Tái cơ cấu tài chính quốc gia: “Cửa” thoát khủng hoảng !
Diễn biến của khủng hoảng tài chính thế giới và các chính sách, giải pháp của VN đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết sau khủng hoảng. Tuy vậy, giờ phút này, sau khi suy thoái đi qua, đây là lúc để chúng ta thấy rõ hơn những khiếm khuyết trong cơ cấu kinh tế, trong đầu tư và trong tài chính đang là cản trở phát triển nhanh và bền vững kinh tế. Đây chính là yêu cầu cấp bách và cũng là thời điểm tốt để VN tái cơ cấu kinh tế và tái cơ cấu tài chính.
Tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đến kinh tế VN ai cũng thấy rõ. và phải khẳng định rằng, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực đưa VN nhanh chóng thoát khỏi khủng hoảng đến bất ngờ. Tuy nhiên, không thể không thừa nhận những mặt hạn chế đang tồn tại.
Phô bày hạn chế !
Thực tế những tháng đầu năm 2009 cho thấy: Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I chỉ đạt 3,1% là mức thấp nhất trong nhiều năm qua; thu ngân sách thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu giảm 13,4% so với cùng kỳ...
Chính phủ đã đặt mục tiêu: Chống suy giảm và ổn định vĩ mô nền kinh tế và ban hành nhiều giải pháp, nhiều chính sách cấp bách nhằm ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, trong đó tập trung vào 6 nhóm giải pháp chủ yếu. Sau một thời gian thực hiện đã đạt được một số kết quả nhất định và xuất hiện một số tín hiệu khả quan: Kinh tế tiếp tục tăng trưởng; hoạt động tín dụng đã khởi sắc trở lại; xu thế giảm phát được khắc phục dần và đến thời điểm này được coi là mất hẳn...
Tuy nhiên, diễn biến của khủng hoảng tài chính thế giới và các chính sách, giải pháp của VN đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết sau khủng hoảng. Yêu cầu cấp bách và cũng là thời điểm tốt để VN tái cơ cấu kinh tế và tái cơ cấu tài chính ngay trong suy thoái kinh tế, trong khủng hoảng tài chính thế giới để VN trụ vững và tiếp tục phát triển, ngay sau khi ra khỏi tình trạng suy giảm kinh tế.
Tăng trưởng kinh tế của VN vẫn duy trì, nhưng đạt được mức thấp hơn so với chỉ tiêu do Quốc hội quyết định. Đó là một thực tế do diễn biến của kinh tế thế giới và thực tế của kinh tế VN. Dù 4 tháng đầu năm kinh tế có sự tăng trưởng đáng kể, nhưng phải tính đến những tháng còn lại, những tháng cuối năm 2009, trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, dịch bệnh và những yếu kém của nền kinh tế, của năng lực tổ chức và phối hợp hành động.
Mô hình phát triển của nền kinh tế nước ta trong nhiều năm qua là mô hình hướng ngoại, dựa nhiều vào xuất khẩu (khoảng 60 - 70% GDP), nhập khẩu (hơn 90% GDP) và thu hút đầu tư nước ngoài (vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài chiếm 16% tổng số vốn đầu tư toàn xã hội của những năm 2000 - 2005 và trên 20% những năm gần đây. Nếu tính cả đầu tư gián tiếp thì tỷ lệ này lên đến 30%). Thu ngân sách nhà nước từ thu nội địa chỉ chiếm trên 50%, còn lại là thu từ dầu thô và thuế xuất, nhập khẩu. Mô hình này chỉ có thể phù hợp trong điều kiện bình thường, nhưng lại khiến nền kinh tế và nền tài chính, tài khóa trong nước bị tổn thương khi kinh tế thế giới có sự biến động và lâm vào tình trạng bất ổn. Cần cơ cấu lại các ngành kinh tế, cơ cấu sản phẩm, cơ cấu lại đầu tư và trên cơ sở đó cơ cấu lại các khoản thu ngân sách nhà nước, tạo sự chủ động hơn cho quản lý và điều hành nền tài chính quốc gia. Trong thời gian tới cần điều chỉnh mô hình phát triển kinh tế - tài chính theo hướng phát huy tối đa nội lực, sử dụng có hiệu quả ngoại lực, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, của sản phẩm, tăng tiềm lực tài chính. Cần xây dựng chính sách phát huy nội lực, hỗ trợ cho sản xuất nhắm tới thị trường nội địa và xa hơn là nâng cao sức mua của người dân trong nước. Cần huy động nhiều nguồn lực trong nước cho đầu tư phát triển. Sử dụng linh hoạt và có hiệu quả mọi nguồn vốn trong và ngoài ngân sách, kể cả vốn tạm thời nhàn rỗi ở kho bạc nhà nước, các quỹ tập trung, quỹ chuyên dùng... cho đầu tư phát triển.
Tăng trưởng kinh tế của VN trong nhiều năm qua chủ yếu tăng trưởng theo chiều rộng. Sự gia tăng của yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp còn quá nhỏ. Theo tính toán nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đọan 1998 - 2002 là 6,2% thì yêu tố năng suất tổng hợp chỉ đóng góp 1,4%; giai đọan 2003 - 2008 có tăng hơn cũng chỉ đạt 2,07% trong mức tăng trưởng kinh tế bình quân 7,89%/năm. Điều đó chứng tỏ chất lượng tăng trưởng chưa cao, chưa tăng trưởng theo chiều sâu. Sự gia tăng của chất lượng lao động, chất lượng máy móc, công nghệ, vai trò quản lý và tổ chức sản xuất chưa tương xứng trong mức tăng trưởng kinh tế (GDP). Trình độ công nghệ ở VN thấp tương đối so với các nước trong khu vực. Yếu tố đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế là vốn và lao động. Vốn đầu tư toàn xã hội đã lên đến hơn 40% GDP, có năm đã là 44%. Đó là tỷ lệ khá cao và khó mà cao hơn nữa. Rõ ràng, nguồn vốn dành cho đầu tư ngày càng lớn. Nhưng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư có chiều hướng giảm thấp vào những năm gần đây. Hệ số ICOR (đầu tư tăng trưởng) năm 2005 là 4,6; năm 2006 là 5,01, 2007 là 5,20, năm 2008 là 6,66. Có nhà kinh tế đã tính toán Hệ số ICOR tính theo vốn đầu tư thực hiện toàn nền kinh tế là 5,2, thì riêng kinh tế Nhà nước là 7,8, trong khi kinh tế ngoài nhà nước là 3,2. Yêu cầu nâng cao hiệu quả sử dụng vốn rất cấp bách. Để đạt được mục tiêu đó cần phải tái cơ cấu vốn đầu tư, tái cơ cấu đầu tư ngay từ bây giờ và chuẩn bị cho VN ngay sau khi ra khỏi suy thoái. Cũng cần phải nói thêm là khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế nước ta còn quá thấp, các nút thắt tăng trưởng như cơ sở hạ tầng giao thông, điện, chất lượng nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng được sự phát triển của nền kinh tế, trong đó có FDI. Số vốn FDI giải ngân còn quá nhỏ so với tổng số FDI đăng ký. Cần xây dựng và duy trì mô hình phát triển đặt trọng tâm vào tăng lao động có chất lượng, được đào tạo, tăng năng suất lao động hơn là tăng đầu tư, vì mức tăng đầu tư đã tới hạn.
Trong suy thoái kinh tế, các yếu kém của tài chính nhà nước đã bộc lộ khá rõ, đặc biệt là yếu kém về quản lý và tính minh bạch. Sự lãng phí và thất thoát ngân quỹ nhà nước diễn ra ngày càng phức tạp. Chất lượng và hiệu quả sử dụng ngân quỹ nhà nước có xu hướng giảm. Cần cơ cấu lại toàn bộ nền tài chính quốc gia. Tăng tiềm lực tài chính tài chính cho các DN thông qua việc đẩy nhanh tiến trình CPH DNNN. Nâng cao chất lượng quản trị DN. Có chính sách tăng cường tiềm lực tài chính dân cư. Đẩy mạnh cải cách toàn bộ khu vực tài chính nhà nước theo hướng nâng cao chất lượng chính sách tài khóa, minh bạch, công khai mọi nguồn ngân quỹ và hoạt động tài chính nhà nước. Tăng cường vai trò chỉ đạo của Nhà nước trong việc quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực của đất nước.
Nguồn thu của ngân sách nhà nước năm 2009 và có thể cả những năm tiếp theo có nguy cơ giảm do tác động của cả ba nhóm yếu tố:
Do suy giảm kinh tế: Nếu duy trì mức tăng trưởng GDP 5% thì thu NSNN giảm hơn chục nghìn tỷ VND so với dự toán đã được Quốc hội quyết định, trong đó thu từ hoạt động XNK giảm khá lớn.
Giá dầu thô giảm làm giảm đáng kể thu NSNN
Thực hiện các giải pháp miễn, giảm giãn thuế cho DN, tổ chức, cá nhân.
Thu ngân sách giảm, nhưng chi ngân sách vẫn duy trì ở mức đã được duyệt, thậm chí có không ít nhu cầu, nhiệm vụ chi mới, trong khi nguồn dự trữ quá mỏng buộc chúng ta phải tăng mức bội chi ngân sách và nguồn bù đắp bội chi là các khoản vay trong nước và ngoài nước, trong đó chủ yếu vay trong nước. Vấn đề đặt ra là từng bước cơ cấu lại các khoản chi, đảm bảo chi ngân sách nhà nước tập trung cho những mục tiêu và nhiệm vụ chính trị, cho phát triển và duy trì hạ tầng kinh tế, cắt giảm mạnh những khoản chi chưa thật cần thiết. Xã hội hóa nhiều hoạt động kinh tế và xã hội, thay đổi căn bản cơ cấu chi ngân sách nhà nước.
Tái cơ cấu thế nào ?
Tất cả những vấn đề trên đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc tái cơ cấu tài chính quốc gia.
Thứ nhất, cơ cấu lại toàn bộ nền tài chính quốc gia, trong đó tập trung cơ cấu lại các thành phần cấu thành của nền tài chính. Tăng tiềm lực tài chính quốc gia, trong đó tập trung tăng tiềm lực tài chính DN và tài chính dân cư. Giảm dần tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách nhà nước, duy trì một tỷ lệ động viên hợp lý, dưới 20%, dần tiến tới khoảng 15-16%. Huy động mọi nguồn lực và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn ngân quỹ của nhà nước cho đầu tư phát triển. Tiếp tục hoàn thiện luật pháp và tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong quản lý và sử dụng tài chính nhà nước, ngân quỹ quốc gia. Sớm ban hành Luật tài chính nhà nước để điều chỉnh các hoạt động tài chính nhà nước, quản lý và sử dụng ngân quỹ quốc gia.
Hai là, tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế bao gồm cơ cấu lại ngành nghề, vùng lãnh thổ, sản phẩm, nguồn nhân lực và các loại thị trường... tạo cơ sở cơ cấu lại căn bản nền tài chính quốc gia.
Ba là, cơ cấu lại ngân sách nhà nước. Về thu ngân sách nhà nước cần tăng tỷ trọng thu từ nội bộ nền kinh tế, tăng tỷ trọng thuế trực thu, giảm tỷ trọng thuế gián thu tạo sự ổn định, bền vững thu NSNN. Giảm tỷ lệ huy động vào NSNN thông qua chính sách phân phối thu nhập và cải cách thuế, phí, lệ phí...
Về chi ngân sách nhà nước, tăng chi và tập trung chi đầu tư hạ tầng cơ sở, chi phúc lợi, an sinh xã hội; giảm bớt chi hành chính. Thu hẹp phạm vi trang trải của ngân sách, mở rộng phạm vi xã hội hóa, phối hợp công và tư (mô hình PPP) trong hoạt động dịch vụ công.
Bốn là, cơ cấu lại đầu tư và vốn đầu tư phát triển. Trước hết cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư, phát huy tối đa nguồn lực trong nước, tận dụng mọi nguồn ngân quỹ . Tranh thủ và sử dụng có chọn lọc các nguồn đầu tư từ bên ngoài. Không tiếp nhận các nguồn vốn bằng mọi giá. Tăng khả năng hấp thụ vốn.
Về đầu tư cần tập trung có trọng điểm, chấm dứt đầu tư dàn trải, dở dang kéo dài, chậm đưa vào sử dụng, khai thác. Cần tính toán kỹ khả năng khai thác và hoàn trả vốn khi quyết định đầu tư. Tập trung tháo gỡ các nút thắt tăng trưởng kinh tế, như cơ sở hạ tầng giao thông, điện, chất lượng nguồn lực, cơ chế, thủ tục hành chính... Tăng hiệu quả và chất lượng đầu tư.
Năm là, tăng tiềm lực tài chính DN và tài chính dân cư. Tiếp tục đẩy mạnh CPH DNNN. Xem xét và đơn giản hóa thủ tục phá sản DN theo Luật phá sản. Mạnh dạn làm thủ tục phá sản cho những DN có dấu hiệu mất khả năng thanh toán. Nâng cao chất lượng quản trị DN, đặc biệt là các DN sau CPH. Tổ chức lại và hoàn thiện mô hình tổ chức và mô hình quản lý các tập đoàn kinh tế.
Đối với tài chính dân cư cần có chính sách cụ thể, ổn định khuyến khích nhân dân đầu tư, khuyến khích làm giàu. Tiếp tục đẩy mạnh chương trình xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm mới và các chương trình đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Sáu là, tái cơ cấu các khoản nợ chính phủ, nợ quốc gia. Duy trì và lành mạnh hóa tài chính nhà nước. Duy trì tỷ lệ nợ ở mức an toàn hợp lý. Đảm bảo khả năng trả nợ cả trước mắt và lâu dài. Sử dụng linh hoạt, có hiệu quả các khoản ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi của nhà nước. Tính toán kỹ mức vay, thời điểm vay và chỉ vay khi thực sự cần thiết và khi đã xác định được chắc chắn địa chỉ, mục tiêu đầu tư, đủ điều kiện giải ngân. Chủ động bố trí nguồn vốn để trả nợ, thanh toán nợ đúng hạn và duy trì hợp lý quỹ tích lũy trả nợ...
PGS TS Đặng Văn Thanh - Chuyên gia kinh tế cao cấp
Diễn đàn Doanh nghiệp
|