Chủ tịch ECB: Kinh tế thế giới đang đi vào ổn định
(Vietstock) – Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Jean-Claude Trichet cho biết nền kinh tế toàn cầu đang bộc lộ một số dấu hiệu hồi phục kể từ bóng đêm suy thoái tồi tệ nhất trong 60 năm qua.
Chủ trì cuộc họp báo ở Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) ở Basel, Thụy Sĩ, chủ tịch Trichet cho biết, các số liệu kinh tế mới nhất đều khả quan hơn so với dự đoán và sự ổn định “dường như được khẳng định ở cấp độ toàn cầu”. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng rằng chúng ta sẽ còn phải đối mặt với nhiều chông gai phía trước và sự thận trọng vẫn là yếu tố cốt lõi để giải quyết vấn đề trên”.
Được biết, các ngân hàng trung ương đã cắt giảm chi phí vay mượn xuống mức thấp kỷ lục và bơm hàng tỷ USD vào hệ thống tài chính sau khi cuộc khủng hoảng nhà ở tại Mỹ đã châm ngòi cho sự sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers Holdings một năm trước. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm tồi tệ nhất của nền kinh tế toàn cầu kể từ Đại khủng hoảng. Chính phủ cũng đang nỗ lực để khởi động lại đà tăng trưởng thông qua các gói kích thích.
Ngày 03/09 vừa qua, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhận định, nền kinh tế của nhóm G7 sẽ giảm 3.7% trong năm nay, thấp hơn mức dự báo sụt giảm 4.1% hồi Tháng 6. Bên cạnh đó, các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Đức và Pháp sẽ tăng trưởng trong quý 3 này, ngược lại kinh tế Canada và Anh sẽ tiếp tục đi xuống.
Tình trạng rơi tự do đã chấm dứt
Trichet nhận định: "Việc các dự báo được điều chỉnh theo hướng lạc quan hơn khẳng định rằng hầu hết các nền kinh tế có thể không còn rơi tự do nữa. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải cảnh giác và thận trọng."
Trong khi các nhà hoạch định chính sách nhấn mạnh sự cần thiết phải thu hồi các biện pháp khẩn cấp ngay sau khi nền kinh tế được cải thiện nhằm ngăn chặn lạm phát thì Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Anh, Ngân hàng Nhật Bản và ECB vẫn đang thực hiện chương trình mua tài sản nhằm khuyến khích hoạt động cho vay. Vào ngày 03/09 vừa qua, ECB giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 1% sau khi cho các ngân hàng này vay số vốn theo nhu cầu trong thời hạn 12 tháng đồng thời bắt đầu mua vào trái phiếu bảo đảm.
Đề cập đến các biện pháp thực thi của các ngân hàng trung ương, Trichet cho rằng " có sự đồng thuận cao về mục tiêu" giữa các ngân hàng này nhằm bình ổn giá cả. Tuy nhiên, sự thống nhất về mục đích không có nghĩa là chúng ta đều thực thi các biện pháp giống nhau trong các tình huống khác nhau.”
Các bài học kinh nghiệm
Hiện các ngân hàng trung ương và Chính phủ các nước trên khắp thế giới đang tìm kiếm một số luật lệ cứng rắn hơn sau khi các thể chế tài chính thực thi những chính sách đầy rủi ro như hiện nay, dẫn đến sự thua lỗ và sụt giảm giá trị lên đến 1.61 nghìn tỷ USD cũng như khoản tài trợ từ thuế.
Ủy ban Giám sát Ngân hàng Basel ngày hôm qua đã chấp thuận cho các tổ chức tín dụng nâng cao chất lượng vốn thông qua việc tăng cường hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán. Các công ty tài chính sẽ phải đưa ra một tỷ suất đòn bẩy cũng như các biện pháp khác nhau nhằm tăng nguồn dự trữ khi nền kinh tế phát triển mạnh mẽ.
Cũng theo Trichet, các ngân hàng trung ương và Chính phủ các nước phải rút ra tất cả các bài học từ quá khứ để đảm bảo rằng tình trạng bong bóng và các chính sách đầy rủi ro không còn tái diễn.
Được biết, Hội nghị kinh tế toàn cầu được tổ chức 2 tháng 1 lần dưới sự bảo trợ của BIS và các ngân hàng trung ương trên thế giới.
Bội Mẫn (Theo Bloomberg)
|