Cơ chế tín dụng riêng cho nông nghiệp – nông thôn:
Hỗ trợ ngân hàng và người vay
Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân về dự thảo Nghị định về tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn để trình Chính phủ. Dự thảo này sẽ có cơ chế tín dụng thông thoáng hơn để các ngân hàng chuyển vốn về nông thôn đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt những điều kiện kém lợi thế, giúp khách hàng ở khu vực này dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng
Tạo cơ chế đưa vốn về nông thôn
Theo Ngân hàng Nhà nước, nếu như dư nợ tín dụng cho vay nông nghiệp, nông thôn năm 1998, chỉ có 34.000 tỷ đồng thì đến cuối năm 2008 con số này đã đạt gần 250.000 tỷ đồng (tăng gấp hơn 7 lần). Dư nợ tín dụng trong các năm gần đây đang có xu hướng chậm lại. Đầu tư vốn cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn cũng đã thu hút được các ngân hàng thuộc mọi thành phần kinh tế.
Bên cạnh mạng lưới của Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam giữ vai trò chủ đạo (với 2.300 điểm giao dịch cố định, hơn 1.000 ô tô giao dịch lưu động để phục vụ giải ngân cho các xã, trung bình cứ 2 đến 3 xã là có một điểm giao dịch) thì các ngân hàng thương mại khác cũng tích cực đầu tư trên địa bàn nông thôn.
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, hoạt động tín dụng nông nghiệp, nông thôn vẫn còn nhiều hạn chế và chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Do chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, nông thôn còn chậm và người nông dân ở nông thôn (nhất là vùng sâu, vùng xa) vẫn sản xuất theo các phương thức truyền thống lạc hậu, chưa có sự gắn kết giữa nông nghiệp với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nên hiệu quả đầu tư tín dụng còn thấp.
Mặt khác, đến nay Quyết định số 67 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp có một số điểm không phù hợp với thực tế. Chẳng hạn, nếu không có bảo đảm nông dân chỉ được vay tối đa đến 10 triệu đồng nhưng hiện nay là quá thấp, không phù hợp với nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh của các hộ nông dân.
Vì vậy, việc ban hành Nghị định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn hiện nay là hết sức cần thiết và cấp bách.
“Nghị định này phải nhằm đạt được 2 mục tiêu chính: tạo ra cơ chế phù hợp để chuyển vốn về cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo cơ chế cho vay thương mại với lãi suất phù hợp; có chính sách để khách hàng dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngân hàng, thông qua việc đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt những điều kiện kém lợi thế cho khách hàng… và có chính sách hỗ trợ nông dân khi gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng” - đại diện Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước, đơn vị soạn thảo nghị định, cho biết.
Được vay đến 500 triệu đồng không cần thế chấp
Theo Ngân hàng Nhà nước, phạm vi của nghị định mới sẽ điều chỉnh toàn bộ hoạt động tín dụng ngân hàng đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân nói chung, nhưng tập trung chủ yếu vào hoạt động tín dụng thương mại (tín dụng thông thường) của các tổ chức tín dụng.
Để khuyến khích các tổ chức tín dụng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, dự thảo quy định các ngân hàng thương mại cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng trên 50% thì không phải chuyển 2% nguồn vốn huy động sang ngân hàng chính sách xã hội.
Ngoài ra, các định chế tài chính thực hiện cho vay theo đối tượng chính sách, các chương trình kinh tế của Chính phủ ở nông thôn, được Chính phủ bảo đảm nguồn vốn cho vay từ ngân sách chuyển sang hoặc cấp bù chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động.
Về nguyên tắc, lãi suất về cho vay nông nghiệp, nông thôn và nông dân của các ngân hàng thương mại là lãi suất thị trường. Tuy nhiên, để giảm giá vốn của các ngân hàng khi cho vay trên địa bàn nông thôn, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ có giải pháp cung ứng các nguồn vốn rẻ cho ngân hàng thương mại.
Dự kiến đó là nguồn vốn tài trợ, ủy thác của các tổ chức trong, ngoài nước, của Chính phủ và vay từ Ngân hàng Nhà nước… Lãi suất cho vay của các ngân hàng thực hiện chính sách thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ; lãi suất cho vay của các tổ chức tài chính vi mô do các bên thỏa thuận.
Theo đó, tổ chức tín dụng được xem xét cho khách hàng vay trên cơ sở có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản. Mức cho vay tối đa không có bảo đảm bằng tài sản được quy định là: 50 triệu đồng đối với đối tượng là các hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm; 200 triệu đồng đối với các hộ sản xuất ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn; 500 triệu đồng đối với các đối tượng là chủ trang trại, hợp tác xã.
Hàm Yên
Sài gòn giải phóng
|