Thứ Ba, 25/08/2009 18:50

Thực hiện nâng cao mức sống và tinh thần cho nông dân

Sáng 25/8, chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành lấy ý kiến đóng góp cho Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, định hướng đến năm 2030, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, mục tiêu chung nhất mà Chương trình phải thực hiện cho được là nâng cao hơn nữa mức sống vật chất, tinh thần cho người nông dân.

Chương trình do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) chủ trì xây dựng và là chương trình tổng thể đầu tiên lồng ghép với các Chương trình mục tiêu quốc gia khác, gồm các dự án như: Quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội – môi trường trên địa bàn xã; quy hoạch phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có theo hướng văn minh, duy trì bản sắc văn hóa; dự án phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội cấp xã; phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao nhanh thu nhập cho cư dân nông thôn…

Mục tiêu tổng quát của Chương trình là xây dựng nông thôn mới (NTM) có kết cấu hạ tầng-xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ…

Bộ trưởng Bộ NNPTN Cao Đức Phát cho biết, hiệu quả dự kiến mà Chương trình đạt được về mặt xã hội sẽ tạo bước đột phá trong việc xây dựng NTM phát triển theo quy hoạch; có kết cấu hạ tầng hiện đại; môi trường sạch đẹp, cải thiện điều kiện sống của người dân và đảm bảo người nông dân thực sự đóng vai trò chủ thể xây dựng NTM. Về kinh tế, xây dựng kinh tế nông thôn phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; tăng thu nhập cho người dân và nâng cao sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường. Về văn hóa, sẽ xây dựng lối sống văn hóa lành mạnh trong nông thôn; dân chủ được phát huy cao hơn nữa…

Tuy nhiên Bộ trưởng Cao Đức Phát lưu ý, để Chương trình đạt được những hiệu quả trên cần phải được chỉ đạo thực hiện sát sao nếu không các xã sẽ coi đây là Chương trình đầu tư dẫn đến tình trạng xin cấp kinh phí để làm Dự án chứ không nỗ lực cùng với chung tay xây dựng NTM. Bộ trưởng nhấn mạnh, chỉ nơi nào cấp ủy, chính quyền tham gia, khơi dậy tinh thần cho người nông dân, coi đây là một cuộc vận động lớn để người nông dân làm chủ xây dựng NTM thì nơi đó mới thành công.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho biết, dự kiến Chương trình được triển khai trên phạm vi toàn quốc, lấy xã làm đơn vị thực hiện. Chương trình được xây dựng với nội dung dựa theo Bộ tiêu chí quốc gia NTM, đồng thời tham khảo kinh nghiệm phát triển nông thôn ở một số nước như: kinh nghiệm xây dựng làng mới “Saemaul Undong” ở Hàn Quốc, chương trình phát triển ngành nghề nông thôn ở Nhật Bản và Phong trào “mỗi làng, một sản phẩm” ở Thái Lan.

Các giải pháp chủ yếu thực hiện chương trình là tăng cường công tác truyền thông; xây dựng mô hình điểm; đổi mới cơ chế chính sách chưa phù hợp với phát triển nông thôn; đầu tư nghiên cứu khoa học phục vụ xây dựng NTM; hợp tác quốc tế trong xây dựng NTM; phát động thi đua xây dựng NTM.

Đóng góp ý kiến cho Chương trình, hầu hết đại diện lãnh đạo các Bộ cho rằng, vì Chương trình lấy xã làm đơn vị thực hiện nên Nhà nước sẽ chỉ đạo và hỗ trợ, còn cấp xã phải là nhân tố chủ yếu thực hiện. Ngoài ra cần có sự tham gia của doanh nghiệp, có giải pháp tìm đầu ra cho nông sản, tập trung đầu tư những sản phẩm chủ lực của địa phương mình…

Kết luận buổi họp, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu, Chương trình phải đạt đến mục tiêu chung là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nông dân. Trung ương sẽ chỉ đạo chương trình tổng thể. Các chương trình mục tiêu cụ thể do các Bộ phụ trách. Tuy nhiên từng tỉnh, huyện, xã phải xây dựng chương trình NTM của riêng mình căn cứ vào chương trình của Trung ương và các chương trình mục tiêu quốc gia đã được hướng dẫn, đồng thời phải có định hướng kinh tế - xã hội chung của từng xã.

Về cơ chế, chính sách, Phó Thủ tướng đề nghị những vùng, đối tượng khó khăn hơn phải được ưu tiên cơ chế, chính sách cao hơn. Khi lập quy hoạch phải bảo đảm liên kết vùng và ngành; xây dựng quy hoạch cụ thể cho từng cấp.“Xây dựng NTM là bảo đảm kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại hóa. Có cơ cấu kinh tế phù hợp với đặc điểm điều kiện tự nhiên của từng vùng, để người dân có được đời sống vật chất, tinh thần tốt hơn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, Chương trình nên chú ý tới các mục tiêu giảm nghèo, coi xây dựng NTM là cuộc vận động trong toàn dân.

Mục tiêu cụ thể của Chương trình giai đoạn 2010-2015: Phấn đấu xây dựng 20% số xã đạt tiêu chuẩn NTM; hoàn thành quy hoạch NTM cho 100% số xã; nâng thu nhập của dân cư nông thôn tăng từ 1,2 lần trở lên so với hiện nay, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 8%:

Năm 2020: Phấn đấu xây dựng 50% số xã đạt tiêu chuẩn NTM; nâng thu nhập của dân cư nông thôn gấp 2,5 lần trở lên so với hiện nay, giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 3%:

Chính Phủ

Các tin tức khác

>   Vốn Việt kiều vẫn chờ được “đổ bộ” (25/08/2009)

>   Kỳ họp Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC tại Đà Nẵng (25/08/2009)

>   4 điểm đáng chú ý về xuất nhập khẩu 8 tháng đầu năm (25/08/2009)

>   Mối lo 800 triệu USD sắn xuất khẩu? (25/08/2009)

>   Việt Nam - Mexico thúc đẩy hợp tác thương mại, du lịch (25/08/2009)

>   Đổi điều kiện thách cược 5 triệu USD cho 'đường bay vàng' (25/08/2009)

>   Thị trường bất động sản: Sôi động nhà đơn lẻ (25/08/2009)

>   8 tháng, giải ngân vốn FDI đạt hơn 72% kế hoạch năm (25/08/2009)

>   Đón cơ hội xuất khẩu sang Mỹ tăng trở lại (25/08/2009)

>   TP Cần Thơ khởi công nhiều công trình trọng điểm (25/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật