Thứ Năm, 06/08/2009 15:31

Chứng khoán Việt Nam sẽ bứt phá hay ì ạch?

Trong nửa đầu năm nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua nhiều biến động.  VN-Index tăng 43%, xếp thứ 9 trong số các thị trường tăng mạnh nhất thế giới. Lượng vốn huy động trên thị trường trong thời gian này đạt trên 5.300 tỷ, gần bằng 20% so với lượng vốn huy động của năm 2008 (khoảng 29.000 tỷ).

Sự phục hồi của thị trường không chỉ được hỗ trợ bởi niềm tin của nhà đầu tư mà còn được hỗ trợ bởi cải thiện của nền kinh tế. Tuy nhiên, các tác động nhiều chiều của sự kỳ vọng với nền kinh tế trong nước và toàn cầu có thể ảnh hưởng phức tạp đến biến động của thị trường chứng khoán. Chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục bứt phá hay ì ạch, gian nan phấn đấu về mốc thời hoàng kim (VN-Index từng đạt trên 1.000 điểm)

Hồi phục nhờ thông tin kinh tế tích cực

Đầu năm 2009, nhiều chuyên gia kinh tế trong nước đưa ra nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam đang phải chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu nên sự phục hồi chỉ có thể diễn ra vào giai đoạn cuối của năm 2009. Trên thực tế thị trường liên tục bị kéo xuống và chạm đáy vào cuối tháng 2 với chỉ số VNIndex và HNXIndex lần lượt là 235,5 và 78 điểm.

Tuy nhiên, gói kích cầu của chính phủ được triển khai một cách mạnh mẽ cộng với thanh khoản thị trường tốt đã làm cả 2 chỉ số đều tăng bật trở lại trong vài tháng qua. Vào ngày 9/6 VN-Index đã đạt đỉnh 512 điểm, tăng 117% kể từ điểm đáy.

Theo nhận định của các chuyên gia, sự phục hồi của thị trường chứng khoán Việt Nam trong vài tháng qua đi cùng chiều với xu hướng đi lên của các thị trường trên thế giới. Trong quý II/2009, các chỉ số thị trường tăng ấn tượng là Dow Jones tăng 11%, trong khi Chỉ số chứng khoán Châu Á MSCI tăng 21,8% phần nào cho thấy sự kỳ vọng vào khả năng phục hồi kinh tế thế giới của giới đầu tư.

Với những tín hiệu tích cực từ các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, các dự báo gần đây đều cho rằng thị trường chứng khoán thế giới còn tạo ra những bất ngờ mới trong nửa cuối năm 2009 với mức tăng trưởng dương (so với năm 2008) của hầu hết các chỉ số sàn.

Bên cạnh đó, một điểm đáng chú ý của sự phục hồi thị trường chứng khoán theo phân tích của VAFI là đóng góp của dòng vốn gián tiếp nước ngoài. Từ quí II/2009, dòng vốn này đã quay trở lại, mặc dù số vốn bơm vào thị trường hàng ngày chưa đạt được đỉnh cao của một số thời điểm năm 2007 (khoảng 200 tỷ đồng/ngày), nhưng với nguồn vốn mới khoảng trên dưới 150 tỷ đồng/ngày giao dịch đã là khả quan trong bối cảnh thị trường thế giới thế giới vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Khó tăng mạnh trong ngắn hạn

Đánh giá của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về hoạt động của thị trường từ đầu năm đến nay đã chỉ ra việc thị trường tăng trưởng liên tục trong thời gian ngắn vừa qua cũng tiềm ẩn rủi ro cần theo dõi chặt chẽ.

Với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị hoàn thành các đề án, dự án quan trọng, soạn thảo các văn bản hướng dẫn trình Bộ ban hành để thu hẹp thị trường tự do, tăng cường hoạt động quản lý giám sát, kịp thời điều chỉnh các lĩnh vực mới phát sinh tiếp tục nghiên cứu tái cấu trúc thị trường, chuyển đổi Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội thành Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán thành Công ty TNHH một thành viên, xây dựng và hoàn thiện các loại thị trường như thị trường cho công ty đại chúng chưa niêm yết (Upcom), thị trường trái phiếu chuyên biệt.

Tuy nhiên theo đánh giá của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong hệ thống văn bản pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán còn nhiều hạn chế, chưa ổn định và hoàn thiện. Một số văn bản đang được sửa đổi như Luật Chứng khoán, Nghị định 14/2007/NĐ-CP, các văn bản hướng dẫn; Một số văn bản đang được xây dựng mới như Quy chế thâu tóm và sáp nhập, Quy chế chào bán và niêm yết cổ phiếu ra nước ngoài; các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán; bên cạnh đó nhiều vấn đề mới, phức tạp phát sinh từ thực tế đòi hỏi phải có cơ chế chính sách điều chỉnh cụ thể như vấn đề sự tham gia của bên nước ngoài vào thị trường chứng khoán, vấn đề giao dịch các chứng khoán phái sinh.

Trước biến động của thị trường trong thời gian qua, nhiều nhà đầu tư thắc mắc, liệu thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn này có tăng một cách ngoài tầm kiểm soát không?

Với câu hỏi này, bà Vũ Thị Kim Liên, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định Ủy ban sẽ cố gắng kiểm soát sự minh bạch của các chủ thể tham gia thị trường, ngăn ngừa những giao dịch không công bằng và cảnh báo nhà đầu tư về những rủi ro có thể gặp phải khi tham gia thị trường.

Trong những phân tích và nhận định mới đây, ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC) cho rằng thị trường chứng khoán khó có khả năng quay trở lại giai đoạn sa sút kéo dài gần 2 năm qua do  nền kinh tế không quá xấu và lợi nhuận năm nay của các công ty niêm yết chỉ giảm nhẹ. Một thị trường xuống giá phải có các tin tức xấu để bị giảm điểm thêm. Và với việc nền kinh tế được dự kiến sẽ khả quan hơn về lợi nhuận của các công ty niêm yết trong năm nay, thì các tin tức xấu có vẻ không còn nhiều.

Xét về khía cạnh cung cầu, áp lực bán trong dài hạn dường như đang đi đến hồi kết, ít nhất là trên thị trường niêm yết. Nhiều quỹ đầu tư trong nước đang ở vị thế nhiều tiền mặt và một lượng tiền khá lớn trên thị trường vàng có thể chảy sang chứng khoán. "Chúng tôi cũng chứng kiến mối quan tâm tăng lên từ những nhà đầu tư mới đang tìm cơ hội đặt chân vào thị trường chứng khoán", ông Johan Nyvene chia sẻ.

Theo mô hình phân tích kỹ thuật của HSC, VN-Index sẽ dịch chuyển trong biên độ từ 400 điểm đến 450 điểm từ nay đến cuối năm.

Đã có những nhận định lạc quan về sức bật của TTCK Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2009 và sang năm 2010 khi kinh tế thế giới chuyển sang chu kỳ hồi phục. Dẫu xu hướng dài hạn vẫn thể hiện sự lạc quan nhất định nhưng thị trường đang ở giai đoạn “hưng phấn” xét trên phương diện định giá và sự phục hồi ngoạn mục của thị trường có thể sẽ không kéo dài quá lâu.

Hầu hết các chuyên gia cho rằng sẽ khó có tăng mạnh của thị trường chứng khoán, do khả năng hồi phục nhanh chóng của kinh tế và thị trường tài chính thế giới ở mức thấp. Nhiều chuyên gia cho rằng, tiêu dùng trong nước sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng hơn là xuất khẩu hay vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm nay. Việc nền kinh tế lớn như Mỹ phải tiếp tục xử lý các rủi ro mới với tình trạng thất nghiệp gia tăng trong khi người tiêu dùng lại có xu thế tăng tiết kiệm thay vì tăng chi tiêu mặc dù thu nhập khả dụng tăng nhờ các biện pháp kích cầu.

TTXVN/Vietnam+

Các tin tức khác

>   CBV lập chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam (06/08/2009)

>   ABT đạt lãi Tháng 7 tăng gấp rưỡi bình quân 6 tháng (06/08/2009)

>   Lợi nhuận của Hoa Sen tiếp tục tăng 15.6% so tháng 6 (06/08/2009)

>   Công ty chứng khoán “đổi ngôi” nhờ công nghệ (06/08/2009)

>   “Trong nửa đầu tháng 8, xu hướng chính vẫn là tăng điểm” (06/08/2009)

>   Vinaconex tăng vốn mới trả được thặng dư (06/08/2009)

>   NBP: Báo cáo tài chính tóm tắt quý II năm 2009 (06/08/2009)

>   IFS có nguy cơ bị phạt và ngừng hoạt động (06/08/2009)

>   Bán dự án bất động sản để lấy vốn (06/08/2009)

>   PAC: Giải trình kết quả kinh doanh quý 2/2009 (05/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật