫn vượt dự đoán, còn doanh thu lại không được như kỳ vọng do doanh số bán hàng suy giảm. Tuy nhiên hãng nâng dự báo lợi nhuận cả năm nay từ 1.1-1.3 USD/cp.
Theo các thông tin kinh tế vừa được công bố, số nhà khởi công Tháng 9 tăng lên mức 590,000 đơn vị, cao hơn so với dự đoán 587,000 đơn vị của tháng trước nhưng lại thấp hơn nhiều so với mức kỳ vọng 610,000 đơn vị của các nhà phân tích.
Số nhà được cấp phép xây dựng trong Tháng 9 (Building Permits) – đồng thời là thước đo lòng tin của các nhà xây dựng - tăng lên mức 573,000 đơn vị, thấp hơn so với mức điều chỉnh trong Tháng 8 là 580,000 đơn vị và mức dự đoán 595,000 đơn vị của các nhà kinh thế trong cuộc khảo sát trên Briefing.com.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) Tháng 9 giảm 0.6%, trong khi đó số liệu này theo như dự đoán của các nhà phân tích là không đổi. Trong Tháng 8, PPI tăng 1.7%. PPI cơ bản Tháng 9 (trừ giá năng lượng và thực phẩm) giảm 0.1%, đi ngược với dự đoán tăng 0.1% của các nhà kinh tế.
Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ giảm từ 3.38% xuống 3.31%, giá dầu thô ngọt nhẹ tại New York cũng giảm 52 cent xuống còn 79.09 USD/thùng. Đồng USD tăng mạnh so với đồng EUR và JPY, giá vàng tăng 50 USD/oz lên 1,058.60 USD/oz.
Thị trường Châu Âu đêm qua giảm điểm, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0.7%, chỉ số CAC 40 của Pháp hạ 0.5% và chỉ số DAX của Đức đánh mất 0.7%. Ngược lại, thị trường chứng khoán Châu Á lại có phiên tăng điểm trong ngày 20/10.
Phạm Thị Phước
|