Thứ Sáu, 14/08/2009 21:41

Cổ phần hóa bệnh viện công đi vào ngõ cụt

Những tưởng cổ phần hóa bệnh viện là con đường tất yếu và cần thiết phải đi. Thế nhưng, tới thời điểm này, cổ phần hóa vẫn không phải là phương án dễ được xã hội chấp nhận để nâng “chất” bệnh viện công.

Bài học từ việc cổ phần hóa Bệnh viện Bình Dân ở TP.HCM là một minh chứng hết sức rõ nét cho việc có nên cổ phần hóa bệnh viện công hay không. Từng được kỳ vọng, tốn rất nhiều giấy mực của báo chí để tranh cãi quanh việc cổ phần hóa, cuối cùng dự án thí điểm cổ phần hóa bệnh viện Bình Dân đã nhanh chóng bị xếp lại và “gây đổ” dây chuyền hàng loạt dự án khác.

Vì sao thất bại

Thời điểm Sở Y tế TP.HCM trình dự án cổ phần hóa Bệnh viện Bình Dân và được UBND TP “bật đèn xanh” thì bệnh viện này đã là một thương hiệu khá nổi tiếng trong ngành. Đây là bệnh viện ngoại khoa đầu ngành có nhiều giáo sư, bác sĩ nổi danh trong cả nước với đội ngũ y bác sĩ lên tới hơn 600 người. Tuy nhiên, đội ngũ nhân lực hùng hậu này chưa đủ làm nên một bệnh viện tầm cỡ chỉ vì cơ sở vật chất, trang thiết bị còn yếu kém, theo như giải thích của Sở Y tế thời điểm đó. Vì vậy, cổ phần hóa để thu hút vốn đầu tư là việc được Sở Y tế TP cho là việc “cấp bách, nếu không sẽ tụt hậu”.

Cổ phần hóa không phải là con đường duy nhất để bệnh viện công “lột xác”

Tuy nhiên, sự kỳ vọng này nhanh chóng bị dập tắt bởi phản ứng rất mạnh của dư luận xã hội, trí thức trong và ngoài nước. Lý do được nhắc tới nhiều nhất là quyền lợi của người dân. Tiến sĩ Trần Du Lịch đã đăng đàn phát biểu: “Không để ngành y tế thành đối tượng kinh doanh siêu lợi nhuận. Nếu Nhà nước để như vậy là có lỗi với dân”. Từ các nước Úc, CHLB Đức, Hoa Kỳ, Canada… nhiều trí thức đầu ngành cũng đồng loạt lên tiếng phản ứng và dẫn chứng: Ngay cả các nước tiên tiến cũng không cổ phần hóa bệnh viện công, nơi thể hiện vai trò của chính phủ trong việc điều tiết các lợi ích xã hội mà toàn dân được hưởng.

Một nguyên nhân quan trọng khác khiến dư luận bất bình là nếu Bệnh viện Bình Dân được cổ phần hóa sẽ thất thoát rất nhiều tài sản của Nhà nước. Theo đề án đưa ra lúc đó, giá trị bệnh viện được tính tổng cộng hơn 136 tỷ đồng, một con số quá nhỏ bé nếu so với giá trị hàng ngàn tỷ đồng của toàn bộ diện tích đất sử dụng gần 14 ngàn m2 của bệnh viện này tại mặt tiền đường Điện Biên Phủ. Khi định giá, giá trị của khu đất được tính bằng không. Chưa kể đến khu điều trị kỹ thuật cao được đầu tư gần 85 tỷ đồng mới được đưa vào sử dụng gần 1 năm bỗng dưng trở thành khoản nợ hơn 20 tỷ đồng của Bệnh viện. Đó là chưa tính tới những tài sản vô hình là đội ngũ y bác sĩ tại đây cũng như giá trị thương hiệu đều là tài sản vô giá song bộ phận xây dựng đề án cũng định giá bằng không. Như thế, nếu việc cổ phần hóa Bệnh viện Bình Dân được thực hiện, chưa biết dịch vụ y tế tốt hơn tới mức nào nhưng chắc chắn người dân sẽ phải chịu chi phí cao hơn, Nhà nước thì thất thoát tài sản và chỉ một số ít cá nhân được hưởng lợi.

Kết quả, đề án cổ phần hóa của bệnh viện này đã nhanh chóng bị đình chỉ. Một số bệnh viện khác đã lên kế hoạch cổ phần hóa sau Bình Dân như Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Nhân dân Gia định, Bệnh viện 115… cũng ngừng kế hoạch cổ phần hóa để quay sang tìm nguồn vốn khác để đầu tư.

Công ra công, tư ra tư

Không thể nhập nhèm giữa bệnh viện công và bệnh viện tư. Tinh thần này đã được Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng quán triệt sau thất bại của việc “thí điểm” cổ phần hóa bệnh viện. Ông nhấn mạnh: “Không cổ phần hóa bệnh viện công hay chuyển đổi cơ sở công sang tư”. Tuy nhiên, Chính phủ cũng cho phép bệnh viện được thu đủ viện phí, tạo sự cạnh tranh giữa bệnh viện công, tư nhân và nước ngoài.

Sự rõ ràng giữa các loại hình là hết sức cần thiết để đảm bảo quyền lợi của người dân cũng như lợi ích của Nhà nước. Trước đây, với mô hình liên doanh liên kết, Sở Y tế TP.HCM đã cho phép Bệnh viện Nhân Dân Gia Định hợp tác với nước ngoài lập phòng khám Columbia Gia Định. Thế nhưng chỉ sau hai năm thông báo lỗ, Bệnh viện Nhân Dân Gia Định đã tự rút lui khiến ngành Y tế Thành phố mất trắng 1.200m2 đất ở vị trí hai mặt tiền.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế cũng như ngành y, cổ phần hóa không phải là con đường duy nhất để bệnh viện công “lột xác” và mấu chốt là có được sự minh bạch cần thiết hay không. Sự ra đời và hoạt động của Bệnh viện Tâm Đức là một ví dụ. Tâm Đức được coi là một viện tim thứ hai, hoạt động độc lập, thu viện phí tương ứng với chất lượng và dịch vụ cao. Bệnh viện này được hình thành với đội ngũ cốt cán là bác sĩ giỏi của Viện Tim - đơn vị nắm giữ phần lớn cổ phần của Tâm Đức. Các chuyên gia cho rằng, nếu như lãnh đạo Sở Y tế và lãnh đạo Bệnh viện Bình Dân xin cho ra đời một bệnh viện Bình Dân 2 theo như mô hình của Tâm Đức có lẽ sẽ nhận được sự đồng thuận cao hơn rất nhiều.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng đã từng chỉ đạo: “Bệnh viện công có thể liên kết rộng để có kinh phí nâng cấp trang thiết bị, có thể mở thêm cơ sở điều trị mới. Với những cơ sở này, bệnh viện có thể định giá viện phí phù hợp, đúng, đủ...”. Theo Phó Thủ tướng thì khi đó lương của bác sĩ bệnh viện nhà nước hoàn toàn có thể lên tới 100 triệu đồng/tháng.

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu y khoa Garvan - Sydney, Úc cho biết: Kinh nghiệm từ các nước khác và trong vùng cho thấy, chất lượng chăm sóc sức khỏe từ bệnh viện tư vì lợi nhuận thấp hơn các bệnh viện công và bệnh viện tư không vì lợi nhuận. Tất nhiên, bệnh nhân ở các bệnh viện công thường là những bệnh nhân nặng và có nhu cầu y tế cao hơn các bệnh nhân ở bệnh viện tư. Dựa vào các kinh nghiệm này, có thể nói rằng tư hữu hóa bệnh viện công khó có thể nâng cao chất lượng y tế cho bệnh nhân.

Một nghiên cứu trên 16,9 triệu bệnh nhân nhập viện từ năm 1984-1993 cho thấy, bệnh nhân từ các bệnh viện công và bệnh viện tư từ thiện có số ngày nằm viện lâu hơn và tỉ lệ tử vong thấp hơn các bệnh viện tư kinh doanh lấy lời.

Các nhà nghiên cứu ở Thái Lan đã tìm hiểu và so sánh sự hài lòng của bệnh nhân giữa các bệnh viện công và tư. Kết quả cho thấy bệnh nhân đánh giá cao các bệnh viện tư không lấy lời, kế đến là các bệnh viện công, và sau cùng là các bệnh viện tư kinh doanh lấy lời. Chỉ có 55% bệnh nhân bệnh viện tư vì lợi nhuận cho biết họ sẽ sử dụng dịch vụ một lần nữa, so với tỉ lệ 62% ở bệnh viện công và 68% ở bệnh viện tư không vì lợi nhuận.

Lê Thanh

DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP

Các tin tức khác

>   Chấp thuận nguyên tắc niêm yết cp của CTCP Ô tô Giải Phóng (14/08/2009)

>   UPCoM-Index giữ được màu xanh nhờ TAS (14/08/2009)

>   CTCK Đại Nam thay đổi sở hữu trên 10% vốn điều lệ (14/08/2009)

>   Giới thiệu cổ phiếu DNT của CTCP Du lịch Đồng Nai trên UPCoM (14/08/2009)

>   Sico đạt 5,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (14/08/2009)

>   Thêm 2 Cty được HOSE chấp thuận niêm yết về nguyên tắc (14/08/2009)

>   Vidipha hoàn thành 56% kế hoạch lợi nhuận trước thuế (14/08/2009)

>   “Chuyển chợ” OTC (14/08/2009)

>   DaiABank lãi 16,353 tỷ đồng (14/08/2009)

>   Các công ty đại chúng phải cung cấp số liệu (14/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật