Hướng dẫn niêm yết tại nước ngoài: Vẫn vướng
Với việc Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn về chào bán và niêm yết chứng khoán của DN Việt Nam tại nước ngoài, nhiều DN có ý định niêm yết trên sàn ngoại như Vinamilk, PVFC, FPTSoft… đứng trước cơ hội tiến thêm một bước gần hơn với mục tiêu. Tuy nhiên, Dự thảo có một số vướng mắc mà nếu không được quy định chặt chẽ, DN có thể rơi vào tình huống khó xử.
Đại chúng hay không đại chúng?
Theo dự thảo, Thông tư chỉ điều chỉnh việc phát hành và niêm yết chứng khoán ra nước ngoài của các công ty đại chúng (CTĐC) Việt Nam, không bao gồm các DN cổ phần hóa hay không phải CTĐC.
Như vậy, giả thiết DN A chưa là CTĐC (do chỉ có 90 cổ đông, dù vốn lớn), phát hành cổ phiếu tăng vốn cho một số lượng không xác định NĐT ở nước ngoài thì có được coi là chào bán ra công chúng? Sở dĩ đặt ra vấn đề này vì nó liên quan trực tiếp đến việc công bố thông tin, báo cáo UBCK. Thực tế, nếu DN A phát hành ra công chúng tại Việt Nam thì sẽ chịu sự điều chỉnh của Luật Chứng khoán, phải thực hiện báo cáo UBCK và chịu các nghĩa vụ như CTĐC. Nhưng với việc chào bán cho số lượng NĐT không xác định ở nước ngoài, nghĩa vụ báo cáo UBCK cũng như các nghĩa vụ khác khi thực hiện chào bán vẫn chưa được dự thảo Thông tư đề cập đến nếu DN không đại chúng "sẵn". Đây là điểm "thiếu công bằng" giữa hai tình huống phát hành ra công chúng trong nước và ngoài nước, do dự thảo Thông tư chỉ quy định quản lý, áp dụng về điều kiện công bố thông tin trong nước khi chào bán, niêm yết ra nước ngoài chỉ tính cho những DN đáp ứng đủ điều kiện là CTĐC trước khi chào bán (DN có thể phát hành cổ phiếu trực tiếp ra nước ngoài hoặc kết hợp với một tổ chức lưu ký nước ngoài thực hiện bảo trợ phát hành chứng chỉ lưu ký).
Trở lại giả thiết trên, trường hợp thứ nhất, DN A phát hành chứng khoán ra nước ngoài theo hình thức bảo trợ phát hành chứng chỉ lưu ký (với 100 NĐT mua chứng chỉ). Khi đó, tại danh sách cổ đông của DN tại thời điểm chốt, số cổ đông của DN sẽ bằng số cổ đông tại Việt Nam cộng thêm 1 (chính là tổ chức lưu ký nước ngoài), tức có 91 cổ đông trên danh sách, chưa đủ điều kiện là CTĐC, dù số người có quyền sở hữu thực tế tại DN lên tới 190 người.
Trường hợp thứ hai, DN phát hành trực tiếp cổ phiếu ra nước ngoài, cũng cho 100 NĐT. Khi đó, số lượng cổ đông của DN là 190 người, liệu DN có nghiễm nhiên trở thành CTĐC?
Trong cả hai trường hợp, DN chưa biết mình có phải nộp hồ sơ đăng ký CTĐC với UBCK hay không? Đi kèm với đó là nghĩa vụ công bố thông tin CTĐC trong nước được quy định như thế nào? Có thể thấy, khi DN thực hiện chào bán chứng khoán ra nước ngoài thì họ phải tuân thủ quy định tại nước sở tại, nhưng làm sao để tránh mất công bằng cho cổ đông trong nước thì vẫn chưa có quy định cụ thể.
Bỏ phiếu lấy ý kiến kiểu gì?
Theo dự thảo Thông tư, DN niêm yết chứng khoán ở nước ngoài có thể lựa chọn hai hình thức là niêm yết chứng chỉ lưu ký được chính DN bảo lãnh và niêm yết trực tiếp cổ phiếu. Điểm khác biệt giữa hai hình thức này là NĐT ở nước sở tại sẽ trực tiếp có tên trong danh sách cổ đông của DN và DN phải công bố thông tin trực tiếp (theo hình thức 2) hay chính tổ chức lưu ký nước ngoài đứng tên đại diện cho NĐT nước ngoài tại DN và thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin (theo hình thức 1). Nếu DN cần lấy ý kiến cổ đông thì phương án nào là tối ưu trong việc bảo vệ quyền lợi NĐT được bày tỏ ý kiến trong hai trường hợp? Trong trường hợp cổ đông nước ngoài không trực tiếp đứng tên trong danh sách cổ đông thì làm cách nào để họ thể hiện được tiếng nói của mình? Nếu thông qua người đại diện sở hữu là tổ chức lưu ký nước ngoài thì sẽ phải chia phiếu của vị đại diện này thành 3 phần (đồng ý, không đồng ý và ý kiến khác)?
Lỗ/lãi do khác chuẩn mực: Có được phát hành thêm và chia cổ tức?
Dự thảo Thông tư quy định, DN phải lập báo cáo tài chính (BCTC) và công bố BCTC kiểm toán theo cả chuẩn mực của Việt Nam và của nước sở tại; phải có giải thích BCTC được kiểm toán lập theo chuẩn mực kế toán Việt Nam và BCTC được kiểm toán lập theo yêu cầu của cơ quan quản lý TTCK nước sở tại. Đồng thời, DN phải có bản giải trình có xác nhận của công ty kiểm toán được UBCK chấp thuận về các khoản mục có sự chênh lệch trong các BCTC phát sinh từ sự khác biệt giữa các chuẩn mực kế toán. Theo ý kiến của ban soạn thảo, quy định này nhằm bảo vệ NĐT trong nước khỏi những hoang mang, lo lắng khi có sự khác biệt lớn trong các khoản mục giữa hai báo cáo.
Tuy nhiên, quy định này cũng phát sinh vấn đề mà một số DN, nhất là những DN có khoản đầu tư lớn (đầu tư tài chính, đầu tư vào công ty con, công ty liên kết) hoặc các DN trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản... có thể gặp phải, đó là việc một BCTC có lãi và một báo cáo bị lỗ. Trường hợp này không hiếm gặp, nhất là khi quy định về cách ghi nhận doanh thu, chi phí, trích lập dự phòng có sự khác biệt. Khi đó, liệu DN có thể phát hành thêm cổ phiếu ra công chúng hoặc trả cổ tức (quy định hiện tại không cho phép DN thực hiện trong trường hợp này)?
Một thành viên ban soạn thảo Thông tư cho biết, do phạm vi Thông tư chỉ nhằm hướng dẫn việc thực hiện phát hành và niêm yết của CTĐC ra nước ngoài, nên việc có được phát hành ra công chúng hay không khi hai BCTC lập theo hai chuẩn mực cho ra kết quả lợi nhuận trái chiều là do Luật Doanh nghiệp quy định (có nghĩa là Luật Doanh nghiệp nếu chưa quy định thì cần bổ sung). Vị này đưa ra lời khuyên, DN nên lựa chọn nước sở tại có chuẩn mực kế toán tương đồng với chuẩn mực kế toán của Việt Nam để tránh những vấn đề khó xử sau này!
Có thể thấy, dự thảo Thông tư cần có thêm những quy định để việc phát hành, niêm yết ở nước ngoài và sau đó là nghĩa vụ công bố thông tin, thực hiện tiếp phát hành, chia cổ tức... được thuận lợi.
Bùi Sưởng
Đầu tư chứng khoán
|