Thứ Hai, 21/09/2009 16:14

Tổng Giám đốc DATC - Phạm Thanh Quang:

Thành công đã có, nhưng khó khăn vẫn nhiều...

Trong các số báo trước, TBTCVN đã giới thiệu tới bạn đọc những hiệu quả tích cực đã được thực tế khẳng định về kinh tế, chính trị, xã hội của hoạt động mua bán nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp (TCCDN) khách nợ, cũng như cách thức triển khai thực hiện hoạt động này ở DATC. Trong số báo này, TBTCVN tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc kết quả tổng quát về tình hình mua bán nợ và TCCDN do DATC thực hiện trong thời gian qua, những thuận lợi, cũng như những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trong quá trình triển khai hoạt động này. Sau đây là phỏng vấn của phóng viên TBTCVN với ông Phạm Thanh Quang - Tổng giám đốc DATC.

* Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN: Lại vướng... cơ chế

* Thưa ông, ông có thể cho biết tình hình mua bán nợ và tái cơ cấu doanh nghiệp do Công ty thực hiện đến nay như thế nào?

- Lũy kế từ khi đi vào hoạt động (năm 2004) đến 30/6/2009, Công ty đã mua được 6.170 tỷ đồng nợ và tài sản tồn đọng (theo giá trị sổ sách), trong đó có 336 tỷ đồng mua theo chỉ định của Chính phủ, số còn lại mua theo cơ chế tự thỏa thuận giữa Công ty với các chủ nợ theo giá thị trường. Trên 90% số nợ tồn đọng nêu trên được mua từ các ngân hàng thương mại Nhà nước. Trong tổng số nợ và tài sản tồn đọng đã mua nêu trên, 94% được mua trong thời gian từ năm 2007 đến tháng 6/2009. Như vậy, phần lớn số nợ tồn đọng đã được Công ty mua trong thời gian gần 3 năm qua, theo sát kế hoạch của Nhà nước về lành mạnh hóa tình hình tài chính của các ngân hàng thương mại Nhà nước và các DNNN để cổ phần hóa.

Trong tổng số 6.170 tỷ đồng nợ tồn đọng đã mua được nêu trên, có 5.160 tỷ đồng được Công ty mua để xử lý thông qua việc tái cơ cấu, chuyển đổi sở hữu 59 DN khách nợ. Trong đó, có 35 DNNN làm ăn thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu không đủ điều kiện cổ phần hóa, 23 doanh nghiệp là công ty cổ phần trước đây được chuyển đổi từ DNNN nhưng hoạt động kém hiệu quả do những tồn tại tài chính trước cổ phần hóa không được xử lý triệt để, 1 DN còn lại thuộc thành phần kinh tế khác. Xét theo ngành kinh tế, trong tổng số 59 DN nêu trên, có 8 DN hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông, thủy sản, 33 DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng giao thông (thuộc 9 tổng công ty xây dựng giao thông của Nhà nước), 10 DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng. Như vậy, phần lớn các DN nêu trên đều hoạt động trong những ngành có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội của nhiều địa phương, vùng kinh tế.

Đến 30/6/2009 có 14 DN đã được Công ty triển khai thực hiện các hoạt động tái cơ cấu lại, chuyển đổi sở hữu, trong đó năm 2007 thực hiện được 2 DN, năm 2008 thực hiện được 9 DN, và 6 tháng đầu năm 2009 thực hiện được 3 DN. Trong 14 DN nêu trên, có 10 DN là DNNN làm ăn thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu không đủ điều kiện cổ phần hóa, 4 DN còn lại trước đây là DNNN đã được cổ phần hóa nhưng tiếp tục hoạt động thua lỗ sau cổ phần do gặp khó khăn tài chính. Hiện tại còn 45 DN khách nợ khác đang trong giai đoạn xây dựng, hoàn thiện, chờ phê duyệt phương án để triển khai thực hiện.

Trong tổng số 14 DN khách nợ được Công ty triển khai tái cơ cấu, chuyển đổi sở hữu, có 6 DN đã cơ bản hoàn thành các hoạt động tái cơ cấu, đi vào hoạt động sản xuất ổn định, các DN còn lại đang trong quá trình tiếp tục thực hiện các hoạt động tái cơ cấu. Nhìn chung, các DN được Công ty tái cơ cấu đã có nhiều chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã sớm ổn định và có lợi nhuận cao chỉ trong một thời gian ngắn sau khi được tái cơ cấu. Tính đến 30/6/2009, có 7 DN liên tục có lãi từ sau khi được tái cơ cấu. Tất cả các DN đã hoàn thành việc tái cơ cấu đều đã có tình hình tài chính lành mạnh, hoạt động SX - KD hiệu quả và có triển vọng tiếp tục phát triển tốt trong thời gian tiếp theo. Các DN khác đang trong quá trình tái cơ cấu đã cân bằng được tài chính hoặc một số ít DN còn lỗ, nhưng mức lỗ đã giảm rất nhiều so với trước khi thực hiện tái cơ cấu.

Lũy kế đến 30/6/2009, Công ty đã xử lý, thu hồi nợ dưới các hình thức (bao gồm cả chuyển nợ thành vốn góp) được 67,4% tổng số tiền đã chi để mua nợ, trong đó 75,3% được thu hồi trong giai đoạn từ năm 2007 đến tháng 6/2009. Như vậy, phần lớn số nợ thu được nêu trên đều gắn với hoạt động tái cơ cấu DN khách nợ trong thời gian qua.

* Những hiệu quả KT - XH mà hoạt động TCCDN do Công ty thực hiện đã đạt được trong thời gian qua là gì, thưa ông?

- Hoạt động mua bán, xử lý nợ tồn đọng được Công ty thực hiện trong thời gian qua không những đảm bảo tốt mục tiêu “Góp phần lành mạnh hóa tình hình tài chính doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình sắp xếp và chuyển đổi DNNN”, mà còn có thêm những đóng góp tích cực đối với một số chương trình KT - XH lớn của Đảng và Chính phủ như cải cách sắp xếp DNNN; nông nghiệp, nông dân và nông thôn; phát triển KT - XH các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Cụ thể như: hoạt động mua bán nợ đã giúp các ngân hàng thương mại nhà nước xử lý nhanh một khối lượng lớn nợ tồn đọng, góp phần cải thiện và nâng cao năng lực tài chính để chuẩn bị cho công tác cổ phần hóa, tăng cường tính an toàn của hệ thống tài chính ngân hàng trong quá trình cải cách và hội nhập; hoạt động mua nợ gắn với TCCDN đã có những đóng góp tích cực trong việc củng cố, sắp xếp lại và chuyển đổi sở hữu DNNN, đặc biệt các DNNN thua lỗ không còn vốn, không đủ điều kiện cổ phần hóa, giúp các DN tránh bị phá sản, xử lý được cơ bản các tồn tại tài chính, cơ cấu lại hoạt động SX - KD để tiếp tục tồn tại và phát triển có hiệu quả hơn; hoạt động mua nợ gắn với TCCDN cũng góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, ổn định chính trị ở một số địa phương, vùng, miền trong nền kinh tế, nhất là góp phần giải quyết công ăn việc làm và ổn định thu nhập cho người lao động. Việc phục hồi lại hoạt động sản xuất ở các DN nêu trên đã góp phần tạo lập, duy trì ổn định việc làm và thu nhập cho hơn 5.000 lao động trực tiếp tại các DN, và hàng ngàn hộ nông dân trồng cây nguyên liệu cung cấp cho DN; đảm bảo quyền lợi của Nhà nước và xã hội trong quá trình xử lý nợ tồn đọng. Thông qua hoạt động mua bán nợ gắn với TCCDN, các khoản nợ đọng thuế, nợ bảo hiểm xã hội và kinh phí công đoàn đều được giải quyết và thanh toán triệt để. Việc cơ cấu lại tài chính các DNNN làm ăn thua lỗ, mất hết vốn không đòi hỏi phải cấp kinh phí từ NSNN, đồng thời giúp Nhà nước tiết kiệm được những khoản chi phí để xử lý các vấn đề chính trị, xã hội, đặc biệt là chi phí giải quyết việc làm, lao động dôi dư phát sinh từ việc phá sản DN, ngăn chặn việc phát sinh thêm những tổn thất tài chính đối với Nhà nước.

* Vậy theo ông, hoạt động mua bán nợ và tái cơ cấu doanh nghiệp hiện nay có thuận lợi và khó khăn ra sao?

- Thuận lợi lớn nhất đối với hoạt động mua bán nợ gắn với TCCDN đó là việc lành mạnh tình hình tài chính DN, cải cách sắp xếp DNNN đã và đang được Đảng, Chính phủ quan tâm sâu sắc, và coi đó là một trong những chủ trương, chính sách lớn, cần được ưu tiên đẩy mạnh một cách hiệu quả. Chính vì vậy, tại Nghị định số 109/2007/NĐ-CP về cổ phần hóa DNNN, Chính phủ đã cho phép Bộ trưởng các Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố được thỏa thuận với DATC để quyết định việc chuyển đổi sở hữu đối với công ty nhà nước thua lỗ không còn vốn nhà nước đã được DATC xử lý tồn tại về tài chính thông qua hoạt động mua bán nợ. Bên cạnh đó, hiện nay nhiều DN, và một số bộ, ngành, địa phương đã nhận thấy tác dụng tích cực của hoạt động TCCDN thông qua hoạt động mua bán nợ, nên đã có sự ủng hộ đối với hoạt động của Công ty.

Về khó khăn, lớn nhất hiện nay vẫn là cơ chế, hành lang pháp lý cho hoạt động của Công ty. Mặc dù Nghị định số 109/2007/NĐ-CP đã cho phép chuyển đổi sở hữu DNNN âm vốn thông qua hoạt động mua bán nợ, nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, nên cả Công ty và các bộ, địa phương đang vướng mắc trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, các vấn đề đặc thù trong quá trình thực hiện TCCDN thông qua hoạt động mua bán nợ, như miễn giảm một phần nghĩa vụ trả nợ để xử lý tồn tại tài chính, hỗ trợ tài chính thông qua việc chuyển nợ thành vốn góp, bảo lãnh vay vốn ngân hàng hoặc cho vay bổ sung để DN có vốn hoạt động chưa được quy định cụ thể cũng là một trong những khó khăn lớn trong hoạt động hiện nay của Công ty. Ngoài ra, vướng mắc trong việc xác định giá trị lợi thế vị trí địa lý trong tính toán, xác định giá trị DN khi thực hiện chuyển đổi sở hữu DNNN cũng là một trong những nguyên nhân làm các phương án TCCDN khách nợ của Công ty chậm được phê duyệt hoặc phải trì hoãn để chờ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Thực tế hoạt động cho thấy mua bán nợ gắn với TCCDN là biện pháp xử lý nợ vừa phù hợp mục tiêu hoạt động vừa là biện pháp hữu hiệu góp phần xử lý nhanh và dứt điểm nợ tồn đọng trong nền kinh tế, góp phần lành mạnh tài chính, thúc đẩy sắp xếp và chuyển đổi sở hữu DNNN. Để phát huy vai trò tích cực góp của hoạt động này, góp phần thực hiện các chương trình KT - XH của Đảng và Chính phủ trước những diễn biến kinh tế phức tạp hiện nay, hoạt động mua bán nợ gắn với TCCDN rất cần nhận được sự quan tâm, giúp đỡ từ các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là sự quan tâm tháo gỡ vướng mắc về cơ chế từ Chính phủ và cơ quan Nhà nước liên quan.

* Xin cảm ơn ông!

bộ tài chính

Các tin tức khác

>   Kết quả đấu thầu TPCP của Ngân hàng Chính sách Xã hội (21/09/2009)

>   Vietbank cho vay 150 tỉ đồng vào dự án Cantavil (21/09/2009)

>   Đòi hỏi của người nộp thuế (21/09/2009)

>   Tỷ giá đồng/USD cao nhất từ trước đến nay (21/09/2009)

>   Tuần qua lãi suất huy động VND và USD tiếp tục tăng (21/09/2009)

>   Vàng tiếp tục giảm giá nhẹ do USD hồi phục (21/09/2009)

>   Dư nợ hỗ trợ lãi suất tuần qua chỉ tăng 28.72 tỷ đồng (21/09/2009)

>   Thuế chuyển nhượng hợp đồng BĐS: Ma trận... thông tin (21/09/2009)

>   Ngân hàng lãi nhiều vẫn kêu (21/09/2009)

>   Rối với thuế hợp đồng góp vốn (21/09/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật