S&P 500 hướng mốc 1,000 nhưng nhiều khả năng điều chỉnh
(Vietstock) – Wall Street có thể được tiếp thêm động lực bên lề trong tuần tới khi S&P 500 cố gắng chọc thủng mốc 1,000 điểm. Tuy nhiên, khả năng duy trì đà phục hồi sẽ phụ thuộc vào việc liệu các chỉ báo kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp Mỹ có cho thấy những tín hiệu ổn định hơn nữa của nền kinh tế hay không.
Trong hàng loạt thông tin được công bố vào tuần tới, thông tin quan trọng nhất chính là báo cáo tổng số việc làm bị cắt giảm trong Tháng 7 của Bộ Lao động Mỹ.
Trong khi tỷ lệ thất nghiệp được dự báo vẫn tiếp tục giữ ở mức cao ngay cả khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi, các chuyên gia dự báo số việc làm bị cắt giảm trong Tháng 7 có thể thấp hơn tháng trước.
Liên quan đến mùa BCTC, trong số các công ty sẽ công bố lợi nhuận, giới đầu tư quan tâm nhất về kết quả của Procter & Gamble, Kraft và Cisco – những công ty thành viên Dow Jones.
Kết thúc phiên giao dịch ngày Thứ Sáu chỉ số S&P 500 chính thức ghi nhận 5 tháng tăng điểm mạnh nhất kể từ năm 1938. Trong đó có sự đóng góp của số điểm đạt được vào Tháng 7 nhờ kết quả lợi nhuận doanh nghiệp vượt dự báo cho thấy thời kỳ tồi tệ nhất của cuộc suy thoái đã qua.
Đến thời điểm này, đã có 67% công ty trong chỉ số S&P công bố BCTC. Thời gian tới, nhiều công ty có khả năng tiếp tục ghi điểm trong mắt các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, sau khi gia tăng 46% so với mức đáy 12 năm xác lập trong Tháng 3, khả năng quay đầu lại của chỉ số S&P 500 là rất dễ xảy ra nếu các số liệu trong tuần tới ít tích cực.
Tín hiệu mua vào
Các nhà đầu tư sẽ bám sát diễn biến của chỉ số S&P. Mức 1,000 là một ngưỡng kháng cự quan trọng, và nếu ngưỡng này bị vượt qua, khả năng thị trường tăng mạnh là hoàn toàn có thể. Đó là lúc các nhà đầu tư có thể mua vào.
Hồi đầu tuần, thị trường đã kiểm nghiệm mức này khi tăng 4 điểm nhưng chưa thể tăng nhiều hơn nữa.
Mặc dù sự tăng giá là rất ấn tượng, song những tín hiệu khi phân tích khối lượng giao dịch không ủng hộ cho xu hướng. Thị trường vẫn cần thêm động lực từ những thông tin tích cực của nền kinh tế.
Trong số những báo cáo lợi nhuận của các công ty trong chỉ số S&P đã được công bố, có 74% số công ty vượt kỳ vọng. Các nhà phân tích cho rằng sự kỳ vọng là ở mức quá thấp, nên giờ họ nghi ngờ về sức mạnh thật sự của các kết quả kinh doanh này có thể đến từ việc cắt giảm chi phí và cắt giảm lao động, chứ không đến từ sự cải thiện của hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, việc các kết quả lợi nhuận vượt mức kỳ vọng của các nhà đầu tư đã hâm nóng hy vọng của giới đầu tư rằng thời kỳ tồi tệ nhất của cuộc suy thoái đã qua.
Kết thúc Tháng 7, S&P 500 đã tăng 7.4% so với tháng trước. Dow tăng 8.6%, mức tăng điểm ấn tượng nhất trong Tháng 7 kế từ năm 1989.
Tín hiệu từ chi tiêu tiêu dùng
Báo cáo của P&G - công ty hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng – có thể cung cấp cho các nhà đầu tư thêm tín hiệu về chi tiêu tiêu dùng. P&G cho biết nhiều mặt hàng đã mất thị phần khi suy thoái xảy ra, khi các cửa hàng chuyển sang kinh doanh các mặt hàng rẻ tiền hơn.
Cùng với đó, báo cáo về thu nhập cá nhân trong Tháng 6 cũng rất được kỳ vọng khi cho thấy được tỷ lệ tiết kiệm của người dân Mỹ. Theo số liệu của Reuters, thu nhập cá nhân trong Tháng 6 có thể sụt giảm 1%, so với mức tăng 1.4% trong Tháng 5.
Trước đó, báo cáo trong Tháng 5 cho thấy tỷ lệ tiết kiệm đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1959. Tiêu dùng cá nhân vốn chiếm hơn 2/3 tổng GDP, do đó quá trình phục hồi kinh tế sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi người dân giảm chi tiêu, tăng tiết kiệm.
Dự báo, nền kinh tế đã cắt giảm 320,000 việc làm trong Tháng 7, con số này được cải thiện hơn nhiều so với mức 467,000 việc làm trong tháng trước. Tỷ lệ thất nghiệp dự kiến tăng lên mức 9.6%. Các số liệu này sẽ được công bố trong ngày Thứ Sáu.
Cao Vệ (Theo Reuters)
|