Vốn Việt kiều vẫn chờ được “đổ bộ”
Nhiều doanh nhân Việt kiều sẵn sàng về nước đầu tư, nhưng nỗi lo về cơ chế vẫn còn canh cánh. Nếu được khơi thông, dòng vốn Việt Kiều được dự báo sẽ còn tạo nên những con số, kết quả ấn tượng hơn nữa.
Thông tin từ Hiệp hội Doanh Nhân Việt Nam tại nước ngoài cho biết đến nay đã có khoảng 3.000 dự án của kiều bào đầu tư về nước với tổng số vốn gần 2 tỉ USD và lượng kiều hối hàng năm tăng đáng kể. Năm 2008, mặc dù còn nhiều khó khăn do cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu nhưng lượng kiều hối vẫn đạt trên 7 tỉ USD.
Không thiếu dự án tốt
Mới đây nhất, chỉ trong ngày ra mắt Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam tại nước ngoài, một cuộc điều tra nhỏ về tiềm năng đầu tư của Việt kiều đã cho kết quả - có khoảng 41 triệu USD sẵn sàng đầu tư về nước. Theo kết quả của các phiếu thăm dò, 95% các doanh nhân Việt kiều mong muốn đầu tư vào bất động sản, 5% mong muốn đầu tư vào thương mại và du lịch.
Bà Meyer Bùi Thị Thu Minh - Phó Chủ tịch Hội người Hải Phòng ở Đức cho biết, bà cũng như rất nhiều đồng hương khác ở Đức đều có chung một tâm lý muốn được đóng góp sức mình cho tổ quốc. Bản thân bà cũng đang xin thành phố Hải Phòng cho xây dựng một trại dưỡng lão. Ngoài ra bà cũng đang có ý định đầu tư vào ngành du lịch của Hải Phòng và mong muốn nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương.
Trong khi đó ông Phạm Hoàng Kinh - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Phú Cường tiết lộ, công ty ông chuẩn bị đầu tư một số dự án bất động sản tại khu đô thị lấn biển Rạch Giá. Ngoài ra, ông đang tập trung phát triển dịch vụ thủy sản như nhập, phân phối vật tư thủy sản, và ông còn có ý định phát triển lĩnh vực xử lý chất thải rắn ngay trên chính quê hương Cà Mau của mình.
Nhà đầu tư Bùi Thăng Long, Việt kiều Nhật Bản, đã đầu tư về nước được gần 2 năm và ông tỏ ra rất quan tâm đến lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, bởi theo ông, đời sống người dân trong nước đang ngày càng tốt hơn, kéo theo sự phát triển mạnh của ngành du lịch. Ông hy vọng sẽ tạo được dấu ấn ở lĩnh vực này.
Nhưng e ngại vẫn còn
Dưới con mắt của một doanh nhân, ông Phạm Hoàng Kinh đánh giá cao cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, ông cũng như rất nhiều doanh nhân Việt kiều khác ở hải ngoại đều rất băn khoăn về cơ chế, chính sách đầu tư về nước của Chính phủ. “Nhiều doanh nhân Việt kiều không yên tâm vì chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam hay thay đổi. Mà không ổn định trong chính sách cũng đồng nghĩa với rủi ro trong thương mại, kinh doanh”, ông bày tỏ.
Bà Phùng Kim Vy, Phó giám đốc Seahorse Resort, Việt kiều Canada nhấn mạnh: “Việt kiều các nơi trên thế giới còn có một nguồn vốn rất lớn, đó là chất xám, kinh nghiệm trong quản lý, chuyên môn và một quan hệ tốt. Vì vậy, Nhà nước nên có nhiều chính sách thu hút nguồn lực này. Chúng tôi mong rằng từ chủ trương cho đến văn bản pháp lý, cho đến sự triển khai của các ban ngành xin đừng là đường xa vạn dặm nữa, xin càng ngắn càng tốt”.
Cũng như ông Kinh, bà Vy, ông Phạm Minh Nam, Việt kiều Anh, bày tỏ mong muốn Chính phủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho bà con Việt kiều muốn về nước làm ăn. “Tôi nghĩ rằng cần có chính sách rõ ràng hơn, như thế nào gọi là ưu tiên hoặc ưu tiên hơn các nhà đầu tư có sức cạnh tranh lớn từ các nước như Hàn Quốc, Singapore...” Ông Nam cho rằng, bà con Việt kiều phần lớn là người gốc Việt, biết tiếng Việt. Đó là một lợi thế rất lớn mà các nhà đầu tư nước ngoài khác không có được.
“Cái mà chúng tôi đang trông đợi là một cơ chế rõ ràng và rộng mở hơn mà thôi”, ông Nam giãi bày. Trước những đóng góp của các doanh nhân Việt Kiều, ông Trần Long, Phó Chủ tịch phụ trách thông tin và truyền thông đối ngoại Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, cho biết sẽ mở trang web để làm nơi tập trung và truyền tải thông tin cần thiết về các doanh nghiệp, và của Nhà nước đối với doanh nghiệp cho tất cả hội viên là doanh nhân Việt Nam ở các nước trên thế giới.
Ông Long nói: “Chúng tôi cũng sẽ cung cấp thông tin về các cơ hội xúc tiến đầu tư vào Việt Nam cũng như cơ hội đầu tư ra nước ngoài để doanh nghiệp ở trong và ngoài nước có đủ điều kiện, cơ sở có thể hợp tác với nhau”.
Ngoài ra, ông Long cho biết sẽ thành lập công ty với tên gọi Công ty Cổ phần đầu tư doanh nhân Việt Nam tại nước ngoài để tạo ra được sự gắn kết các doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài với nhau bằng lợi ích cụ thể. Việc thành lập công ty sẽ tạo được nguồn vốn để có thể chi trả cho những hoạt động của hội./.
Vietnam+
|