Trung Quốc "quyến rũ" Đông Timor để làm gì?
Dinh Tổng thống và tòa nhà Bộ Ngoại giao mới, đẹp đẽ, món quà của Trung Quốc đứng sừng sững, đối lập với các tòa nhà đã bị thiêu rụi một nửa ở gần đó, là biểu tượng của việc siêu cường đói năng lượng đang thắt chặt quan hệ với quốc gia nhỏ bé nhưng có nhiều dầu là Đông Timor.
"Tặng quà tới tấp"
Trong 10 năm kể từ khi Đông Timor tách khỏi Indonesia, Trung Quốc đã chi hơn 53 triệu USD để viện trợ cho Đông Timor, còn gọi là Timor Leste.
Trong khi con số trên chỉ là một phần rất nhỏ so với số tiền viện trợ mà chính phủ Australia dành cho Đông Timor - 760 triệu USD, thì Trung Quốc bằng nhiều cách đang tìm cách nâng hình ảnh của mình tại Dili.
Những tòa nhà đồ sộ và món quà hào phóng là 8.000 tấn gạo cho Đông Timor trong cuộc khủng hoảng lương thực gần đây là một trong những cách gây ấn tượng của Trung Quốc với Đông Timor. Ngoài ra, Trung Quốc cũng bảo trợ cho những dự án đáng chú ý ở quốc gia giàu năng lượng như tòa nhà mới của Bộ Quốc phòng, xây nhà cho binh sĩ và trường học, cấp học bổng và các chương trình đào tạo cho công chức Đông Timor.
Với những hành động đó, Trung Quốc đang phát đi một thông điệp công khai rằng nước này nghiêm túc về việc củng cố quan hệ song phương với Đông Timor. Nhiều nhà phân tích nhận định, đó là mong muốn đa dạng hóa lợi ích năng lượng chiến lược của quốc gia đông dân hàng đầu thế giới.
Đằng sau tấm thịnh tình
Loro Horta, chuyên gia về Trung Quốc tại Trường Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore đồng thời là con trai của Tổng thống Đông Timor Jose Ramos Horta nói, viện trợ của Trung Quốc gắn với những hợp đồng về năng lượng và cơ sở hạ tầng.
"Trung Quốc khát dầu, họ đếm từng giọt một và họ chắc chắn hướng tới Đông Timor như một điểm tiềm năng để đáp ứng nhu cầu đó", Loro Horta nói với hãng tin Reuters trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. Loro ước tính, tổng giá trị đầu tư của các công ty Trung Quốc vào Đông Timor là chưa tới 400 triệu USD.
Đông Timor là một trong những nước nghèo và kém phát triển nhất ở châu Á nhưng lại có dự trữ khí và dầu khổng lồ. Mỏ khí Bayu Undan của nước này ước tính có giá tới 12 đến 15 tỷ USD vào năm 2023, Bộ trưởng tài nguyên thiên nhiên Đông Timor là Alfredo Pires cho biết.
Bayu Undan hiện là nhân tố chính trong thỏa thuận giữa Đông Timor và Australia nhưng Dili vẫn cần những đối tác khác để tận dụng nguồn dự trữ chưa khai thác này.
Theo Liên Hợp Quốc, Đông Timor còn nhiều mỏ dầu tiềm năng khác như Kitan - 400 triệu thùng dầu nhẹ, mỏ Greater Sunrise với 300 triệu thùng condensate (sản phẩm tương tự dầu thô), 9,5 nghìn tỷ khối gas.
Các cơ hội béo bở cũng hiện diện trong ngành khai mỏ, gồm đồng, vàng, bạc và cẩm thạch, và những dự án cơ sở hạ tầng lớn khi Đông Timor đang cố thu hút đầu tư.
Bộ trưởng Pires nói, Tây Ban Nha, Trung Quốc và Australia đều nhòm ngó miếng bánh tài nguyên của Đông Timor. Trong khi đó, Damien Kingsbury chuyên gia về Đông Timor tại trường đại học Deakin nói, Mỹ và Anh cũng có hứng thú với Đông Timor.
Không vụ lợi?
Trung Quốc và Đông Timor đã có mối liên kết từ cách đây nhiều thế kỷ. Cách đây hơn 500 năm, các thương nhân Trung Quốc đã tới Đông Timor để tìm mua các loại gỗ. Nhiều thương nhân người Hoa đã ở lại mảnh đất này và lập nên một cộng đồng Trung Quốc tại đây.
Hiện nay, trên các đường phố của Dili, các tòa nhà nối nhau liên tiếp, một số có chữ Trung Quốc. Nhiều gia đình cầu khấn ở các ngôi chùa ở khu mua bán tại thành phố trong khi các thương nhân Trung Quốc mở các cửa hàng đồ gia dụng trên những phố nhộn nhịp.
Người lao động Trung Quốc cũng làm việc tại một trong hai nhà máy điện đang được xây dựng sau khi Dili trao cho công ty xây dựng 22 thuộc ngành hạt nhân Trung Quốc bản hợp đồng 360 triệu USD để xây các nhà máy điện và một mạng điện quốc gia. Đông Timor cũng trả 28 triệu USD cho hai tàu chở dầu Trung Quốc.
Đại sứ Trung Quốc tại Đông Timor, Fu Yuancong bác bỏ tin đồn rằng việc Trung Quốc quan tâm tới Đông Timor là do muốn giành lợi thế khi Dili quyết định trao hợp đồng phát triển các mỏ khí và dầu trị giá hàng tỷ USD.
"Mọi sự trợ giúp của Trung Quốc cho Đông Timor hoàn toàn là thành thật, không vụ lợi, không như những gì giới truyền thông phương Tây đồn đoán. Chính phủ Trung Quốc không bao giờ có chiến lược chính trị nào ở Đông Timor", quan chức trên cho hay. Theo ông Fu Yuancong, chính phủ Trung Quốc đang hội đàm về năng lượng với Dili.
Hoài Linh (Theo Reuters)
Vietnamnet
|