Phục hồi kinh tế Nhật có thể bị lung lay
(Vietstock) – Mức tăng trưởng 3.7% trong quý 2 vừa rồi đã kết thúc cuộc suy thoái tồi tệ nhất thời hậu chiến của Nhật Bản. Có lẽ, mức tăng trưởng này đã phản ánh đúng thực trạng của nền kinh tế. Như vậy, Nhật Bản cùng với Đức và Pháp là các thành viên G7 đầu tiên thoát khỏi suy thoái.
Tuy nhiên, theo dự đoán trung bình của các nhà kinh tế được công bố sau đó, tốc độ tăng trưởng của Nhật sẽ chậm lại. Sự sụt giảm trong hoạt động đầu tư và tỷ lệ thất nghiệp ngày càng leo thang sẽ là các trở ngại lớn đến quá trình phục hồi của nền kinh tế vốn được tiếp sức bởi số tiền trong các chính sách kích cầu trị giá 2.2 nghìn tỷ của các Chính phủ trên toàn thế giới.
Các doanh nghiệp lớn như Nikon và NEC đang cắt giảm chi phí và sa thải công nhân để giảm thiểu thua lỗ. Trong thời gian tới, người dân xứ sở hoa anh đào sẽ hướng đến cuộc thăm dò chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào ngày 30/08 trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp đang tiến đến mức cao kỷ lục và nợ Chính phủ đã đã lớn gấp đôi so với quy mô của nền kinh tế.
Cũng trong ngày hôm qua, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đã ghi nhận sự sụt giảm mạnh nhất trong 4 tháng trước lo sợ rằng đà tăng trưởng sẽ đuối sức khi tác dụng của các chính sách kích cầu dần mờ nhạt.
Kết quả của các cuộc khảo sát gần đây cho thấy, Đảng Dân chủ Tự do của Thủ tướng Taro Aso nhiều khả năng thua cuộc trước Đảng dân chủ đối lập vốn chưa hề nắm giữ quyền lực trước đây. Đảng Dân chủ đối lập sẽ thừa hưởng lại nền kinh tế vẫn còn có quy mô của năm 2004.
Tháng trước các nhà kinh tế đã dự đoán, tăng trưởng kinh tế Nhật sẽ chậm lại trong 3 quý tới và sẽ đứng yên trong quý 2/2010.
Được biết, sự tăng trưởng của Nhật Bản trong quý 2 vừa rồi chủ yếu được dẫn dắt bởi hoạt động xuất khẩu nhờ nhu cầu từ Trung Quốc và chính sách kích cầu nội địa của Chính phủ.
Còn từ trước đến nay, sự phát triển bền vững của nền kinh tế Nhật phần lớn phụ thuộc vào các thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, số liệu công bố trong tuần trước lại cho thấy lòng tin của người tiêu dùng Mỹ trong Tháng 8 lại bất ngờ sụt giảm trước lo lắng về việc làm và lương bổng.
Tuần trước, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cho thấy lực cầu đối với các sản phẩm và dịch vụ trong nước không có được đà đi lên. BOJ ước tính tỷ lệ tăng trưởng giảm khoảng 1%, gần một nửa so với tốc độ đạt được trong suốt 6 năm phát triển của đất nước đến 2007.
Và lẽ dĩ nhiên, sự thiếu hụt nhu cầu sẽ gây áp lực lên giá cả, từ đó châm ngòi cho mối lo lắng rằng giảm phát một lần nữa sẽ kiềm hãm sự phát triển của nền kinh tế. Giá cả tiêu dùng trong Tháng 6 sụt giảm kỷ lục tới 1.7% và tỷ lệ lương bổng rớt mạnh kỷ lục 4.7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các doanh nghiệp cũng tỏ ra khá thận trọng. Hoạt động chi tiêu cơ bản, vốn chiếm 15% nền kinh tế, giảm 4.3% trong quý liền trước. Tuy nhiên, một báo cáo được ngân hàng Nhật Bản công bố trong tháng này cho thấy các công ty đã cắt giảm hoạt động đầu tư cố định xuống 9.2%. Sự cắt giảm của các nhà sản xuất được xem là mức sụt giảm mạnh nhất kể từ năm 1993.
Theo các chuyên gia kinh tế, chi tiêu của các công ty vẫn còn yếu ớt và khả năng phục hồi theo hình chữ V là điều vẫn không thể tính đến thời điểm này.
Phạm Thị Phước (Theo Bloomberg)
|