Nhà đầu tư ngoại:
Đã sẵn sàng chấp nhận mức độ mạo hiểm cao?
Liên tiếp những phiên gần đây, NĐTNN luôn giữ vị thế mua ròng. Chưa có giải thích nào thỏa đáng về việc tại sao trong bối cảnh các NĐT nội luôn "nhấp nhổm" mua khi thị trường xuống, bán ngay khi thị trường (TT) lên, thì khối ngoại lại hành động như vậy.
Xét về khía cạnh nhìn nhận, đánh giá nền kinh tế và cơ hội đầu tư, thì đã có giai đoạn "thất bại" của các tổ chức/các quỹ đầu tư trong nước khi họ đứng yên, thậm chí còn tham gia dìm giá CK để cho các NĐT ngoại chỉ với một số vốn ít hơn nhiều tranh thủ mua được hàng giá rẻ mà không phải đối đầu trong một cuộc cạnh tranh về giá. Niềm tin vào chính sách, vào sự phát triển kinh tế của VN trong thời gian tới của khối ngoại lớn hơn. Có thể thấy NĐTNN hiểu triển vọng kinh tế Việt Nam hơn là các NĐT nội.
Các NĐT ngoại cũng đang "hoá cáo" và học theo ngón nghề của NĐT nội là lấy ngắn nuôi dài, từ chuyên chơi kiểu "mua và nắm giữ" là chủ yếu thì nay cũng mạnh tay lướt sóng với cơ số tiền lớn hơn trước rất nhiều và đi kèm với lướt sóng là quá trình tái cơ cấu danh mục đầu tư diễn ra mạnh mẽ. Điều này có thể làm cho TT có những diễn biến khó lường bởi nguồn vốn đầu tư lướt sóng chiếm tỉ trọng cao trong doanh số giao dịch mỗi ngày.
Tuy nhiên điều lạ là trong suốt từ tháng 7 đến nay, các NĐT ngoại lại kiên nhẫn "xếp hàng" lên tàu bất chấp có những lúc sóng lên hay xuống. Vậy tiền ở đâu ra? Ở sẵn trong nước hay do chuyển thêm từ nước ngoài vào? TT không hề biết, TT chỉ biết mức độ và quy mô khi NĐT ngoại đã chất lên tàu một số tiền lớn nhiều ngàn tỉ đồng.
Báo chí đến cuối tháng 7.2009 mới đưa tin NĐT ngoại trong quý II/2009 đã chuyển vào Việt Nam từ 100 triệu đến 120 triệu USD. Sự chậm trễ thông tin này là không đáng có/không cần thiết (dù là với lý do bí mật để thuận tiện cho chính sách quản lý ngoại hối đi chăng nữa) vì không có lợi chung cho cả TT.
Thống kê mới công bố gần đây quý I/2009 trong thời điểm VNi và TTCK thế giới đi xuống, dưới áp lực của cổ đông, của Cty mẹ..., khối ngoại đã chuyển ra khỏi VN 500 triệu USD. Tại thời điểm đó muốn thu tiền thì khối ngoại buộc phải bán "hàng chất lượng cao" (CK của các DN thuộc hàng top của VN và bán trái phiếu), còn những CK OTC mua giá cao vào thời điểm 2006 - 2008 thì chắc họ vẫn còn phải "ôm", chưa nhả được.
Nay khi nền kinh tế thế giới trong đó có Việt Nam đang có dấu hiệu vượt qua điểm đáy thì TTCK sẽ khởi sắc là điều tất nhiên. Và thế là khối ngoại lại bắt đầu tìm kiếm cơ hội để bù cho những tổn thất trước đó.
Với quan điểm đầu tư: Không bao giờ "bỏ trứng vào cùng một giỏ"... nên nguồn lực của NĐT ngoại được phân bổ vào: CP niêm yết, OTC, trái phiếu, tiền mặt... Tuỳ thuộc vào diễn biến của tình hình TT mà tỉ lệ phân bổ nguồn lực này nhiều ít khác nhau theo từng thời kỳ.
Đánh giá hành động mua ròng của khối ngoại liên tục hơn 1 tháng qua có những khả năng mua mục đích chính là tích luỹ, lướt sóng là phụ, nhưng nếu TT tăng nóng vẫn sẵn sàng bán ra kiếm lời và sau đó mua lại với giá thấp hơn nên chỉ tập trung mua một số mã CK nhất định.
Việc mua ròng này là để bù lại sự thiếu hụt trong danh mục đầu tư của họ (mà trước đây phải bán ra để có tiền). Cho nên khả năng lượng CK mua ròng vừa qua được dùng lướt sóng sau này sẽ không nhiều. Điều này có thể kiểm chứng về độ dài cũng như quy mô bán ròng sau này của khối ngoại chắc chắn sẽ không bằng đợt mua ròng mới đây. Việc xả hàng ồ ạt của khối ngoại sẽ ít có khả năng xảy ra.
Một điều không chắc chắn, nhưng rất có thể đã có một lớp NĐT ngoại mới tham gia thị trường. Đặc thù của lớp NĐT ngoại mới là linh hoạt trong giao dịch, mua nhanh, bán nhanh. Họ có vẻ đã sẵn sàng chấp nhận mức độ mạo hiểm cao hơn trong một môi trường đầu tư mà theo họ ngày càng có vẻ nhìn nhận rõ hơn. Khối ngoại đã tranh thủ giải ngân vào TT niêm yết tập trung vào những CP bluechips (đặc biệt là các mã CP tài chính).
Mặt khác, trong quá trình mua ròng này ta thấy khối ngoại thường bán ròng trái phiếu song hành với mua ròng CP. Nghĩa là họ đang chuyển dần từ việc nắm giữ tài sản tuy an toàn nhưng mức sinh lợi thấp (trái phiếu) sang tài sản rủi ro hơn (cổ phiếu), nhưng lại có khả năng sinh lợi cao hơn rất nhiều.
Điều này cho thấy khối ngoại đã nhìn nhận nền kinh tế VN hiện đang thoát dần ra khỏi khủng hoảng, các Cty niêm yết đang ngày càng đỡ rủi ro phá sản... cho nên mạo hiểm đầu tư ngay từ bây giờ để có một lợi ích cao về sau là một việc đáng làm.
Thanh Hoa-Trường Giang
Lao Động
|