Ngân hàng tăng LS huy động: Do thiếu vốn, hay giữ khách ?
Đúng như dự đoán của nhiều chuyên gia, cuộc đua tăng lãi suất giữa các ngân hàng thương mại (NHTM) không dừng lại mà đang tiếp tục diễn ra. Lãi suất cho vay VND cao nhất đã được đẩy lên đến 10,3%/năm, sát với trần lãi suất cơ bản mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định là 10,5%/năm. Phải chăng các NHTM đang thiếu vốn, hay chỉ là "chiêu" giữ khách?
Để tăng cường vốn đầu tư cho các dự án, từ đầu tháng 8, NHTM CP Hàng Hải (Maritime Bank) đã triển khai gói sản phẩm "Lãi suất cao nhất". Theo đó, với tiết kiệm VND kỳ hạn 1 tháng, lãi suất được áp dụng là 8,2%/năm; 3 tháng: 8,7%/năm; 6 tháng: 9%/năm; 12 tháng: 9,1%/năm; 24 tháng: 9,7%/năm; 36 tháng: 10%/năm.
NHTM CP Đông Nam Á (SeABank) cũng điều chỉnh biểu lãi suất huy động cả VND và USD. Với tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn VND thông thường, lãi suất được điều chỉnh tăng ở kỳ hạn từ 1 tuần đến 6 tháng. Cụ thể, với kỳ hạn 1 tuần, lãi suất là 6%/năm; 2 tuần: 6,3%/năm; 3 tuần: 6,6%/năm; kỳ hạn 1-6 tháng, lãi suất dao động 7,95-8,85%/năm. Các kỳ hạn khác được giữ nguyên. Như vậy, mức lãi suất huy động VND thông thường cao nhất tại SeABank vẫn là 9%/năm. Lãi suất huy động tiết kiệm bậc thang VND cũng được điều chỉnh tăng 0,06-0,6%/năm, lên mức cao nhất là 9,3%/năm. Lãi suất huy động USD tăng 0,3%/năm, lên 3,1%/năm với kỳ hạn 18, 24 tháng. Những kỳ hạn khác là 1,65-2,95%/năm.
NHTM CP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) điều chỉnh lãi suất tiết kiệm bậc thang VND với khách hàng cá nhân 0,05-0,25%/năm. Với biểu lãi suất mới này, mức lãi suất tiết kiệm thấp nhất tại SHB là 8,2%/năm với kỳ hạn 1 tháng; cao nhất là 9,7%/năm cho kỳ hạn 36 tháng.
Vượt qua tất cả những NH trên, NHTM CP Phát triển nhà TP Hồ Chí Minh (HDBank) huy động lãi suất cao nhất lên đến 10,3%/năm cho kỳ hạn 36 tháng của sản phẩm "Tiết kiệm siêu lãi suất". Lãi suất của "Chứng chỉ tiền gửi siêu lãi suất" cũng tăng lên 9%/năm với khách hàng doanh nghiệp (DN), 9,3%/năm cho khách hàng cá nhân. Với việc tăng lãi suất huy động, HDBank là một trong những NH có mức lãi suất cao nhất trong hệ thống NHTM.
Mặc dù liên tục tăng lãi suất huy động, nhưng lãnh đạo các NH đều không thừa nhận đang thiếu vốn. Tổng giám đốc một NHTM CP ở Hà Nội cho biết, do nhu cầu vay tiêu dùng tăng cao, cộng với nhu cầu vay hỗ trợ lãi suất của DN ngày càng lớn, nên NH phải liên tục điều chỉnh lãi suất để thu hút khách hàng gửi tiền. Tuy nhiên, mức lãi suất cao chủ yếu áp dụng cho loại hình tiết kiệm dài hạn (12 tháng trở lên). Vị tổng giám đốc này lý giải, sau khi NHNN đưa ra quy định về tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn là 30% (với NHTM, công ty cho thuê tài chính); 20% (Quỹ Tín dụng nhân dân TƯ) thay vì mức 40% và 30% như trước, trong khi nhu cầu vay vốn dài hạn của DN, cũng như người dân là rất lớn. Vì thế, NH phải liên tục điều chỉnh tăng lãi suất với các kỳ hạn dài để phục vụ khách hàng.
Bên cạnh đó, sự phục hồi của thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản đã hút một dòng vốn lớn rút khỏi kênh gửi tiết kiệm NH. Ngay cả khi NH đã có đủ nguồn vốn để đáp ứng người vay cũng không tránh khỏi việc tăng lãi suất huy động. Bởi, đã có hàng loạt NH tăng lãi suất, nếu không tăng khách hàng có thể chuyển tiền gửi tiết kiệm sang NH khác có mức lãi suất cao hơn. Như vậy, có thể nói, động thái tăng lãi suất của các NH không đơn thuần là để huy động thêm vốn mới, mà chủ yếu để giữ chân khách hàng.
Theo nhận định của các chuyên gia, để có lãi thì khoảng cách giữa lãi suất huy động và cho vay ít nhất phải là 3%/năm. Nhưng, với lãi suất huy động ở mức cao như hiện nay (9-10,3%), trong khi trần lãi suất cho vay theo quy định chỉ dừng lại ở 10,5%/năm, các NH sẽ phải làm gì để duy trì hoạt động và có lãi? Được biết, có một số loại hình cho vay không phải theo quy định lãi suất trần của NHNN như là cho vay tiêu dùng (trong đó có vay mua nhà, mua xe ô tô…). Tại các NHTM, lãi suất cho vay của loại hình này phổ biến ở mức 12-15%/năm. Vì vậy, NH vẫn có thể duy trì hoạt động ngay cả khi lãi suất huy động lên đến 10%/năm.
Đức Anh
Hà Nội mới
|