Thứ Ba, 11/08/2009 14:11

Doanh nghiệp tăng vốn chờ gỡ khó!

Trong BCTC năm 2008 của các DN niêm yết có kế hoạch huy động vốn thông qua phát hành thêm, tỷ lệ BCTC có ý kiến kiểm toán “lưu ý, hạn chế, ngoại trừ”... không nhỏ khiến các DN này gặp khó khăn trong quá trình huy động vốn.

Lũy kế từ ngày 1/1 đến ngày 4/8/2009, lượng vốn huy động được thông qua phát hành thêm của các công ty đại chúng chỉ đạt vỏn vẹn 5.979 tỷ đồng. DN cần vốn để duy trì và mở rộng hoạt động, song đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn thông qua TTCK. Câu hỏi đặt ra là nên gỡ khó cho DN theo hướng nào?

Câu chuyện tăng vốn của Vinaconex đang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư, bởi nó gắn liền với việc DN phải nộp lại gần 800 tỷ đồng vốn thặng dư IPO. Nghị quyết ĐHCĐ Vinaconex đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 1.850 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng bằng cách chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1. Tuy nhiên, nếu chiểu theo những quy định hiện hành, việc tăng vốn bằng cách phát hành ra công chúng của DN này không dễ. Cụ thể, Thông tư 17/2007/TT-BTC yêu cầu: “Báo cáo tài chính (BCTC) năm phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập được chấp thuận. Ý kiến kiểm toán đối với các BCTC phải thể hiện chấp nhận toàn bộ. Trường hợp ý kiến kiểm toán là chấp nhận có ngoại trừ, thì khoản ngoại trừ phải là không trọng yếu và phải có tài liệu giải thích hợp lý về cơ sở cho việc ngoại trừ đó”, thì mới được phát hành tăng vốn.

Trên thực tế, Vinaconex có 80 đơn vị trực thuộc, trong đó có 35 CTCP; 17 công ty liên kết; 03 công ty liên doanh; 04 đơn vị hạch toán phụ thuộc; 11 ban quản lý, ban điều hành dự án trọng điểm; 04 văn phòng đại diện trong nước và nước ngoài; 06 đơn vị hành chính sự nghiệp.

Theo ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch HĐQT Vinaconex, do số lượng đơn vị trực thuộc nhiều, hơn nữa lại hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây lắp, nên việc thực hiện hợp nhất BCTC năm luôn gặp nhiều khó khăn. Việc tập hợp các chỉ tiêu như doanh thu, giá vốn là vô cùng phức tạp, bởi ảnh hưởng của việc xác định nghiệm thu khối lượng xây lắp hoàn thành liên quan đến nhiều bên (chủ đầu tư, tư vấn giám sát) và tập quán thanh toán, xác nhận không đúng thời hạn của ngành xây dựng.

Bên cạnh đó, việc ghi nhận các khoản mục hàng tồn kho, tiền mặt, đối chiếu công nợ của từng công ty con liên quan đến thời điểm thực hiện kiểm toán BCTC của công ty đó và do kiểm toán viên xác định, căn cứ vào thời điểm có mặt để thực hiện kiểm kê, đối chiếu với các chứng từ tại đơn vị này. Dù cố gắng chỉ đạo các công ty con trước khi kết thúc mỗi niên độ BCTC, nhưng do tính chất phức tạp như trên, Vinaconex không thể kiểm soát  toàn bộ hoạt động độc lập và kiểm toán BCTC của các công ty con. Đây là nguyên nhân khiến cho BCTC kiểm toán hợp nhất năm toàn Tổng công ty còn tồn tại những điểm ngoại trừ. Trước khó khăn như vậy, Vinaconex đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính và UBCK, đề nghị các cơ quan này có giải pháp hỗ trợ.

Một DN có trụ sở tại Hà Nội cũng đã nộp hồ sơ lên UBCK xin phát hành trái phiếu chuyển đổi cho cổ đông hiện hữu từ đầu tháng 7 nhằm mục đích tăng vốn điều lệ lên hơn 100 tỷ đồng. DN này có một xí nghiệp may gia công tại Hải Phòng, nguyên liệu đầu vào do đối tác cung cấp, DN chỉ thu phần phí gia công. Cuối năm ngoái, do thị trường khó khăn, lượng hàng tồn kho nhiều, trong BCTC kiểm toán đã nêu lưu ý về hạng mục này. Doanh thu của xí nghiệp may này chỉ chiếm 0,56% doanh thu toàn công ty, hơn nữa do DN chỉ thực hiện gia công, nên việc hàng tồn kho hay không, không ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Tuy nhiên, UBCK đã yêu cầu DN này giải trình và hiện hồ sơ xin phát hành vẫn chờ được phê duyệt.

Điểm lại một loạt BCTC năm 2008 của các DN niêm yết có kế hoạch huy động vốn thông qua phát hành thêm, tỷ lệ BCTC có ý kiến kiểm toán “lưu ý, hạn chế, ngoại trừ”... không nhỏ. Những DN này có gặp khó khăn trong quá trình huy động vốn?

Trao đổi với ĐTCK về những vướng mắc trên, một quan chức UBCK cho hay, việc chào bán chứng khoán ra công chúng phải tuân theo những quy định xét duyệt và cấp phép nghiêm ngặt, trong đó có quy định về BCTC kiểm toán năm. Quy định cụ thể đã được Bộ Tài chính ban hành, UBCK chỉ xem xét căn cứ trên BCTC. Với những trường hợp BCTC mà kiểm toán không chấp nhận toàn bộ, Ủy ban đều có công văn đề nghị các DN giải trình rõ phạm vi và mức độ ảnh hưởng của những điểm lưu ý, hạn chế, ngoại trừ đến kết quả kinh doanh của DN (có xác nhận của kiểm toán). Trong nhiều trường hợp, cùng một hiện tượng, ý kiến của các công ty kiểm toán không hẳn thống nhất, với những trường hợp đó UBCK đều chiếu theo Chuẩn mực 700 Chế độ kế toán Việt Nam để xem xét. Nhiều DN, sau khi có giải trình thỏa đáng đã được cấp phép phát hành. Riêng trường hợp của Vinaconex, UBCK đã báo cáo cơ quan cấp trên.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn Tài chính Kế toán và Kiểm toán (AASC) cho biết, những vướng mắc như vậy cần sự phối hợp chặt chẽ giữa DN và kiểm toán.

Đơn cử như trường hợp của CTCP Xi măng Bỉm Sơn (BCC) trước đây. Do tại thời điểm 30/4/2006, AASC chưa được chỉ định làm kiểm toán cho BCC, nên kiểm toán viên không thể tham gia chứng kiến kiểm kê tài sản cố định, hàng tồn kho tại thời điểm này và cũng do không áp dụng các thủ tục thay thế khác, nên AASC đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với khoản mục tài sản cố định, hàng tồn kho trên BCTC tại thời điểm 30/4/2006. Sau khi kiểm tra các phát sinh tăng, giảm của hai khoản mục trên và nhận thấy không có sai sót phải điều chỉnh liên quan, AASC kết luận: “Có thể chấp nhận khoản mục tài sản cố định và hàng tồn kho trên BCTC tại thời điểm 30/4/2006 của BCC là trung thực, hợp lý”. Sau khi có bản giải trình này, UBCK đã cấp phép chào bán chứng khoán cho BCC.

Huy động vốn cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN là chức năng quan trọng của TTCK, việc kiểm soát chặt khâu cấp phép để tránh tái diễn tình trạng lợi dụng TTCK tăng vốn tràn lan, pha loãng như năm 2007 là cần thiết. Song với những trường hợp không thỏa mãn quy định vì lý do khách quan, nên chăng cần mở một lối đi cho DN, cũng là để tránh thiệt thòi cho những NĐT đồng hành cùng công ty.

Anh Việt

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   4 quỹ niêm yết tại HOSE lãi lớn trong tuần từ 30/7 đến 6/8 (11/08/2009)

>   Giá cổ phiếu bất động sản tăng mạnh (11/08/2009)

>   S91, S96 chốt danh sách trả cổ tức năm 2008 (11/08/2009)

>   Tổng Công ty Sông Đà muốn nắm giữ 50% cổ phần tại RHC (11/08/2009)

>   Cổ phiếu của Casumina “sốt” giá ngày chào sàn (11/08/2009)

>   NHC chốt danh sách trả cổ tức 18% nửa năm 2009 (11/08/2009)

>   Ngày 14/8, TCM, LBM, COM niêm yết thêm hơn 12.605 triệu CP (10/08/2009)

>   PVS chính thức sở hữu Cảng Hòn La (11/08/2009)

>   VNM: Cam kết 100% từ sữa tươi nguyên chất (11/08/2009)

>   Vietcombank công bố báo cáo bạch niêm yết (26/06/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật