Cho phép 3 Tập đoàn chi phối tổng công suất nguồn điện
Ba Tập đoàn gồm Điện lực Việt Nam (EVN), Dầu khí Việt Nam (PVN) và Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV) được chiếm tỷ trọng lớn, chi phối tổng công suất nguồn điện. Thủ tướng vừa có ý kiến kết luận về Đề án tái cơ cấu ngành điện.
Văn phòng Chính phủ vừa ra thông báo số 232/TB-VPCP truyền đạt ý kiến của Thủ tướng kết luận về Đề án tái cơ cấu ngành điện cho phát triển thị trường điện Việt Nam.
Đề án này là do Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo và đã trình Chính phủ từ tháng 12/2008. Đây cũng là bước chuẩn bị quan trọng cho việc hình thành thị trường điện cạnh tranh hoàn chỉnh ở Việt Nam vào năm 2024.
Thủ tướng đã có chỉ đạo cụ thể về 3 nhóm vấn đề chính bao gồm: các dự án nguồn điện, giá điện và việc tái cơ cấu EVN.
Trong đó, về việc tái cơ cấu EVN, EVN sẽ tách thành 5 Tổng công ty điện lực trên toàn quốc.
Cụ thể, Thủ tướng giao EVN xây dựng đề án tổ chức lại các đơn vị phát điện thành các công ty phát điện độc lập, chú ý qui mô, năng lực tài chính, trình Thủ tướng quyết định trong quí I/2010.
EVN xây dựng, trình Thủ tướng trong quý III năm nay Đề án thành lập các tổng công ty điện lực (phân phối điện) bao gồm Tổng công ty điện lực miền Bắc, miền Trung, miền Nam, Hà Nội, TP. HCM hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty con. 5 Tổng công ty này thành lập trên cơ sở tổ chức lại các Công ty Điện lực 1, 2, 3, Hà Nội, TP. HCM và các công ty điện lực tỉnh- công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đang trực thuộc EVN.
Về nguồn điện, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương rà soát việc thực hiện các dự án nguồn điện theo Quy hoạch điện VI. Đối với các dự án mà chủ đầu tư không có khả năng triển khai thì giao cho chủ đầu tư khác thực hiện.
Các dự án chưa có chủ đầu tư thì khẩn trương tìm chủ đầu tư để thực hiện đảm bảo tiến độ đã được quy định, trong đó, ưu tiên các chủ đầu tư là EVN, PVN và TKV.
Liên quan đến 3 Tập đoàn này, Thủ tướng đã có ý kiến, việc tái cơ cấu ngành điện phải đáp ứng yêu cầu từng bước thực hiện cơ chế thị trường đối với ngành điện, trong đó, giá bán điện phải tạo điều kiện thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào ngành điện, các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục giữ vai trò chủ đạo. Các Tập đoàn gồm EVN, PVN và TKV cần chiếm tỷ trọng lớn, chi phối tổng công suất nguồn điện.
Về vấn đề giá điện, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT xây dựng cơ chế điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường bảo đảm các đối tượng tham gia đầu tư, kinh doanh điện bù đắp được chi phí đầu tư và có lãi hợp lý.
Cơ chế này chỉ thực hiện bù giá cho các hộ ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, các hộ nghèo và một số đối tượng đặc biệt khác.
Đồng thời, để khắc phục những vướng mắc khi đám phán giá mua bán điện giữa các nhà đầu tư và EVN, Bộ Công Thương sẽ lập Tổ đàm phán giá mua điện cho EVN với các chủ đầu tư bên ngoài.
Việc đàm phán giá mua bán điện này sẽ trên cơ sở suất đầu tư cho từng loại công nghệ sản xuất điện, đảm bảo lợi nhuận hợp lý, minh bạch, hài hoà lợi ích các bên.
Tựu chung lại, việc tái cơ cấu ngành điện sẽ phải đảm bảo các tiêu chí cung cấp đủ điện, an toàn, có chất lượng cao và việc hình thành và phát triển thị trường điện phải tiến hành từng bước, chặt chẽ và vững chắc.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương ban hành Quy chế điều độ hệ thống điện quốc gia, trong đó, qui định rõ chế tài xử lý nếu như các đơn vị không tuân thủ qui định khi tham gia thị trường điện.
Vietnamnet
|