Kinh tế thế giới có thể rơi vào suy thoái kép
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu chưa thể kết thúc sớm, thế giới lại có nguy cơ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tín dụng khác.
Đó là nhận định không mấy lạc quan về triển vọng của nền kinh tế thế giới của Tiến sĩ Adrian Blundell-Wignall, Phó Giám đốc phụ trách các vấn đề tài chính và doanh nghiệp thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Trong cuộc trả lời phỏng vấn đài ABC cách đây hai năm, ông Wignall đã từng cảnh báo rằng thị trường tài sản lưu động có rất nhiều bong bóng lớn gây ra lạm phát giá trị tài sản. Nếu không xác định được nguyên nhân, những bong bóng này sẽ vỡ và gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Cuối cùng điều đó đã xảy ra.
Theo Tiến sĩ Wignall, cần bảo đảm các khoản tiền gửi ngân hàng và các quỹ tiền, loại bỏ những tài sản có tính thanh khoản thấp ra khỏi ngân hàng và tái huy động vốn cho ngân hàng. Tuy nhiên, nhiều nước trên thế giới đã bỏ qua khâu thứ hai.
Tại châu Âu, tình trạng các ngân hàng còn tồi tệ hơn với các khoản nợ gấp đôi so với Mỹ. Ông cho rằng các nỗ lực nhằm cứu trợ nền kinh tế thế giới thông qua những gói kích thích tài chính trên diện rộng và các khoản tiền hỗ trợ dành cho các ngân hàng sẽ không kéo dài.
Thêm vào đó, thị trường tài sản ở Trung Quốc cũng như thị trường trường chứng khoán và bất động sản ở một số nước châu Á hiện cũng đang có rất nhiều bong bóng.
Tiến sĩ Wignall nhận định rõ ràng thế giới đang có nguy cơ rơi vào tình trạng suy thoái kép. Kinh tế thế giới có thể xoay xở một cách khó khăn để vượt qua khủng hoảng, nhưng sẽ không đạt được mức tăng trưởng lành mạnh.
Theo nhận định của ông Nouriel Roubini, giáo sư kinh tế của Trường kinh doanh Stern thuộc Đại học New York (Mỹ) được đăng tải trên báo "Tiếng vang" (Pháp) ngày 18/8, kinh tế thế giới mặc dù bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, đạt kết quả khả quan trong thời gian qua, nhưng sự phục hồi vẫn chưa vững chắc. Những nguy cơ đối với các thị trường chứng khoán, nguyên liệu, tín dụng sau giai đoạn tăng nhanh vừa qua chưa hoàn toàn bị loại trừ.
Theo giáo sư Roubini, nhiều nhà kinh tế học hiện có chung nhận định rằng khủng hoảng đã chấm dứt, thế giới đang chuẩn bị tăng trưởng và không còn nguy cơ nào khiến nó trượt đốc trở lại, nhưng sự đồng thuận đó có thể chỉ viển vông.
Nhiều dấu hiệu tại Mỹ đã chứng tỏ điều đó, như thất nghiệp tiếp tục tăng, sức tiêu dùng và sản xuất công nghiệp giảm, thị trường bất động sản ốm yếu. Tình trạng tương tự ở nhiều nền kinh tế phát triển khác cũng cho thấy đáy khủng hoảng, mặc dù đã rất gần, song vẫn chưa chạm tới. Phần lớn các nền kinh tế mới nổi chưa tăng trưởng trở lại với kết quả ở mức thấp hơn nhiều so với tiềm năng.
Trong khi đó, mặc dù đánh giá nhiều nền kinh tế đã vượt qua được giai đoạn suy thoái xấu nhất và nâng mức dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm 2009 lên mức âm 1,4% so với mức dự báo âm 1,7% đưa ra tháng trước và tăng trưởng 2,7% năm 2010 so với mức dự báo 2,3%, song mạng phân tích thông tin kinh tế (EIU) thuộc tạp chí "Nhà kinh tế" (Anh) cảnh báo nền kinh tế toàn cầu vẫn còn yếu và vẫn có nguy cơ tiếp tục suy thoái.
Việc phải điều chỉnh lại quyết toán của các hộ gia đình và các thể chế tài chính ở nhiều nền kinh tế phát triển, đặc biệt là Mỹ, có thể lại dẫn đến sự rối loạn trong hệ thống tài chính. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế của các nước chủ yếu dựa vào xuất khẩu cũng đòi hỏi những điều chỉnh khó khăn.
Hơn nữa, ở nhiều nền kinh tế đang nổi, ảnh hưởng của sự điều chỉnh kinh tế mạnh mẽ dường như đè nặng lên nhu cầu nội địa sau khi nhu cầu xuất khẩu bắt đầu được củng cố. Tăng trưởng chậm cũng dẫn đến nhu cầu lao động thấp, do đó tình trạng thất nghiệp ở nhiều nước vẫn nghiêm trọng.
Ngoài ra, một lo ngại nữa là sự phục hồi kinh tế khó có được duy trì khi ảnh hưởng của các gói kích thích kinh tế vĩ mô phai nhạt. Trong khi đó, chính phủ các nước không thể duy trì liên tục các chương trình tốn kém này do ngày càng có nhiều tranh cãi xung quanh những rủi ro đối với ngân sách. Điều đó làm tăng khả năng kinh tế thế giới sẽ phục hồi theo hình chữ W.
VIETNAM+
|