Thứ Sáu, 14/08/2009 11:53

Làm ăn với Trung Quốc

Hàng hóa Trung Quốc tràn ngập khắp nơi trên đất Việt Nam, trong khi hàng Việt Nam xuất sang Trung Quốc ít đã đành, mà còn nay thông mai tắc. Vì sao?

Trung Quốc là thị trường lớn, tiêu chuẩn về hàng hóa nhập khẩu không quá khắt khe, nhưng trong nhiều năm qua kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Trung Quốc tăng không đáng kể, trong khi mức nhập siêu của Việt Nam lại không ngừng tăng.

Thiếu chính sách

Theo ông Đào Trần Nhân,Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương), các doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng được tối đa ưu thế vị trí địa lý gần của thị trường Trung Quốc cũng như những cơ hội mà các Hiệp định thương mại (ACFTA) mang lại như sử dụng Form E khi xuất khẩu. Do đó, một số mặt hàng như trái cây nhiệt đới mà Việt Nam vốn có ưu thế thì nay đã trở nên khó cạnh tranh, trong khi trái cây của Thái Lan, Đài Loan “chảy” rất mạnh vào thị trường Trung Quốc.

Bộ Công Thương cũng cho rằng, công tác xúc tiến thương mại của nước ta vào Trung Quốc còn kém hiệu quả. Cho đến nay, Việt Nam chưa có một chương trình quảng bá, quảng cáo mang tính hệ thống và liên tục cho hàng hóa xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, nhất là thị trường phía Tây Nam như Vân Nam, Quảng Tây, Quý Châu và Tứ Xuyên.

Yếu hạ tầng

Mặc dù cơ sở hạ tầng phục vụ xuất khẩu của tỉnh Lạng Sơn được coi là tốt nhất trong các tỉnh biên giới giáp với Trung Quốc, song theo ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, “vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế hoạt động thương mại”! Trong khi đó, ông Lý Hải Hầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, hệ thống cơ sở hạ tầng của Trung Quốc từ nội địa để phục vụ xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam rất tốt. Nếu phải chuyển cửa khẩu thì doanh nghiệp Trung Quốc chỉ mất 15 phút là đến cửa khẩu khác còn các doanh nghiệp Việt Nam phải đi theo hình chữ “V”. Hơn nữa, hàng hóa chủ yếu mà Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc là rau quả, thủy sản, trong khi ta lại chưa hề có kho lạnh. Hậu quả là có khi hàng trăm xe chở hàng phải để giữa nắng, giữa mưa nhiều ngày chờ thông quan, chi phí trội lên và chất lượng sản phẩm bị ảnh hưởng. Ông Lý Hải Hầu cho biết thêm, Cao Bằng có 7 cửa khẩu, mỗi năm được đầu tư 20 tỷ đồng (khoảng 3 tỷ đồng/cửa khẩu) nên việc trang bị cơ sở vật chất rất dang dở và thiếu thốn. “Vì sự đầu tư dang dở nên Cao Bằng vẫn còn tình trạng barie truyền thống là… cây tre ”- ông nói.

Ngay cả những tỉnh có cửa khẩu quốc tế và lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn như Lào Cai thì cơ sở vật chất vẫn ở tình trạng “báo động”. Ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết: “Tuyến quốc lộ 70 mặc dù đã được nâng cấp nhưng mới rộng 5,5 mét và đáp ứng được 50% nhu cầu vận chuyển. Thời gian qua đã có lúc vì một trận bão mà tuyến đường này bị tắc hoàn toàn, mà lại không có tuyến tránh. Tuyến đường sắt duy nhất vận chuyển lượng hàng hóa rất lớn Hà Nội- Lào Cai từ 100 năm nay hầu như vẫn giữ nguyên”.

Sao không học bạn sự linh hoạt

Theo Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương), phía Trung Quốc thường xuyên áp dụng các chính sách linh hoạt để điều chỉnh số lượng cũng như giá cả hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường họ. (Điều này không vi phạm quy định của WTO vì các chính sách này chỉ áp dụng cho hàng hoá của Việt Nam xuất khẩu biên mậu mà không áp dụng cho hàng xuất qua đường chính ngạch). Đơn cử như quy định chỉ cho phép một số mặt hàng nhất định được xuất khẩu qua một số cửa khẩu nhất định. Hay mức phí biên mậu thay đổi theo từng thời điểm, mùa vụ. Việc giám sát kiểm tra vệ sinh an toàn hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chặt hay lỏng cũng nhằm điều chỉnh lượng hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Những biện pháp linh hoạt này được thực hiện khi Trung Quốc muốn mua hàng vào (khi cần hoặc khi giá thấp) hoặc hạn chế những mặt hàng là thế mạnh của Việt Nam có khả năng cạnh tranh mạnh tại Trung Quốc, đồng thời có khả năng điều chỉnh giá bán của hàng xuất khẩu từ Việt Nam. Bộ Công Thương nhận định, hệ thống chính sách của Trung Quốc đối với buôn bán biên mậu và các văn bản về kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm những năm tới đây sẽ vẫn là trở ngại cho chúng ta nếu như các doanh nghiệp Việt Nam không nắm vững để thích ứng tốt.

Huy động tổng lực

Theo Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam cần hoàn thiện hành lang pháp lý, sửa đổi, bổ sung các hiệp định như: Hiệp định vận tải đường bộ Việt- Trung, Hiệp định vận chuyển hàng hóa… Nhà nước cần tiếp tục đầu tư phát triển có trọng điểm đối với các khu kinh tế cửa khẩu - đầu mối của các hành lang kinh tế liên vùng. Cần có sự hỗ trợ hơn nữa cho công tác xúc tiến thương mại vào thị trường Trung Quốc.

Để việc đầu tư cho các cửa khẩu đúng trọng tâm và đạt hiệu quả cao, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh cho rằng, Chính phủ cần có quy hoạch hệ thống cửa khẩu trên cả nước, đâu là cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia để từ đó có sự đầu tư đúng mức. Điều đó cũng tránh việc tỉnh nào cũng muốn nâng cấp cửa khẩu trong khi nước bạn… chưa muốn. Đồng thời tránh việc các tỉnh có những kiến nghị riêng gửi sang cùng một tỉnh của nước bạn (tỉnh Vân Nam). Tương tự, việc xúc tiến thương mại hiện các tỉnh biên giới của Việt Nam đang làm riêng lẻ, Bộ Công Thương cần đóng vai trò cơ quan đầu mối phối hợp những hoạt động này.

Tại cuộc họp bàn về đẩy mạnh  xuất khẩu sang Trung Quốc gần đây, Bộ Trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhận định, để tăng cường thương mại thì chính sách thương mại, đầu tư, thông tin đều phải có sự sửa đổi, bổ sung và minh bạch hóa. Bộ Công Thương sẽ chủ động điều hành hoạt động xuất nhập khẩu, tham mưu cho Chính phủ và phối hợp với các cơ quan hữu quan nhằm sớm cải thiện cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Nguyễn Hà

Diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Mới có khoảng 25% bất động sản giao dịch qua sàn (14/08/2009)

>   Vinashin khởi công bể thử mô hình tàu thủy (14/08/2009)

>   Bà Rịa - Vũng Tàu: Sẽ có tuyến giao thông bằng tàu ra Côn Đảo (14/08/2009)

>   Kiến nghị TP.HCM thu hồi ba kho bãi bỏ trống (14/08/2009)

>   Tăng mạnh thuế nhập khẩu một số mặt hàng sữa (14/08/2009)

>   Nhà nước sẽ bù lỗ giá gạo nếu xuống dưới mức bảo hiểm (14/08/2009)

>   VJEPA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/10 (14/08/2009)

>   Tuần tới sẽ kết luận thanh tra về sử dụng gói kích cầu  (14/08/2009)

>   Rút mục tiêu đón khách quốc tế còn 3,7 - 3,8 triệu (14/08/2009)

>   Áp giá điện mới từ 01/03 hàng năm (14/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật