Mạn đàm về lòng tin và niềm tin
Xây dựng một lòng tin, tình hữu nghị có tính bản chất vì hòa bình và phát triển luôn luôn là mục đích tối thượng của dân tộc Việt Nam với tất các các dân tộc khác trên toàn thế giới.
Câu chuyện về bầy cừu cố thủ trong chuồng chờ cừu mẹ, cương quyết không mở cửa cho vị khách đang gõ cửa bên ngoài và câu chuyện em bé quàng khăn đỏ đều kết thúc có hậu và vẫn luôn được các bậc phụ huynh kể cho con em.
Sự cảnh giác của con người được ngụ ngôn hóa để chống lại lòng tin thiếu cơ sở vào những mối bất an dưới nhiều hình thức.
“Lòng tin tưởng chở được núi…”
Ngoại trừ niềm tin vào tôn giáo huyền bí và niềm tin vào tình yêu… cũng bí ẩn không kém, sự tin tưởng của con người vào một sự vật hiện tượng hay một đối tượng nào khác thường phải trải qua thực nghiệm.
Như một em bé bị phỏng thì sau này lớn lên sẽ ít nghịch lửa hơn. Bàn về lòng tin, cũng là phần nào bàn về bản chất và hiện tượng, hình thức và nội dung, nhân và quả như triết học Marx và Phật Giáo vẫn đề cập.
Em bé quàng khăn đỏ thiếu cảnh giác với chó sói sẽ trả giá đắt dù cho có trải qua một cuộc nói chuyện bà bà cháu cháu. Còn bầy cừu suýt mất cảnh giác nhưng nhờ nắm được hiện tượng rồi suy ra bản chất, luận được nội dung thông qua hình thức nên thoát nạn.
Để bảo vệ lòng tin của con người với nhau, gia đình có gia quy, đất nước có pháp luật và thế giới có nhiều bộ Luật của Liên Hiệp Quốc nhằm chế tài những hành vi bản năng và xâm phạm lợi ích công cộng. Tuy niềm tin có khi không cần phải chế tài, nhưng cũng không thiếu bậc chân tu đã rời bỏ môn phái sau mấy mươi năm hành đạo.
Cũng vậy, có lẽ chưa có nhà nước nào có luật về tình yêu nhưng lại luôn phải có một bộ luật hôn nhân để chống bạo hành hay lừa đảo, vì đối với tình yêu, đó là niềm tin siêu tự nhiên nhưng với hôn nhân thì đó là lòng tin cần một tương quan “tương kính như tân”.
Lòng tin trong mối quan hệ tốt sẽ tạo thành uy tín mà người xưa gọi là “Tín” – một trong ngũ thường. Ngày xưa, đó là đạo sống của người quân tử, ngày nay, đó là phép hành xử để phát triển kinh tế, xây dựng đất nước.
Lòng tin của các dân tộc đối với nhau cần những thấu hiểu ở nhiều tầng nấc và đi qua nhiều giai đoạn thử thách. Những lời nói hữu nghị và lòng tin hữu nghị sẽ đẹp hơn nếu các bạn của chúng ta thực hiện đúng tinh thần các trao đổi trên bàn ngoại giao. Khi ấy hình thức sẽ phản ánh đúng nội dung, hiện tượng và bản chất song hành cùng nhau. Khi đó giới quan sát sẽ không cho rằng vài hiện tượng đã làm biến đổi bản chất.
Xây dựng một lòng tin, tình hữu nghị có tính bản chất vì hòa bình và phát triển luôn luôn là mục đích tối thượng của dân tộc Việt Nam với tất các các dân tộc khác trên toàn thế giới.
Một nền hành chính tốt của một quốc gia sẽ nghiêm túc hơn đối với những mạng hay blog nặng tinh thần dân tộc mà nhẹ tính nhân loại để có những biện pháp ứng xử đúng mức nhằm tạo lòng tin. Đó chính là tạo lòng tin cho nhân dân chính nước mình và các nước láng giềng rằng nền hành chính ấy vì hòa bình và phát triển.
Những Tư Mã Bình Bang, mạng sina.com hay thiết huyết đang đi ngược lại với tinh thần của nền ngoại giao hữu nghị của một đất nước lớn nhất châu Á, một trong năm cái nôi của loài người. Xây dựng lòng tin trên bàn ngoại giao song song với tác động tích cực của nền hành chính nghiêm túc của đối tác chính là mong muốn của Việt Nam và có thể của cả những nước láng giềng Đông Nam Á đang luôn mưu cầu hòa bình!
Văn minh và văn hiến không thể được đánh giá qua độc chỉ số tăng trưởng hay số lượng hạm đội hải quân. Có thể sự nhẫn nhịn là biểu hiện của sự tự lượng sức nhất thời hay tình yêu hòa bình bằng nhiều giá, nhưng dứt khoát sự nhân nhượng không đồng nghĩa với thiếu khả năng đọc và hiểu các ẩn dụ phi chính thức của nước bạn trên các mạng dân tộc chủ nghĩa nọ.
Tóm lại xây dựng lòng tin đầu tiên phải xây dựng sự tôn trọng chính đối tác, nước bạn phải có biện pháp với những “nhà” dân tộc chủ nghĩa đang nặng lời với người khác. Họ phải biết hình ảnh hải quân mình lấn biển đảo của nước khác hay các học giả mình tưởng tượng các loại chứng cứ chủ quyền trên đất đai của người bạn chính là một bàn tay khó coi đang thò vào chuồng cừu.
Hai bên xây dựng lòng tin phải có bản lĩnh để bình đẳng đối thoại và hiểu rõ khi mất lòng tin thì sẽ trả giá không nhỏ. Sau cùng những người mang sứ mệnh xây dựng lòng tin phải biết tuân theo những bộ Luật có tính trọng tài mà tinh hoa thế giới đã cất bút soạn thảo và ký kết.
Người Việt Nam luôn muốn xây dựng lòng tin và luôn muốn tránh tình huống buộc phải chọn cách ứng xử như em bé quàng khăn đỏ hay như những chú cừu thông minh trước bàn tay của vị khách đang gõ cửa ngoài kia.
Có một câu chuyện ngụ ngôn mà biện chứng như vậy trong thế kỷ 21.
Lê Vĩnh Trương (Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông)
TuanVietNam
|