“Chợ” OTC: dẹp chỗ này, mọc nơi khác
Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã yêu cầu dừng các điểm giao dịch chứng khoán tự phát nhưng đến nay sau hai tháng vẫn có nơi hoạt động nhộn nhịp... Sau một thời gian dài tồn tại, “chợ” cổ phiếu OTC nằm trong khuôn viên Công ty chứng khoán Đông Dương đã dời đến nơi khác. Điểm mới nằm trong khuôn viên Công ty chứng khoán VNDirect (Q.1, TP.HCM), tại đây mỗi ngày luôn có vài chục môi giới đến giao dịch cổ phiếu OTC.
Anh V. - một môi giới kỳ cựu tại OTC - cho biết giao dịch tại đây vẫn là cổ phiếu MB (Ngân hàng Quân đội). Bên mua lẫn người bán không gọi tên cổ phiếu, nhưng các môi giới đều biết đó là MB. Với cổ phiếu EIB (Eximbank) hay EAB (DongAbank)..., môi giới chỉ trao đổi riêng với nhau. “Tại đây còn có nhiều hình thức giao dịch khác như qua đêm, mua bán kỳ hạn...” - anh V. nói.
Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước Nguyễn Đoan Hùng cho biết đã có văn bản nhắc nhở Công ty chứng khoán VNDirect không để “chợ” cổ phiếu OTC hoạt động trong khuôn viên của đơn vị này. Sau khi Ủy ban Chứng khoán tổ chức thị trường UPCoM - thị trường có tổ chức giao dịch các cổ phiếu chưa niêm yết - thì những điểm tự phát giao dịch cổ phiếu chưa niêm yết (còn gọi là OTC) không còn được khuyến khích.
Bên cạnh đó, gần đây đã xảy ra những vụ “lật kèo” tại OTC, có khi đến hàng chục tỉ đồng, gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Chính việc áp dụng các giao dịch phái sinh chứng khoán (mua bán kỳ hạn, quyền lựa chọn…) đã dẫn đến những vụ lật kèo này. Một số môi giới đánh giá xuống đã “bỏ của chạy lấy người” khi giá cổ phiếu tăng.
Một lãnh đạo Công ty chứng khoán Đông Dương - nơi “chợ” OTC từng hoạt động - thừa nhận sau những vụ lật kèo, cùng khuyến cáo của Ủy ban Chứng khoán nhà nước, đơn vị này đã kiên quyết đóng cửa “chợ” OTC. Còn một lãnh đạo Công ty chứng khoán VNDirect - nơi họp mới của “chợ” OTC - lại cho rằng đơn vị này không tổ chức nên cũng không thể dẹp “chợ” OTC này.
Ông Nguyễn Đoan Hùng khẳng định sẽ mạnh tay chấn chỉnh thị trường OTC. “Các công ty đại chúng nếu chưa có kế hoạch niêm yết thì giao dịch cổ phiếu tại thị trường UPCoM nhằm bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư” - ông Hùng nói.
Không thể chậm hơn
Theo ông Trần Đắc Sinh - tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, hiện có ít nhất ba ngân hàng (NH) làm thủ tục niêm yết cổ phiếu. Đó là NH Xuất nhập khẩu VN (EIB), NH Quân đội (MB) và NH Sài Gòn (SCB). Nếu ba NH này niêm yết, vốn hóa thị trường của sàn TP.HCM có thể tăng thêm gần 2 tỉ USD (trên 35.000 tỉ đồng). Hiện EIB và MB là hai cổ phiếu được mua bán nhiều nhất tại OTC.
Lãnh đạo hội đồng quản trị Eximbank cho biết nơi này kỳ vọng niêm yết cổ phiếu vào cuối tháng 9-2009. NH MB cũng sẽ niêm yết trong năm nay. SCB đang chỉnh sửa cho phù hợp với quy định để niêm yết trên sàn TP.HCM trong năm sau. Một số đơn vị cũng đang khởi động lại chương trình lên sàn vốn bị dời lại do thị trường chứng khoán suy giảm. Theo các đơn vị này, tới đây không vào sàn TP.HCM, Hà Nội thì cũng phải vào thị trường UPCoM. Vào sàn mọi thứ đều công khai minh bạch, mua bán cổ phiếu thuận lợi, có lợi hơn cho cổ đông. Một NH có vài ngàn, thậm chí hàng chục ngàn cổ đông thì không thể mua bán cổ phiếu ở các chợ “chồm hổm”. Vào sàn không còn cảnh khi bán bị dìm giá, khi mua thì bị kê giá như trên thị trường OTC. - M.Khanh
Hoài Giang
Tuổi trẻ
|