Thị trường tiêu dùng vẫn trầm lắng
Tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, nhiều dịch vụ tiêu dùng lớn đã giảm trong tháng 8. Hai nhóm hàng là lương thực và đồ uống - thuốc lá ở Hà Nội đã giảm 0,74% và 0,21%.
Với TPHCM, tình hình cũng tương tự khi nhóm hàng ăn sau khi tăng nhẹ ở tháng 7 (0,41%), qua tháng 8 đã giảm lại, trong đó nhóm lương thực giảm 0,63% và nhóm thực phẩm giảm 0,14%.
Nỗi lo lạm phát sẽ vượt hai con số là điều khó mà xảy ra trong năm 2009. Nhưng, “đình - lạm” là điều mà dư luận đang rất quan ngại khi sức mua thị trường không tăng nhưng chi phí vẫn bị đẩy lên vì lương tối thiểu, giá xăng, giá điện tăng...
Chẳng hạn tại một siêu thị ở TPHCM, nhiều mặt hàng có mức giảm gần 50% về doanh thu so với cùng kỳ năm trước như mặt hàng điện máy; các mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn, đồ uống có mức giảm ở ngưỡng 30%; nhiều mặt hàng khác bán trong tình trạng rất èo uột... Nhưng, theo giám đốc siêu thị, một loạt nhà cung ứng lại đề nghị hoặc thông báo tăng giá bán sản phẩm vì xăng dầu và điện đã tăng giá.
Tiền chuyển đổi thành hàng... tồn kho?
Theo các chuyên gia của Tổng cục Thống kê, trong những tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm trước nhưng bình quân chung tiêu dùng giảm gần 3,5%. Trong đó, tiêu dùng của Chính phủ tăng hơn 9%, tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình theo giá so sánh giảm gần 5%. Sự tăng và giảm ở hai nhóm này cho thấy chính sách kích cầu chưa phát huy hiệu quả tốt.
TS. Vũ Đình ánh, Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng điều này có liên quan tới việc thâm hụt ngân sách nhà nước có thể ở mức 7-8% GDP nhưng lại không dành cho đầu tư mà lại dành cho chi tiêu dùng và nghiêm trọng hơn là có thể chính sách kích cầu tiêu dùng đã nghiêng về kích cầu tiêu dùng nhà nước.
Vì vậy, cần xem xét lại định hướng gói kích thích kinh tế đang tiến hành vì nhiều khả năng sẽ không hiệu quả khi hỗ trợ kích thích các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất nhưng lại không tiêu thụ đựơc mà chỉ làm tăng lượng hàng tồn kho.
Cùng đó, lượng hàng tồn kho trong GDP vốn đã tăng vọt từ 3,46% GDP năm 2006 lên 4,86% GDP năm 2007 và đến 5,13% GDP năm 2008, vì thế, càng có tác động tiêu cực đến khả năng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vốn đang gặp rất nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ.
Vụ trưởng Vụ Thống kê tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) Bùi Bá Cường chia sẻ với quan điểm này bằng những thực tế mà ông đã tận mắt chứng kiến sau khi đi thăm một loạt các cụm công nghiệp ở Vĩnh Phúc và Phú Thọ như Nhà máy supe phốt phát Lâm Thao hầu như không sản xuất mới trong 6 tháng đầu năm mà chỉ khẩn trương giải quyết 40.000 tấn tồn kho.
Công ty giấy Bãi Bằng cũng tập trung đẩy mạnh giải quyết 18.000 tấn tồn kho là chính. “Sản xuất là rất khó khăn vì nhu cầu suy giảm. Tiêu dùng của người dân đã suy giảm nghiêm trọng ở mức âm, tiêu dùng của khu vực nhà nước tăng cao do chi tiêu ngân sách tăng, nhưng tiêu dùng của hộ gia đình là giảm. Người dân đã thắt chặt hầu bao”, ông Cường nhận xét.
Khắc phục đình trệ, không “đánh thức” lạm phát
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện phó Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương đã nhiều lần đưa ra cảnh báo về xu hướng thu nhập giảm, chi tiêu giảm, xu hướng tiết kiệm gia tăng, làm cho cơ cấu tiêu dùng thay đổi. Cầu và cơ cấu cầu hàng hoá, dịch vụ trên các thị trường cũng thay đổi theo hướng suy giảm.
Đồng tình với TS. Cung, TS. Võ Trí Thành, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết thêm, trong nền kinh tế Việt Nam yếu tố tích cực và tiêu cực vẫn còn xen kẽ nhau. Chỉ số tiêu dùng hộ gia đình vẫn còn thấp và muốn quay lại hoạt động bình thường phải mất từ 2-3 năm. Trong bối cảnh suy giảm xuất khẩu, nền kinh tế đang hướng vào sức cầu nội địa, thì việc giảm nhu cầu tiêu dùng trong nước là một thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế Việt Nam.
Lối thoát cho tình trạng này, theo GS. Nguyễn Văn Nam, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân, cần đảm bảo cân bằng giữa kích cầu đầu tư của doanh nghiệp với cầu tiêu dùng của hộ gia đình.
Các nghiên cứu định lượng gần đây cho thấy, đối tượng kích cầu hiệu quả xét theo khía cạnh tổng cầu đã có sự biến đổi theo thời gian. Nếu như trước đây, đầu tư là đối tượng đem lại hiệu ứng lan tỏa cho chính sách kích cầu nhiều nhất thì giờ đây, tiêu dùng đã trở thành thành phần có hiệu ứng lan tỏa lớn nhất. Do đó, Việt Nam cần có chính sách mạnh mẽ hơn trong kích thích tiêu dùng trong nước.
Nhìn một cách “dài hơi” hơn thì TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright lại cho rằng thách thức lớn nhất năm 2009 lại chính là làm thế nào khắc phục được tình trạng đình trệ kinh tế nhưng không khởi động một chu kỳ lạm phát mới.
“Về mặt kinh tế, quan trọng nhất có lẽ là chính sách nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư trong nước. Về mặt xã hội, quan trọng nhất có lẽ là các chính sách cải thiện đời sống và an sinh xã hội để giúp những tầng lớp dễ bị tổn thương nhất vượt qua được giai đoạn khó khăn này”, ông Anh nhấn mạnh.
Lê Châu
TBKTVN
|