Ngân hàng vào đợt báo lãi
Đến thời điểm này, nhiều ngân hàng thương mại bắt đầu công bố kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm. Kết quả ban đầu cho thấy tiếp tục khả quan.
Công bố sớm nhất có lẽ là Ngân hàng TMCP Hàng Hải (Maritime Bank). Thông tin được đưa ra ngày 1/9 cho biết, tính đến ngày 31/8, lợi nhuận trước thuế của Maritime Bank đạt tương đương 244% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt khoảng 10% so với kế hoạch đề năm 2009. Được biết, đại hội cổ đông thường niên Maritime Bank lần thứ 17 diễn ra hồi tháng 4 đã thông qua mục tiêu lợi nhuận cả năm của ngân hàng này là 600 tỷ đồng.
Ngày 4/9, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) đãcông bố đạt gần 35 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong tháng 8, mức lợi nhuận này thấp hơn mức lợi nhuận của tháng liền trước hơn 3 tỷ đồng; tổng tài sản đạt 19.506 tỷ đồng. Như vậy, trong 8 tháng đầu năm, tổng lợi nhuận trước thuế của ABBANK đạt 245,9 tỷ đồng tỷ đồng.
Vẫn trong tháng 8, dư nợ cho vay của ABBANK tăng 9% so với tháng trước, đạt 9.983 tỷ đồng; nguồn vốn huy động từ các tổ chức kinh tế và dân cư đạt 12.308 tỷ đồng.
Cũng trong ngày 4/9, Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà TP.Hồ Chí Minh (HDBank) công bố đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm trong 8 tháng. Cụ thể, tính đến ngày 31/8/2009, HDBank đạt tổng lợi nhuận hơn 172 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch của cả năm. Số lợi nhuận trên là sau khi đã trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro.
Hầu hết các chỉ tiêu hoạt động khác tại HDBank đều đạt hoặc dự kiến sẽ vượt kế hoạch so với các chỉ tiêu hoạt động do đại hội đồng cổ đông thông qua: Tổng tài sản là 13.346 tỷ đồng, đạt 98,8% kế hoạch năm, vượt gần 40% tổng tài sản đầu năm; huy động vốn: 11.445 tỷ đồng,vượt 47,3% vốn huy động đầu năm, trong đó nguồn huy động từ dân cư vượt 41,2% so đầu năm; dư nợ cho vay:6.977 tỷ đồng, đạt 91% kế hoạch 2009; nợ xấu được khống chế ở mức dưới 1,6%.
Một điều dễ nhận thấy từ các kết quả trên là, trong bối cảnh nền kinh tế như thời gian qua, nhiều ngân hàng xác định phát triển tín dụng không hoàn toàn với mục đích kiếm lợi nhuận từ chênh lệch lãi đầu vào-đầu ra, mà chủ yếu để gia tăng nguồn thu từ các dịch vụ khác. Chẳng hạn, khi tín dụng xuất khẩu phát triển sẽ kéo theo dịch vụ thanh toán, chuyển tiền... Vì thế, nguồn lãi mà các ngân hàng thu về từ hoạt động phi tín dụng là khá lớn. Cụ thể, trong tổng lợi nhuận của HDBank, nguồn thu từ các hoạt động phi tín dụng chiếm tới 53%, nguồn thu từ tín dụng chiếm 47%. Còn tại Maritime Bank, nguồn thu từ hoạt động tín dụng chỉ chiếm khoảng 15%.
Như vậy, kết quả kinh của ngân hàng thương mại ban đầu cho thấy tiếp tục khả quan. Tuy nhiên, theo Maritime Bank, lợi nhuận của các ngân hàng đến hết năm 2009 sẽ giảm tốc. Nguyên nhân bắt nguồn từ chính sách siết dần tín dụng của Ngân hàng Nhà nước. Tín dụng giảm tốc, tốc độ lợi nhuận chịu ảnh hưởng. Bên cạnh đó, sự linh hoạt trong tín dụng cũng bắt đầu bị hạn chế do chính sách giảm tỷ lệ sử dụng tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn…
Vẫn theo Maritime Bank, liên quan đến nguồn thu này còn có một hạn chế nổi bật là, trong hơn một tháng trở lại đây, lãi suất cơ bản vẫn giữ nguyên (7%/năm), trần lãi suất cho vay không thay đổi, trong khi lãi suất huy động ở hầu hết các kỳ hạn đã tăng cao. Tỷ lệ lãi biên co hẹp bởi lãi suất huy động phổ biến đã trên 8%/năm trong khi lãi suất cho vay tối đa vẫn là 10,5%/năm, trừ lãi suất cho vay theo thỏa thuận với các nhu cầu vốn phục vụ đời sống, cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng phổ biến từ 12% đến 16,5%/năm.
Hương Thủy
Đầu tư chứng khoán
|