Thứ Ba, 08/09/2009 07:09

Sao dân Iraq bất bình vì hợp đồng dầu với Trung Quốc?

Hợp đồng đầu tiên về khai thác dầu mỏ thời hậu Saddam Hussein mà Trung Quốc ký với Iraq năm 2008 được xem như một phép thử đối với mong muốn của quốc gia Vùng Vịnh trong chủ trương mở cửa một ngành mà trước đó bị cấm đầu tư nước ngoài.

Một năm sau, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã bắt tay vào khai thác mỏ Ahdab ở tỉnh Wasit, đông nam Baghdad. Và mặc dầu mối quan hệ giữa CNPC và chính quyền ở Baghdad rất suôn sẻ, sự hiện diện của một công ty nước ngoài ở một vùng đất hẻo lánh và nghèo nàn của Iraq đã làm dấy lên một làn sóng bất bình trong dân chúng địa phương.

"Chúng tôi chẳng nhận được thứ gì trực tiếp từ công ty Trung Quốc, và chúng tôi đang phải chịu thiệt hại", Mahmoud Abdul Ridha, lãnh đạo Hội đồng tỉnh Wasit, than phiền.

Ngân sách của tỉnh Wasit đã bị Baghdad thu hẹp một nửa trong năm qua do giá dầu trên thị trường quốc tế tụt giảm. "Hiện nay đang có một cuộc khủng hoảng về việc làm. Chúng tôi cũng cần mở mang đường sá, xây dựng trường học và các nhà máy xử lý nước. Chúng tôi cần rất nhiều thứ".

Kết quả là một phong trào đòi quyền lợi của người dân địa phương đã nổ ra - đặc biệt là ở một đất nước mà bất đồng chính trị thường có nguy cơ phải đối diện với cái chết. Phong trào này đòi dành ra ít nhất 1 USD từ mỗi thùng dầu khai thác được tại mỏ Ahdab cho việc cải thiện các nguồn tiếp cận nước sạch, các dịch vụ y tế, trường học, đường sá và nhiều nhu cầu khác của Wasit.

Làn sóng bất bình thậm chí còn vượt ra ngoài tỉnh Wasit. Nỗi thất vọng trào dâng biến thành sự phá hoại và hăm dọa nhằm vào các công nhân dầu lửa Trung Quốc, biến mỏ dầu Ahdab thành một lời cảnh báo đối với những công ty dầu lửa quốc tế đang tìm cách tham gia dòng chảy ồ ạt tìm kiếm lợi nhuận từ những mỏ dầu dồi dào của Iraq.

Một trật tự xã hội mới

Do Iraq phụ thuộc rất nhiều vào nguồn thu từ dầu lửa, bất cứ một sự do dự ngập ngừng nào của các công ty dầu lửa về đầu tư đều có nghĩa là nước này sẽ tiếp tục phải chịu đựng tình trạng bất ổn về kinh tế và chính trị. Tất cả các nguồn thu từ dầu lửa trực tiếp về tay chính phủ ở Baghdad và là nền tảng của ngân sách quốc gia.

Đến nay, chính phủ Iraq vẫn từ chối các yêu sách của địa phương. Tuy nhiên, dân chúng ở Wasit vẫn cảm thấy có thể tạo ra điều gì đó mới mẻ.

"Chẳng ai dám đòi hỏi một điều tương tự dưới thời Saddam Hussein", Ghassan Ali, một nông dân 43 tuổi sống ở gần mỏ dầu, bày tỏ. "Nhưng giờ đây chúng tôi là một đất nước dân chủ, vì vậy chúng tôi có quyền đòi hỏi quyền lợi của mình như bất cứ một địa phương nào khác ở Iraq".

Cốt lõi của làn sóng bất bình ở Wasit, ngoài việc thuê vài trăm cư dân làm nhân công và bảo vệ với mức lương chưa đầy 600 USD/tháng, mỏ dầu Ahdab - một dự án khai thác khoảng 3 tỷ USD - chẳng cung cấp cho địa phương một lợi ích nào khác.

Một số nông dân sống ở xung quanh mỏ dầu lập tức có phản ứng. Họ phá hoại các máy phát điện của công ty và cắt đứt các đường dây điện trong nỗi tức giận rằng các mỏ dầu của đất nước mình rơi vào tay công ty Trung Quốc một cách bất công. Nhiều người khác than phiền rằng họ nhận được rất ít việc làm.

Về phía mình, CNPC giải thích rằng họ cần tương đối ít lao động vì vẫn đang trong giai đoạn thăm dò của dự án kéo dài 23 năm tại mỏ Ahdab. Giai đoạn khai thác, theo dự định, chưa thể bắt đầu trong vòng 2 năm rưỡi nữa.

CNPC cho biết, hiện nay các lao động Trung Quốc làm việc tại mỏ Ahdab (khoảng 100 người) không mấy khi ra khỏi khu vực của mình vì lo sợ sẽ bị bắt cóc, ngay cả khi Chính phủ Iraq đã triển khai thêm lực lượng an ninh tới bảo vệ nơi này.

Thế nhưng, làn sóng bất bình của người Iraq giờ đây lại biến thành một phong trào công khai bày tỏ những lo ngại về quyền của người lao động, quyền lực của chính quyền địa phương, tình trạng ô nhiễm, các quy định tuyển dụng...

Ghassan Atiyyah, Giám đốc điều hành tổ chức có tên Quỹ Phát triển và Dân chủ Iraq, cho biết, phong trào mới ở tỉnh Wasit là một phần của một sự thay đổi sâu rộng hơn trong xã hội Iraq.

"Có một sự biến đổi xã hội đang diễn ra ở Iraq mà phải mất nhiều năm nữa mới có thể định hình. Mặc dầu vậy, những gì chúng tôi đang chứng kiến là một trật tự xã hội mới đang nổi lên, khi người dân nghèo nông thôn thách thức cư dân thành thị, những người hay coi thường họ".

Nhân công nội sẽ tiếp tục thất nghiệp

Chính phủ Iraq và CNPC lại giảm nhẹ những căng thẳng ở Wasit, khẳng định rằng nhìn chung mọi thứ vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch.

Tuy nhiên, bất ổn lại diễn ra vào một thời điểm nhạy cảm quan trọng đối với ngành dầu lửa Iraq, ngành đang phải chật vật để đạt được các mức sản lượng của những năm tháng trước cuộc chiến và hiện đang chuẩn bị bán đấu giá 10 mỏ dầu cho các công ty quốc tế vào mùa thu này.

Ahdab có trữ lượng khoảng 1 tỷ thùng, ít nhất trong số các mỏ dầu của Iraq. Mỏ Rumaila ở miền nam - mà CNPC và Tập đoàn Dầu lửa Anh (British Petroleum) đã ký một hợp đồng khai thác hồi tháng 6 vừa qua - là mỏ lớn nhất với trữ lượng khoảng 17,8 tỷ thùng.

CNPC cho hay, tập đoàn này đã thương lượng lại một hợp đồng thời Saddam Hussein tại Ahdab hồi tháng 8 năm ngoái, biết rằng họ sẽ chỉ có lãi vỏn vẹn 1%.

"Chúng tôi muốn đặt chân vào phía trong cánh cửa", trích lời Han Ruimin, Phó Chủ tịch Công ty Al Waha Petroleum - liên doanh tại Ahdab giữa công ty Trung Quốc và Zhenhua Oil (cũng của Trung Quốc). "Chiến lược của chúng tôi đã có tác dụng, bởi vì chúng tôi vừa nhận được một hợp đồng khác", ông này nói, ngụ ý mỏ dầu Rumaila.

Xung quanh mỏ Ahdab là những người nông dân sống trong những ngôi nhà ổ chuột không có điện mà cũng chẳng có nước. Họ hy vọng sự xuất hiện của công ty Trung Quốc sẽ giúp họ thoát cảnh bần hàn. Trong thực tế, CNPC chỉ thuê khoảng 450 nhân công mà nhiều người trong số này lại không phải là người Wasit, theo người dân và các quan chức địa phương.

"Vấn đề là người dân trông chờ hàng nghìn việc làm ngay lúc này, nhưng rốt cục họ nhận ra rằng công ty dùng máy móc nhiều hơn là nhân công", Ali Hussein, một quan chức địa phương nói.

Ông Hussein cho hay, những gì người dân phải chịu đựng đã khiến ông phải bàn bạc vấn đề một cách thẳng thừng với công ty Trung Quốc. Thế nhưng, vấn đề vẫn chưa được giải quyết.

Hồi đầu năm nay, nông dân trong khu vực than phiền rằng, các trang thiết bị điện tử và thăm dò địa chất của công ty đang gây hư hại cho mùa màng và những ngôi nhà xung quanh mỏ vốn đã xiêu vẹo của họ. Tình trạng cắt đứt hoặc đánh cắp các đường dây điện - với nhiều trong số này chạy qua cánh đồng - và các máy phát điện thường xuyên diễn ra, chưa kể một vụ tấn công rocket vào mùa xuân năm nay mà nhiều người cho rằng nhắm tới mỏ Ahdab.

Sự hiện diện của công ty Trung Quốc với các nguồn lực lớn để thăm dò và khai thác dầu mỏ tại một vùng nghèo nàn của Iraq đã làm dấy lên một làn sóng bất bình trong dân chúng địa phương.

Sẽ có thêm nhiều vấn đề nữa nảy sinh vào mùa xuân năm tới, khi 1.000 công nhân Trung Quốc tới đây để xây dựng nhà máy lọc dầu trung tâm.

Han Ruimin cho biết, ông tin rằng sẽ không có chuyện thuê người Iraq. "Chúng tôi chẳng có đủ thời gian mà đào tạo người dân địa phương làm công việc đó".

Thanh Hảo (Theo NY Times)

VIETNAMNET

Các tin tức khác

>   Chứng khoán toàn cầu tăng điểm sau quyết định của G20 (08/09/2009)

>   Giá dầu thế giới biến động quanh mức 68 USD (08/09/2009)

>   27 nước nhất trí siết chặt hoạt động ngân hàng (08/09/2009)

>   Trung Quốc sẽ giảm hỗ trợ tài chính từ năm 2010 (08/09/2009)

>   Kinh tế thế giới có thể sẽ phục hồi vào năm tới (08/09/2009)

>   Tín dụng tiêu dùng sẽ là cuộc khủng hoảng tiếp theo? (08/09/2009)

>   52.000 thẻ tín dụng ở Nhật bị đánh cắp dữ liệu (07/09/2009)

>   Tỷ phú Hong Kong mua chi nhánh AIG (07/09/2009)

>   Ấn Độ qua mặt Trung Quốc về xuất khẩu xe hơi (07/09/2009)

>   Sân bay Roissy-Charles de Gaulle: Vô địch về bán hàng miễn thuế (07/09/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật