Cái giá của 'hợp đồng thế kỷ' giữa Congo và Trung Quốc
IMF cảnh báo họ sẽ phá bỏ một thoả thuận quan trọng về viện trợ với Cộng hòa Dân chủ Congo nếu nước này tiếp tục thực hiện một hợp đồng với Trung Quốc. Theo đó, Congo sẽ có tiền đầu tư vào cơ sở hạ tầng còn Trung Quốc sẽ có khoáng sản.
Yu Jian và Jeng, hai kỹ sư trẻ Trung Quốc, đang có một khoảng thời gian không thuận lợi lắm. Suốt ngày phải ròng rã trên con đường phía trên cảng Matadi thuộc tỉnh Kongo Central khiến khuôn mặt họ sạm nắng.
Đôi khi vào buổi sáng sớm, họ còn thấy những chú rắn cuộn mình ở rãnh ven đường. Họ thường phải vượt qua những tảng đá, lội suối trèo đèo và khổ sở hơn là vật lộn với tệ quan liêu ở địa phương. Nhưng chẳng có gì cản trở được nhiệm vụ của họ: đặt một đường cáp quang xuyên CHDC Congo (DRC).
Sếp của họ "Hunter" Xie - một đại diện địa phương của công ty China Intertelecom Constructions, một chi nhánh của Tập đoàn China Telecom - cũng có một quyết tâm tương tự. Ông chỉ được nghỉ có 7 ngày trong khoảng thời gian 3 năm làm việc ở DRC. Ông dự định sẽ sử dụng khoản tiền lương 1.500 USD của mình để trả học phí cho đứa con trai duy nhất khi trở về Trung Quốc.
Đường cáp quang là một phần của hệ thống cáp Tây Phi, bắt nguồn từ Nam Phi. Hệ thống này chạy từ Muanda trên Đại Tây Dương tới thủ đô Kinshasa, nơi đường cáp sẽ chạy dọc một con sông dài trước khi hợp với một đường cáp khác xuất phát từ Ấn Độ Dương: tổng cộng là 5.650km.
Việc lắp đặt cáp quang, có khả năng truyền âm thanh và hình ảnh với tốc độ ánh sáng, là một bước tiến công nghệ lớn đối với DRC - một nước lớn ngang với Tây Âu, có rất ít đường sá nhưng rất nhiều trạm thu phát sóng điện thoại di động. Tuyến cáp này sẽ giảm chi phí các cuộc gọi di động, cho phép giao dịch tài chính qua Internet, truyền phát hình ảnh về ngành y tế và đào tạo từ xa.
Tuy nhiên, người dân địa phương chẳng mấy quan tâm đến lướt net. Điều họ mong muốn là được tiếp cận nguồn nước sạch phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày. Họ cũng muốn làm sao không phải thắp nến khi trời tối (vì tất cả điện sản xuất được từ công trình thủy điện Inga đều được bán cho các quốc gia láng giềng).
Chuyển hướng từ phương Tây sang Trung Quốc
Chính phủ Congo đã đầu tư 85 triệu USD vào dự án cáp quang. Số tiền phải trả ban đầu là 31 triệu USD, lấy từ khoản vay viện trợ phát triển từ chính phủ Trung Quốc. Khoản vay này ràng buộc điều kiện là các công ty viễn thông tư nhân phải trả thuế nối cáp (có thể lên tới 100 triệu USD mỗi năm) cho chính phủ.
Ở Kinshasa, các nhà máy nghiền đá khổng lồ đóng vai trò nòng cốt cho việc xây dựng các tuyến đường mới trên địa bàn thành phố thủ đô này, và hàng trăm máy đào chờ hoạt động. Được ủy quyền bởi lãnh đạo địa phương, người Trung Quốc đã biến con đường lớn, Đại lộ 30-6, thành một xa lộ 4 làn. Các công ty phương Tây đang tranh luận sôi nổi về các hợp đồng mà DRC ký với phía Trung Quốc, tuy nhiên, công việc trên thực tế đã bắt đầu. Mỗi tuần, Tổng thống Joseph Kabila khai trương một khu xây dựng nhà ở mới.
Bộ trưởng Việc làm công cộng Pierre Lumbi đã có chuyến thăm bí mật tới Bắc Kinh năm 2007. Kết quả là một thỏa thuận với Trung Quốc trị giá 9 tỷ USD đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng và phục hồi ngành khai khoáng.
Một liên doanh - Siomines - ra đời: DRC nắm 32% vốn. Hai doanh nghiệp lớn, China Railway Engineering Corporation và Synohydro Corporation, sẽ là đơn vị xây dựng hoặc phục hồi 3.000 km đường bộ và đường ray; 31 bệnh viện 150 giường, 145 trung tâm y tế, 4 trường đại học và hàng chục nghìn ngôi nhà. Những khoản nợ thương mại này cũng dọn đường cho viện trợ phát triển của Trung Quốc với lãi suất rất thấp trong một khoảng thời gian dài.
Nhiều người hy vọng rằng, các dự án trên sẽ giúp phục hồi nền kinh tế èo uột của DRC. Đổi lại, Trung Quốc sẽ được tiếp cận 10 triệu tấn khoáng sản: 6,5 triệu tấn đồng nguyên chất, 200.000 tấn cobalt và 372 tấn vàng.
Đây là một thỏa thuận trao đổi mang lại lợi ích cho cả hai phía, Bộ trưởng Lumbi khẳng định. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không phải trả cho đến khi nào họ kiếm đủ lợi nhuận: các dự án cơ sở hạ tầng sẽ lấy ngân sách từ khai mỏ, với tỷ lệ lại quả được ấn định ở mức 19% (tự phía Trung Quốc đánh giá). Nếu không đạt được tỷ lệ này, người Trung Quốc sẽ đòi hỏi các nhượng bộ khác.
Một số người Congo tin rằng, đổi việc xây dựng cơ sở hạ tầng lấy khoáng sản sẽ khiến cho nạn tham nhũng và biển thủ khó hoành hành hơn.
Tình trạng tăng giá đồng ngay trước cuộc khủng hoảng tài chính khiến cho các tập đoàn khai khoáng hàng đầu thế giới đổ về Katanga. Một lượng tiền khổng lồ được trả và sau đó bị các quan chức biển thủ, khiến cho ngân sách quốc gia chỉ hưởng vỏn vẹn 6%.
Thất vọng trước hiệu quả của các công ty phương Tây, Kinshasa quyết định xem xét lại các hợp đồng khai khoáng của mình, đồng thời để mắt đến Trung Quốc. Có chỗ cho tất cả mọi người, phía Congo tuyên bố.
Một số người cho rằng, quyết định xem xét lại hợp đồng thực chất là một thủ thuật để tạo chỗ trống cho những bên chơi mới. Công ty Mỹ Tenke Fungurame, hãng đã đầu tư 1,7 tỷ USD ở Katanga, bị nhắm tới và Kinshasa đòi công ty này phải nâng mức góp vốn từ 17% lên 45%.
Thế nhưng, những "người bạn" truyền thống của DRC như Bỉ và Pháp - hai nước đang cố gắng chấm dứt nội chiến tại đây và thuyết phục cộng đồng quốc tế ủng hộ bầu cử ở Congo - cảm thấy đắng cay. Họ ngờ rằng các nguồn tài nguyên tự nhiên của Congo sẽ giúp cho sự phát triển của Trung Quốc, cùng với Ấn Độ, Hàn Quốc và Brazil - các nước tham gia thăm dò dầu mỏ. Các khoáng sản ở Congo bao gồm các loại chiến lược như uranium, niobium, coltan và cobalt. Và mới đây, dầu mỏ cũng đã được tìm thấy.
Cái giá sẽ phải trả?
Thật khó mà không tính đến sự liên hệ giữa việc thương lượng lại các hợp đồng và những tranh cãi của Kinshasa với IMF.
Khi Tổng thống Kabila lên nắm quyền vào năm 2002, ông đối mặt với một tình cảnh thảm hại: Kinshasa đã phải ngừng trả lãi suất tiền vay, và còn nợ Câu lạc bộ Paris 10 tỷ USD, gần 90% trong số này là tiền lãi cộng dồn kể từ khi thỏa thuận vay cuối cùng được ký kết năm 1989. Đã có nhiều cuộc viếng thăm của các chuyên gia IMF, và Kinshasa hy vọng vào năm 2006, họ sẽ đạt tới "điểm hoàn tất", khi các chủ nợ có thể xóa cho khoảng 80% nợ.
Nguy cơ rất cao: Nếu như các cuộc đàm phán về nợ thất bại, Congo sẽ phải trả toàn bộ số tiền. Nước này phải dành khoảng 600 triệu USD mỗi năm để thanh toán nợ, ngoài một khoản ngân sách quốc gia hàng năm 5 tỷ USD. Không còn tiền để chăm sóc sức khỏe miễn phí, để trả lương cho giáo viên, công chức, thẩm phán hay binh sĩ đang giữ gìn hòa bình ở phía đông đất nước. Cũng chẳng có tiền để mà tái thiết đất nước.
Các nhà chức trách Congo nghĩ rằng họ đã nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm. Thế nhưng, giờ đây IMF lại đang viện dẫn bản hợp đồng với Trung Quốc và tình trạng quản lý tài chính công yếu kém ở Congo là một trở ngại.
Một ngày sau khi DRC ký kết "hợp đồng thế kỷ" với Bắc Kinh, IMF khẳng định họ phản đối việc hủy nợ cho DRC nếu như nước này đồng ý các khoản vay ở mức độ đó, hoặc đưa tài sản quốc gia ra đảm bảo cho các hợp đồng thương mại ký với các công ty của Trung Quốc. Tổ chức do Dominique Strauss-Kahn đứng đầu xem sự trao đổi này là đáng ngờ.
"Chúng tôi chỉ yêu cầu có một đảm bảo", Đại sứ Trung Quốc tại Kinshasa, Wu Zexian, nói: "Đó là nước này cho phép chúng tôi tìm kiếm các trầm tích khoáng sản nếu như các mỏ hiện nay không thể cho phép chúng tôi thực hiện đầy đủ các cam kết của mình. Ngân hàng China Exim Bank sẽ chấp nhận mỏi rủi ro. Bên cạnh dó, nếu như các mỏ không đủ thì Congo có rất nhiều các tài nguyên thiên nhiên khác để trao đổi, đất chẳng hạn".
Ông Wu cũng nhấn mạnh, đảm bảo quốc gia sẽ chỉ được viện đến như một phương sách cuối cùng. "IMF đang hành động mà không hề có niềm tin. Các quan chức của tổ chức này thậm chí đã tới Bắc Kinh để can ngăn chúng tôi ký thỏa thuận. Thật là mỉa mai khi chính Trung Quốc lại đang được yêu cầu tái cấp vốn cho IMF với số tiền lên tới hàng tỷ đôla".
Điều quan trọng sống còn đối với DRC là chấm dứt được những bất đồng với IMF và Câu lạc bộ Paris: Tăng trưởng kinh tế năm 2009 chỉ ở mức 2,7% so với 8,2% của năm 2008. Đầu tư nước ngoài đạt 807 triệu USD thay vì 2,4 tỷ USD như trông đợi.
Strauss-Kahn thừa nhận rằng, DRC là một trong những nước châu Phi chịu tác động nặng nề nhất của khủng hoảng tài chính, và rằng trong tháng 3, IFM đã thông qua một khoản vay khẩn cấp 196 triệu USD để bù đắp sự thiếu hụt khả năng thanh toán tiền mặt.
Việc giảm nợ đã trở thành một vấn đề chính trị hơn là một vấn đề kinh tế. Nhiều người cho rằng khó mà có thể tìm ra một giải pháp trong một sớm một chiều. Mỹ, vốn đang bận tâm thương lượng lại hợp đồng liên quan tới công ty khai mỏ Tenke Fungurume, đang che đậy sự không khoan nhượng của mình đằng sau các sắc lệnh của IMF.
* Thanh Hảo (Theo Le Monde Diplomatique)
VIETNAMNET
|