Nhiều Ngân hàng chạy đua tìm vốn
Ngân hàng tăng chi phí đầu vào để thu hút vốn, đẩy mạnh cho vay vào thời điểm cuối năm. Trước nhu cầu vay vốn thường tăng mạnh vào cuối năm, hiện nhiều ngân hàng (NH) lớn cũng dốc sức huy động vốn VNĐ và USD.
Ngân hàng lớn cũng vào cuộc
Ngày 20-8, NH NN-PTNT (Agribank) đồng loạt phát hành chứng chỉ tiền, mệnh giá kỳ phiếu tối thiểu 1 triệu đồng, kỳ hạn 5 tháng, 7 tháng và 364 ngày, lãi suất tương ứng 8%/năm, 8,3%/năm và 8,6%/năm (áp dụng trên địa bàn Hà Nội, TPHCM). Tuy nhiên, người mua chứng chỉ tiền gửi không được rút trước hạn, chứng tỏ Agribank muốn ổn định được nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng. Trước Agribank 2 ngày, NH Công Thương (VietinBank) tung ra chương trình “Tiết kiệm lãi suất thả nổi 3+”, lãi suất kỳ hạn 12 tháng gần 8,4%/năm nhưng được điều chỉnh 3 tháng/lần; lãi suất kỳ hạn 18 – 36 tháng từ 8,96% - 9,29%/năm và cứ 6 tháng lãi suất sẽ được điều chỉnh (tức là NH sẽ tăng lãi suất cho người gửi nếu mặt bằng lãi suất trên thị trường tăng lên và ngược lại). Điều này cho thấy VietinBank kích thích người dân gửi tiền kỳ hạn dài, không bị thiệt thòi trước bối cảnh lãi suất tiết kiệm có xu hướng tăng. NH Ngoại thương (Vietcombank) cũng tham gia thị trường chương trình “Tiết kiệm linh hoạt lãi thưởng”, thu hút vốn bằng cách tặng thêm lãi suất cho người gửi tiết kiệm VNĐ và USD...
Tuy cuộc đua huy động vốn ngày càng quyết liệt nhưng điểm khác biệt là một số NH chỉ huy động vốn trong vòng 2 tháng. Nhiều người cho rằng NH muốn tăng nhanh nguồn vốn để cho vay theo lãi suất thỏa thuận từ 12% - 13%/năm. Bởi với lãi suất đầu vào bình quân gần 9%/năm, các NH cho vay sản xuất kinh doanh lãi suất tối đa 10,5%/năm sẽ không có lời. Trong khi nguồn vốn huy động chủ yếu từ dân cư. Người dân lại không mặn mà gửi tiền dài hạn, buộc các NH phải giảm lợi nhuận, tăng chi phí đầu vào để thu hút vốn.
Đón đầu thị trường
Nếu lãi suất tiết kiệm VNĐ tăng đồng loạt thì lãi suất tiết kiệm USD chỉ tăng ở kỳ hạn dài. NH Đông Nam Á (SeaBank) nâng lãi suất kỳ hạn 18 tháng lên 3,1%/năm. Tại các NH Á Châu, Đại Dương (OceanBank) và NH Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) kỳ hạn 36 tháng cũng chạm ngưỡng 3%/năm...
Giới phân tích tài chính cho rằng NH tăng lãi suất đầu vào USD nhằm đón đầu những diễn biến mới trên thị trường ngoại tệ. Ông Nguyễn Việt Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Nguồn vốn và Giao dịch tài chính NH Kỹ thương (Techcombank), cho biết các NH nhìn thấy kinh tế Mỹ đã có dấu hiệu hồi phục nên nhiều khả năng Mỹ sẽ tăng lãi suất cơ bản trong thời gian tới. Khi đó, lãi suất USD tại Việt Nam sẽ tăng lên. Vì thế, NH đi trước một bước, tăng lãi suất tiền gửi USD để tập trung vốn giá rẻ. Theo Phó Tổng Giám đốc NH Phát triển nhà TPHCM Nguyễn Mạnh Quân, hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu đã khởi sắc, giá cả mặt hàng xuất khẩu có xu hướng đi lên, lãi suất vay USD thấp hơn so với lãi suất vay VNĐ nên doanh nghiệp không còn e ngại rủi ro khi vay ngoại tệ. Do vậy, các NH mạnh tay tăng lãi suất huy động USD, chuẩn bị vốn cho nhu cầu vay ngoại tệ ngày càng tăng.
Với nhiều doanh nghiệp ngành da giày, dệt may, đồ gỗ, thủy sản, 80% nguyên liệu sản xuất phải mua của nước ngoài. Do nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa thường tăng mạnh vào những tháng cuối năm nên có nhu cầu vay USD. Với lãi suất vay USD từ 4% - 5%/năm, doanh nghiệp giảm được 1% chi phí vay vốn so với vay VNĐ.
Thy Thơ
Người lao động
|