"Cân đong" cổ phiếu trong danh mục ICV thoái vốn
“Danh mục cổ phiếu niêm yết của Indochina Capital Vietnam (ICV) đều thuộc các cổ phiếu hàng đầu nên nhà đầu tư không nên quá lo ngại”. Đó là một trong những đánh giá mới nhất của SSI sau khi thông tin ICV tuyên bố thoái vốn để đóng quỹ được phát đi.
Chiến lược thoái vốn của ICV
Quỹ Indochina Capital Việt Nam vừa thông báo sẽ thoái vốn, với tổng danh mục gần 243 triệu USD (tính đến ngày 31/7), trong đó gần 100 triệu USD là danh mục niêm yết.
Báo cáo của SSI cho hay, ICV không vội vàng thoái vốn, chiến lược của họ sẽ là tối đa hóa lợi nhuận và không có áp lực phải bán nhanh chóng.
Công ty sẽ thưởng cho ban quản lý đầu tư 10% nếu mức giá bán được cao hơn so với mức giá chốt tại ngày 1/9/2009. Phí quản lý (phí được trả, không phụ thuộc vào việc bán được ở giá nào), sẽ là 0,75% cho năm 2009, và giảm xuống 0,5% trong năm 2010, và 0,25% trong các năm tiếp theo.
Như vậy, nếu như không có các thay đổi quá xấu về kinh tế Việt Nam và kinh tế thế giới, trong trường hợp thị trường chứng khoán phản ứng quá mạnh và giảm sâu, ICV sẵn sàng đợi cho đến khi thị trường quay trở lại. Và ICV sẽ “chỉ bán trong một thị trường tăng điểm, không bán khi thị trường giảm điểm”, ông Beat Schuerch, Giám đốc bộ phận đầu tư chứng khoán của ICV cho biết.
Cổ phiếu nào sẽ bị tác động?
Danh mục các cổ phiếu lớn nhất mà ICV đang nắm giữ có 9 mã thuộc nhóm blue-chip, chiếm 91,56% tổng danh mục niêm yết của ICV.
So số lượng cổ phiếu của danh mục này, với lượng giao dịch trung bình của các mã trong 6 tháng gần đây, có thể thấy rằng tỷ lệ này cũng khá thấp, ngoại trừ đối với Tập đoàn Bảo Việt (BVH) và Công ty Cao su Phước Hòa (PHR).
Hầu như với các cổ phiếu còn lại, số lượng sở hữu của ICV gần như có thể được thị trường hấp thu chỉ trong một thời gian ngắn. Và nếu so với giao dịch trung bình trong 1 tháng gần đây, con số này còn thấp hơn nhiều.
Nhận định này được SSI đưa ra dựa trên những phân tích cụ thể về các cổ phiếu:
Một là, Tập đoàn Bảo Việt (BVH-HOSE), với mức giá hiện tại 39.000/cổ phiếu, BVH đang được định giá cao hơn nhiều so với các công ty trong ngành bảo hiểm (P/E của BVH khoảng 26x trong khi P/E của BMI, PVI và VNR trong khoảng 14-16x).
Do số lượng cổ phiếu giao dịch hàng ngày không cao, giá BVH sẽ dễ bị ảnh hưởng nhiều khi ICV bán ra. SSI cho rằng mức giá điều chỉnh giảm sẽ làm cho định giá của BVH ở mức hợp lý hơn và sẽ thu hút được nhiều quan tâm của nhà đầu tư hơn so với hiện tại.
Hai là, Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE-HOSE) có yếu tố cơ bản và dòng tiền tốt. Mức giá giao dịch hiện tại 46.100 đồng khá gần với giá trị nội tại của cổ phiếu. Nếu như sự kiện này làm giá của REE điều chỉnh giảm, thì đó sẽ là cơ hội tốt để mua vào.
Ba là, Công ty Cổ phần FPT (FPT-HOSE), với số cổ phiếu mà ICV hiện đang nắm giữ chỉ tương đương với gần 5 ngày giao dịch của FPT thì ảnh hưởng của việc bán của ICV là không lớn.
Tuy nhiên, kể từ cuối tháng 8, đã có 2 thành viên Hội đồng Quản trị bắt đầu đăng ký bán, trong đó có Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT Telecom Trương Đình Anh đăng ký bán 1,38 triệu cổ phiếu trong số hơn 2 triệu cổ phiếu đang nắm giữ để góp vốn lập công ty gia đình. Sự kiện này sẽ có khả năng ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn tới cổ phiếu FPT.
Bốn là, Công ty Cổ phần Đại lý Liên hiệp vận chuyển (GMD-HOSE), với khối lượng 1,9 triệu cổ phiếu không phải là lớn, và nếu có ảnh hưởng tâm lý và giá cổ phiếu GMD giảm mạnh, sẽ là cơ hội tốt để mua vào.
Đến cuối năm 2009, nếu GMD vẫn ở mức giá hiện tại thì hệ số giá trên giá trị sổ sách (P/B) sau điều chỉnh vẫn chỉ khoảng 1,4x - thấp hơn so với mức trung bình ngành vận hành cảng tại Việt Nam.
Đến cuối năm, GMD sẽ có 2 sự kiện có thể ảnh hưởng đến giá và giá trị sổ sách: (1) Việc phát hành thêm và bán cho cổ đông chiến lược, tăng vốn điều lệ lên thành 720 tỷ đồng; (2) lợi nhuận từ việc định giá lại tài sản trước khi đem góp vốn với CGM-CMA để hình thành liên doanh Công ty Cổ phần Cảng quốc tế Gemadept Cái Mép-CGM CMA là một khoản lớn (trên 400 tỷ đồng), và dự kiến sẽ được đưa vào lợi nhuận của năm nay.
Năm là, Tổng công ty Cổ phần Phân bón và Hóa chất dầu khí (DPM-HOSE): số lượng cổ phiếu DPM mà ICV hiện nắm giữ tương ứng với khoảng 3 ngày giao dịch bình quân của cổ phiếu này.
Với chiến lược bán để tối đa hoá giá trị của ICV, SSI cho rằng ảnh hưởng trực tiếp đến DPM sẽ không quá lớn. DPM là một cổ phiếu blue-chip có thanh khoản tốt, với nền tảng các yếu tố cơ bản vững mạnh nên lực cầu sẽ mạnh dần khi giá cổ phiếu rơi xuống vùng hấp dẫn hơn. Quan sát thấy sức mua đối với cổ phiếu này rất lớn ở các vùng giá gần về mức 40.000 đồng.
Sáu là, Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa (PHR-HOSE), tại khối lượng giao dịch bình quân ngày của 6 tháng, ước tính ICV sẽ cần khoảng 17 ngày giao dịch để bán hết lượng cổ phiếu PHR hiện có trong danh mục. Đây là khoảng thời gian tương đối lớn so với các cổ phiếu niêm yết khác trong danh mục cổ phiếu niêm yết của ICV.
Như vậy áp lực tăng nguồn cung cổ phiếu PHR trên thị trường có vẻ sẽ lớn hơn so với những cổ phiếu khác. Với vị thế là công ty cao su tự nhiên lớn nhất hiện đang niêm yết, cộng với hiệu quả sản xuất kinh doanh khá tốt, SSI cho rằng mức giá PHR nếu rơi xuống dưới 40.000 đồng/cổ phiếu là khá hấp dẫn để xem xét đầu tư.
Bảy là, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (VNM-HOSE) - ICV hiện đang nắm giữ lượng cổ phiếu VNM tương đương với khoảng 8 ngày giao dịch bình quân.
Với kế hoạch thanh lý cố phiếu trong vòng 12-18 tháng của ICV với mục tiêu tối đa hóa giá trị của khoản đầu tư, SSI cho rằng mức độ gia tăng lượng cung cũng như áp lực bán giá thấp lên cổ phiếu VNM thực tế nhỏ hơn nhiều so với hiệu ứng về mặt tâm lý của nhà đầu tư.
Ở mức giá hiện tại, P/E của VNM ở mức 15,21x tương đương với mặt bằng chung của VN-Index. Tuy nhiên theo dõi diễn biến giá trong quá khứ thì VNM thường xuyên giao dịch ở mức P/E cao hơn so với thị trường nhờ cơ cấu tài sản lành mạnh, dòng tiền dồi dào và thực tế cũng như tiềm năng tăng trưởng mạnh của hoạt động kinh doanh trong khủng hoảng.
Tám là, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (HOSE), lượng cổ phiếu VCB mà ICV đang nắm giữ là khoảng 6 triệu cổ phiếu, bằng xấp xỉ 5% số lượng cổ phiếu niêm yết và tương đương gần 6 ngày giao dịch bình quân.
Đây là mức tương đối cao nếu ICV bán VCB trong thời gian ngắn. Giá của VCB trong thời gian hơn 1 tháng qua dao động trong một khoảng hẹp 54.000 đồng đến 59.000 đồng mặc dù VNIndex đã tăng 10%.
Từ những phân tích trên, SSI cho rằng danh mục cổ phiếu niêm yết của ICV không nhiều, và khi bán sẽ gần như không ảnh hưởng quá nhiều đến thị trường, nếu có, sẽ chỉ là ảnh hưởng về tâm lý.
"Danh mục cổ phiếu niêm yết của ICV đều thuộc các cổ phiếu hàng đầu và nhà đầu tư không nên quá lo ngại. Thậm chí nếu giá các cổ phiếu này giảm đây sẽ là cơ hội tốt để mua vào", báo cáo của SSI cho hay.
Bảng đánh giá chung về 9 cổ phiếu mà ICV đang nắm giữ tính đến ngày 31/7/2009
Nguồn: SSI |
Duy Cường
TBKTVN
|