Cổ phiếu tài chính dẫn đường Wall Street bứt phá
(Vietstock) – Loạt kết quả kinh doanh vượt kỳ vọng thị trường từ các blue-chip như Travelers, AT&T, McDonald's và 3M đã giúp Dow Jones nhẹ nhàng quay trở lại trên mốc 10,000 điểm cũng như trấn an tâm lý giới đầu tư về mùa công bố báo cáo tài chính đang diễn ra.
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Dow Jones tăng mạnh 131.95 điểm (1.33%) lên 10,081.31 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 11.51 điểm (1.06%) đóng cửa tại 1,092.91 điểm. Chỉ số Nasdaq nhận thêm 14.56 điểm (0.68%) lên 2,165.29 điểm.
Cổ phiếu tài chính là nhóm ngành tăng điểm mạnh nhất và dẫn dắt thị trường khởi sắc sau khi nhà bảo hiểm Travelers nâng triển vọng cho cả năm nay và ngân hàng địa phương PNC công bố kết doanh thu và lợi nhuận vượt kỳ vọng. Chỉ số ngân hàng KBW Bank tăng vọt 3.4%.
Góp phần củng cố thêm niềm lạc quan của thị trường còn có nhận định của Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, William Dudley. Theo đó, ông cho biết Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể được hoàn trả đầy đủ số tiền trong chương trình cứu trợ khẩn cấp mà FED đã bơm vào hệ thống tài chính để đối phó với khủng hoảng.
Hơn nữa, FED còn đề xuất kế hoạch cải tổ chính sách lương thưởng tại 28 ngân hàng lớn nhất nước này. Đây là một phần trong nỗ lực nhằm hạn chế các tác nhân vốn đã làm cho cuộc khủng hoảng tín dụng ngày thêm trầm trọng.
Thêm vào đó, “cố vấn đặc biệt” Kenneth Feinberg của chính quyền Obama đã kêu gọi 7 ngân hàng nhận nhiều tiền cứu trợ nhất phải cắt giảm 50% thù lao đối với các giám đốc điều hành.
Đề xuất của FED và kêu gọi này không ảnh hưởng nhiều đến thị trường có lẽ vì các vấn đề trên đã được thảo luận trong nhiều tháng qua.
Ngoài ra, loạt báo cáo tài chính khả quan từ các công ty thành viên chỉ số Dow Jones như 3M, AT&T McDonald's cũng như lợi nhuận vượt kỳ vọng của bán lẻ trực tuyến Amazon.com công bố sau giờ giao dịch giúp củng cố thêm niềm tin rằng khả năng sinh lời của doanh nghiệp đã ổn định trở lại.
Thị trường biến động trong suốt một tuần qua với việc chỉ số Dow Jones liên tục phá vỡ và tụt khỏi mốc 10,000 điểm, trong khi đó S&P 500 cũng dao động quanh mốc 1,100 điểm. Cả hai chỉ số chính này, cũng như Nasdaq đều đang ở mức cao nhất trong gần một năm qua.
Như vậy với việc thị trường tăng mạnh trở lại sau 2 phiên giảm điểm chứng tỏ rằng các đợt điều chỉnh chỉ mang tính tạm thời và luôn là cơ hội để nhà đầu tư mua vào. Và đây cũng chính là xu hướng mà thị trường đã xác lập trong Tháng 10 vừa qua, đáp ứng được nhu cầu mua vào của một bộ phận nhà đầu tư trễ tàu.
Cho đến thời điểm này đã có 167 công ty thành viên S&P 500 (tương đương 33%) công bố kết quả kinh doanh. Theo số liệu của Thomson Reuters, tổng lợi nhuận giảm 19.2% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính tổng thu giảm 10% so với cùng kỳ 2008.
Theo thông tin kinh tế được công bố trong ngày, số người nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần qua tăng lên 531,000 đơn, cao hơn so với mức 520,000 đơn trong tuần trước đó và dự đoán của thị trường là 515,000 đơn. Tuy nhiên, số người nằm trong diện nhận trợ cấp thất nghiệp trong tuần qua lại giảm từ 6.02 triệu người xuống 5.92 triệu người, thấp hơn dự đoán 5.97 triệu người của các nhà kinh tế.
Chỉ số của các chỉ báo kinh tế hàng đầu (LEI) tăng 1% trong Tháng 9, cao hơn so với con số đã điều chỉnh 0.4% trong Tháng 8 và dự đoán 0.8% của các nhà kinh tế.
Lợi tức trái phiếu kho bạc tăng từ 3.38% lên 3.42%, giá dầu thô ngọt nhẹ tại Mỹ giảm 18 cent xác lập mốc 81.19 USD/thùng.
Đồng USD tăng so với đồng JPY và giảm so với đồng EUR. Giá vàng giao Tháng 12 giảm mạnh 5.9 USD/oz xuống 1,058.60 USD/oz.
Đêm qua, chứng khoán Châu Âu giảm điểm, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 1%, chỉ số CAC 40 của Pháp hạ 1.4%, chỉ số DAX của Đức lùi 1.2%. Chứng khoán Châu Á cũng đi xuống trong phiên giao dịch ngày 22/10.
Phạm Thị Phước
|