Thứ Sáu, 14/08/2009 12:12

Yếu điểm và điểm yếu

Đã hơn hai năm Việt Nam làm thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), một khoảng thời gian đủ để mỗi doanh nghiệp tự đánh giá năng lực cạnh tranh nội tại của mình trước sức ép ngày càng tăng từ việc tự do hóa thương mại và mở cửa thị trường trong nước.

Tiến sĩ Trịnh Minh Thanh, Phó vụ trưởng kiêm Phó chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế quốc tế, khuyến cáo doanh nghiệp cần hành động nhanh để “yếu điểm” không trở thành “điểm yếu”. 

Việc gia nhập WTO đã giúp nâng cao năng lực hội nhập của đất nước, song nó cũng làm lộ rõ những điểm yếu của nền kinh tế. Nếu tiếp tục duy trì bảo hộ trong một số lĩnh vực như phân phối, logistics sẽ gây ra tác động gì đến nền kinh tế?

- Bên cạnh các lợi ích WTO mang lại mà chúng ta đã nghe nói nhiều trong thời gian qua, câu chuyện lớn hơn ở đây chính là năng lực hội nhập. Khách quan mà nói thì Việt Nam đã làm khá tốt và bài bản việc thực hiện các cam kết khi vào WTO. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao hơn nữa chúng ta phải linh hoạt hơn. Hơn hai năm qua Việt Nam đã có nhiều thành công: xuất khẩu tăng trưởng nhanh, thị trường mở rộng, nền kinh tế ổn định hơn, nhưng thành công đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của nước ta.

- Ông có thể đưa ra ví dụ?

- Tôi xin dẫn ra hai ví dụ. Thứ nhất, về mặt chính sách phải nói rằng chúng ta rất đúng đắn và thực hiện rất bài bản, thế nhưng vào WTO thì không nên thực hiện máy móc những cam kết trong tổ chức này mà phải linh hoạt. Đơn cử như chúng ta nên cân nhắc mở rộng hơn nữa cho dịch vụ logistics (hậu cần) vì nó có vai trò rất quan trọng hỗ trợ cho ngành xuất khẩu.

Hay như lĩnh vực vận tải, chúng ta chưa có chính sách đầu tư thỏa đáng nhưng lại đóng cửa đối với nhà đầu tư nước ngoài. Năng lực trong nước hạn chế nhưng không cho nước ngoài vào và hệ quả là gây ra nhiều lãng phí và khó khăn cho doanh nghiệp. Hiện nay, các doanh nghiệp từ miền Trung vẫn phải chở hàng vào trong TPHCM để xuất đi, mất 2, 3 ngày vận chuyển, chi phí tăng lên rất nhiều.

- Hay như chuyện Nhà nước đánh thuế nhập khẩu cao đối với một số sản phẩm đầu vào khiến cho nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh?

- Đây là một dẫn chứng khác cho thấy một số mặt hàng Nhà nước vẫn để ở mức thuế nhập khẩu cao. Những hàng hóa trong nước không tự sản xuất được, hoặc là nguyên liệu đầu vào phục vụ cho ngành xuất khẩu thì phải hạ thuế nhập khẩu. Ví dụ, đóng một bộ bàn ghế thì có đến 70-80% nguyên liệu phải nhập khẩu: gỗ, da, inox và các linh phụ kiện cao cấp khác trong khi thuế nhập khẩu còn cao.

- Thế còn lĩnh vực phân phối, ông nhìn nhận vấn đề bảo hộ ra sao?

- Phức tạp hơn nữa là dịch vụ phân phối. Nếu trong môi trường kinh doanh bình đẳng thì một nhà phân phối tốt sẽ có vai trò kích thích kinh tế địa phương (nơi doanh nghiệp đó hoạt động). Tôi mới từ Buôn Ma Thuột trở về và một lãnh đạo địa phương nói với tôi rằng, nhờ Saigon Co-opmart mở một siêu thị ở đây đã giúp kích thích nhu cầu tiêu dùng của địa phương trong tình hình ảm đạm hiện nay. Một ngày cao điểm siêu thị này có doanh thu lên đến 3 tỉ đồng, còn ngày bình thường doanh thu cũng 1 tỉ đồng - một con số ấn tượng ở một thành phố Tây Nguyên.

Theo tôi, nếu các nhà phân phối làm tốt thì Nhà nước nên khuyến khích họ làm và nên mở cửa cho cả nhà phân phối nước ngoài cùng tham gia sân chơi trên cơ sở cạnh tranh bình đẳng. Cũng phải nói rằng có những lĩnh vực chúng ta có muốn cũng không thể đóng được, thậm chí còn khiến cho doanh nghiệp nước ngoài tìm cách lách, chẳng hạn như nhà phân phối nước ngoài có thể liên doanh với doanh nghiệp trong nước. Chúng ta “đóng” nhưng họ vẫn tìm khe hở để lách và kiếm lời. Trên thực tế chuyện này đã xuất hiện rồi.

- Nghĩa là theo ông không nên “đóng” mà phải “mở” theo đúng tinh thần WTO: tự do hóa thương mại và gỡ bỏ các hàng rào bảo hộ?

- Đúng là cần thay đổi tư duy chứ không nên khư khư đóng cửa. Quan trọng là Nhà nước tạo sân chơi lành mạnh và bình đẳng, doanh nghiệp nào làm ăn tốt, đóng góp nhiều thuế, tạo việc làm thì phải cho họ vào. Không phải chỉ bằng lời nói mà phải cụ thể hóa bằng chính sách.

- Tại sao nước ta có rất nhiều tiềm năng về nông sản nhưng Việt Nam chưa có những thương hiệu nông sản xuất khẩu có tên tuổi trên thế giới, vẫn xuất khẩu thô. Năng lực chế biến sâu của ngành nông nghiệp rất hạn chế, thưa ông?

- Nước ta chủ yếu xuất khẩu dựa vào các khoáng sản, nông sản thô hoặc sơ chế: dầu thô, than đá, gạo, hồ tiêu, cà phê... nên giá trị gia tăng không cao. Như vậy, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng bị động trước các cú sốc của thị trường thế giới. Hãy nhìn sang Thụy Sỹ, quốc gia nhỏ bé Trung Âu này không trồng cây cà phê nhưng tại sao họ vẫn trở thành một cường quốc về xuất khẩu cà phê chế biến, với thương hiệu nổi tiếng toàn cầu - Nestlé.

Ở Việt Nam, người nông dân rất cực, giá rớt, mất mùa thì bà con chặt cây cà phê đi trồng cao su, cứ quanh quẩn trong cái vòng “trồng - chặt - trồng - chặt” rất bị động. Suy cho cùng, nước ta không dựa vào năng lực chế biến sâu và không biết phát huy thế mạnh của mình, chỉ xuất thô nguyên liệu cho nước khác chế biến. Thật buồn và xót xa cho người nông dân một nắng hai sương khi giá trị gia tăng trong một ki lô gam cà phê, chè tăng 40-60 lần sau khi được chế biến sâu.Nhìn chung, thành công về năng lực hội nhập của nước ta nhìn từ góc độ hơn hai năm vào WTO là có nhưng không nhiều và chưa được như kỳ vọng.

- Như thế tấm vé thông hành vào WTO mà chúng ta phải tốn nhiều công sức mới đạt được không phải là chứng chỉ năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp ngay trên sân nhà?

- Cần phân biệt rõ năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp theo từng ngành cụ thể. Tôi lấy ví dụ như ngành dệt may, dù kim ngạch xuất khẩu lớn song giá trị thực thu được về mặt tiền bạc lại thấp vì doanh nghiệp Việt Nam đa số là gia công. Trong tình hình khó khăn hiện nay chưa thể thay đổi ngay được nhưng về lâu dài phải đổi mới cách làm.

- Cụ thể như thế nào?

- Nếu phân tích kỹ thì thấy rằng mặc dù hàm lượng gia công trong sản phẩm da giày, may mặc của Việt Nam cao nhưng ở góc độ khác, hai ngành này có đóng góp lớn vào an sinh xã hội, góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động không được đào tạo sâu và kỹ năng nghề không cao.

Hiểu như vậy để thấy bất cứ một nền kinh tế nào, kể cả Trung Quốc hay Mỹ cũng có thời điểm có ngành công nghiệp dệt may nhưng Việt Nam cần dần dần thoát khỏi tình trạng chỉ biết gia công.Việt Nam nên đầu tư phát triển những sản phẩm có thương hiệu, có thể thuê chuyên gia thiết kế nước ngoài để xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, để đạt được điều này rất khó, giai đoạn đầu vẫn phải dựa vào thương hiệu nước ngoài.

- Còn ngành phân phối thì sao?

- Ngành này chúng ta đã mở rồi nhưng vẫn còn bảo hộ nên vấn đề là quản lý họ (doanh nghiệp nước ngoài) như thế nào. Dễ thấy là thế mạnh của nhà phân phối trong nước là có nhiều đất đai, ở những vị trí đắc địa của các thành phố lớn nhưng thực tế đã chứng minh lợi thế này chưa hẳn đảm bảo thành công cho họ. Một dẫn chứng: Metro đến sau, vị trí rất xa trung tâm Hà Nội nhưng đã trở thành một địa chỉ quen thuộc của người tiêu dùng.

- Ngay các lợi thế về đất đai, việc nắm vững tâm lý người tiêu dùng của doanh nghiệp trong nước... cũng không kéo dài mãi?

- Đúng vậy. Lợi thế đất đai hay sẽ mất đi nếu nhà phân phối nước ngoài liên doanh với trong nước. Họ thậm chí còn nắm vững tâm lý và hành vi tiêu dùng của khách hàng hơn cả doanh nghiệp trong nước.

- Vậy bài học cần rút ra là gì?

- Đó là phương cách, hình thức phân phối hiện đại cùng với sự chủ động trong xây dựng vùng nguyên liệu và cách mua hàng sẽ quyết định sự thành công. Tiếc rằng đây cũng chính là điểm yếu của nhà phân phối trong nước. Vấn đề là khi đã vào WTO tất cả mọi lĩnh vực đều bình đẳng, các doanh nghiệp phải tự cạnh tranh thì liệu chúng ta có nên tiếp tục bảo hộ lĩnh vực phân phối để bảo vệ doanh nghiệp trong nước như hiện nay hay không. Về phần mình, doanh nghiệp cần có kế hoạch hành động kịp thời nếu không những lợi thế mang tính “yếu điểm” sẽ nhanh chóng mất đi và trở thành “điểm yếu” trong cuộc cạnh tranh khốc liệt phía trước.

Thành Trung

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Thị trường sơn: Ngoại lấn nội! (14/08/2009)

>   Làm ăn với Trung Quốc (14/08/2009)

>   Mới có khoảng 25% bất động sản giao dịch qua sàn (14/08/2009)

>   Vinashin khởi công bể thử mô hình tàu thủy (14/08/2009)

>   Bà Rịa - Vũng Tàu: Sẽ có tuyến giao thông bằng tàu ra Côn Đảo (14/08/2009)

>   Kiến nghị TP.HCM thu hồi ba kho bãi bỏ trống (14/08/2009)

>   Tăng mạnh thuế nhập khẩu một số mặt hàng sữa (14/08/2009)

>   Nhà nước sẽ bù lỗ giá gạo nếu xuống dưới mức bảo hiểm (14/08/2009)

>   VJEPA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/10 (14/08/2009)

>   Tuần tới sẽ kết luận thanh tra về sử dụng gói kích cầu  (14/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật