Kỳ vọng tháng 8
Nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng chứng khoán sẽ xác lập đỉnh mới trong tháng 8. Có năm yếu tố giúp xác thực kỳ vọng này.
Thứ nhất, diễn biến tài chính – kinh tế thế giới và trong nước sáng nhiều hơn tối. Nhiều dự đoán, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới đã xuống đến “đáy” – vấn đề nằm ở đáy dài hay ngắn để thoát “đáy”, vượt dốc, đi lên mà thôi. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã rơi xuống “đáy” vào quý 1, từ quý 2 đã có dấu hiệu thoát đáy, vượt dốc đi lên với nhiều biểu hiện. Tăng trưởng GDP quý 2 cao gấp rưỡi quý 1. Tăng trưởng công nghiệp tháng 7 đạt 7,6%, cao gấp ba lần quý 1. Tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sau khi trừ yếu tố tăng giá tiêu dùng bình quân so với cùng kỳ cao lên qua các tháng (tháng 1 tăng 4%, hai tháng tăng 5%, ba tháng tăng 6,6%, bốn tháng tăng 7,4%, năm tháng tăng 8,6%, sáu tháng tăng 8,8%, bảy tháng tăng 8,3%) và cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP. FDI đăng ký bảy tháng giảm so với cùng kỳ năm 2008 – năm kỷ lục – nhưng đã bằng hoặc lớn hơn mức cả năm từ năm 2005 trở về trước, riêng số thực hiện lớn hơn mức cả năm từ năm 2006 trở về trước. Vốn đầu tư gián tiếp đã chuyển trạng thái từ ra nhiều hơn vào trong năm trước sang vào nhiều hơn ra trong mấy tháng nay. Lạm phát bảy tháng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ (3,22% so với 19,78%). Nhập siêu thấp hơn nhiều so với cùng kỳ (3.378 triệu USD so với 15.198 triệu USD)...
Thứ hai, kết quả kinh doanh của các công ty niêm yết chưa được công bố hết, mặc dù còn có những nhân tố khách quan như hoàn nhập dự phòng, sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc cắt, giảm, hoãn thuế, cấp bù lãi suất vay vốn..., nhưng quý 2 đã cao hơn quý 1 và hầu hết đều đạt cao so với kế hoạch năm. Đây là yếu tố cơ bản, trực tiếp liên quan đến thị trường chứng khoán sơ cấp, bởi thị trường này có ổn định, phát triển thì mới làm cho thị trường chứng khoán thứ cấp ổn định, phát triển, phù hợp với mục tiêu huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế thông qua thị trường chứng khoán.
Thứ ba, một yếu tố quan trọng tác động đến chỉ số chứng khoán là dòng tiền. Sau 42 phiên giá trị giao dịch trên sàn HoSE liên tục đạt trên 1.000 tỉ đồng (trong đó có 12 phiên đạt trên 2.000 tỉ đồng), ngày 3.7, tiếp đến là các ngày 9.7, 15.7 và liên tục trong sáu phiên (từ 15.7 đến 24.7), giá trị giao dịch đạt dưới 1.000 tỉ đồng. Nhiều người lo ngại về tính thanh khoản khi tín dụng cho thị trường thắt chặt. Nhưng từ 27.7 đến nay, giá trị giao dịch đạt trên 1.000 tỉ đồng, trong đó có hai phiên đạt trên 2.000 tỉ đồng. Điều đó chứng tỏ dòng tiền vẫn ở lại thị trường, việc khớp lệnh của nhiều phiên không lớn do người bán sợ hớ nên không bán thấp, người mua không muốn mua cao...
Thứ tư, nhà đầu tư nước ngoài đã chuyển từ bán ròng sang mua ròng (tháng 6 bán ròng 103,7 tỉ đồng, tháng 7 mua ròng 1.797 tỉ đồng); số phiên mua ròng liên tục đã lên đến 27 phiên (ngày 24.7 bán nhiều hơn mua do không chen mua được vì nhà đầu tư nước ngoài thường ít khi mua giá trần); tỷ trọng trong toàn bộ thị trường đã tăng mạnh từ trên dưới 15% lên trên dưới 25%...
Thứ năm, số liệu lịch sử về diễn biến VN-Index gần đây có một số điểm đáng lưu ý.
VN-Index cuối tháng 7 đạt 466,76 điểm, tăng 4,12% so với phiên cuối tháng trước, và dường như đã hoàn thành đợt điều chỉnh sau khi đã rơi một mạch theo hình răng cưa với đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước từ 512,46 điểm xuống đáy 412,88 điểm trong nửa cuối tháng 7.
Hơn nữa, những lo ngại về dòng tiền đổ qua bất động sản dường như đã tan biến, khi gần đây liên tục có tin về việc giao dịch, giá bất động sản chựng lại. Giá tăng chủ yếu là do giá rao bán tăng, giao dịch thành ít. Đã có nhiều dự báo chứng khoán sẽ vượt 550 điểm vào cuối năm. Nếu dòng tiền tiếp tục đổ vào thị trường, khả năng VN-Index sớm vượt đỉnh cũ 512 ngay trong tháng 8 là hoàn toàn có thể.
Minh Anh
Sài Gòn Tiếp Thị
|