Từ một ngân hàng đèn dầu...
Ngân hàng TMCP nông thôn Kiên Long (tiền thân của ngân hàng TMCP Kiên Long – KLB) đã ra đời vào năm 1995 từ những tâm huyết muốn làm gì đó có ích cho bà con quê nhà của ông Trương Hoàng Lương – tổng giám đốc KLB.
Trò chuyện với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Trương Hoàng Lương nói: “Sau khi gắn bó gần 10 năm trời với nghề nông, tôi thấu hiểu bà con nông dân rất cần vốn để sản xuất, chăn nuôi và buôn bán nhỏ. Lúc đó bà con còn nghèo lắm, đụng chi tiêu là bán lúa, bán đất, vay của ngân hàng quốc doanh thì rất khó khăn, vay nóng bên ngoài thì lãi suất cắt cổ. Vào thời điểm này, Nhà nước cho phép bà con nông dân được thế chấp giấy chủ quyền sử dụng đất để đảm bảo vay vốn ngân hàng, tôi và mấy người bạn thân nhận thấy đây là cơ hội nên rủ nhau thành lập ngân hàng cổ phần nông thôn. Khi thành lập ngân hàng, đa số anh em sáng lập cũng chưa có khái niệm rõ ràng về ngân hàng như thế nào...
Như ông nói, những người sáng lập đều lạ lẫm với việc kinh doanh tiền tệ, KLB đã làm thế nào để mang lại hiệu quả?
Thật sự bản thân tôi và anh em sáng lập đều xuất thân từ nghề nông cho nên bước đầu cũng gặp không ít khó khăn trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ. Khó khăn nhưng không có nghĩa là không vượt qua được, bởi bằng sự quyết tâm và chịu khó học hỏi từ ngân hàng bạn, nên dần dần mọi khó khăn lần lượt đi qua.
Vốn điều lệ ban đầu chỉ vỏn vẹn 1,2 tỉ đồng, trụ sở làm việc thì mượn của uỷ ban xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng; nơi đây vừa là nơi làm việc vừa là nơi sinh hoạt ăn nghỉ của chúng tôi. Một hình ảnh mà tôi không thể nào quên đó là hôm khai trương, hoa thì ít, mà người đến dự thì rất đông, toàn là bà con nông dân. Đúng là vốn ít, cho vay chẳng bao lâu đã hết tiền, lại phải đi vận động người khá giả, doanh nghiệp gửi tiền vào.
Thời điểm đó muốn vận động bà con, doanh nghiệp gửi tiền vào đâu phải đơn giản. Bản thân tôi đã trực tiếp cầm sổ tiền gửi đến tận khách hàng vừa vận động, vừa tư vấn để bạn bè, người thân và bà con hiểu được quyền lợi khi gửi tiền vào ngân hàng. Ấn tượng không thể nào quên đối với tôi đó là hình ảnh đông đảo nông dân đứng chật trụ sở vay tiền, ngủ lại và nấu ăn ngoài hành lang của ngân hàng. Rồi ngân hàng đốt đèn dầu phục vụ đến 9, 10 giờ đêm, những hình ảnh đó mãi mãi không bao giờ quên với chúng tôi.
Có người cho rằng, làm tín dụng nông thôn thật khó và đầy rủi ro, ông nghĩ gì về nhận định này?
Chúng tôi không nghĩ như vậy, bởi bản thân tôi và những anh em sáng lập đều xuất phát từ nghề nông hoặc công tác trong ngành nông nghiệp, hiểu được tâm tư nguyện vọng của bà con. Ngoài việc cho vay, chúng tôi còn trực tiếp gặp gỡ bà con nông dân, tư vấn cho bà con về kỹ thuật canh tác để làm sao vốn đến với bà con nông dân được sử dụng đúng mục đích, vốn ít mà mang lại hiệu quả cao.
Còn về rủi ro thì gần như không có, bởi vì bản chất của người dân Nam bộ thật thà, chất phác, họ luôn giữ chữ “tín” không chỉ bản thân họ mà còn giữ chữ “ tín” với bà con lối xóm của họ nữa. Đối với người dân Nam bộ, đất đai, nhà cửa, vườn tược luôn gắn liền với họ, đây là tài sản duy nhất đang thế chấp ngân hàng. Vì vậy, họ không đánh mất chữ tín của mình, cũng như bỏ mảnh đất bao đời nay của cha ông để lại. Nếu năm nào bị thất mùa, mất giá thì vụ sau họ cũng trả nợ cho ngân hàng. Vả lại các món vay của bà con thường rất nhỏ vì vậy tính phân tán rủi ro rất cao.
KLB cũng rất “sẵn lòng chia sẻ” sự đóng góp thiết thực của mình thông qua những chương trình xã hội?
Mới đây, ngân hàng Kiên Long phối hợp với hãng phim Tây Việt và VTV9 thực hiện và đồng hành cùng chương trình Chắp cánh ước mơ, với hy vọng chung tay cùng cộng đồng giúp đỡ những học sinh – sinh viên nghèo học giỏi biết vượt lên số phận. Đây cũng là tiêu chí kinh doanh được thể hiện trong slogan của chúng tôi: “Ngân hàng Kiên Long – sẵn lòng chia sẻ”.
Xin cảm ơn ông!
Nợ xấu thấp
Hiện KLB đã có mạng lưới hoạt động tại các vùng trọng điểm trong cả nước với 52 chi nhánh và phòng giao dịch. Tính đến hết quý 2/2009, tổng tài sản của KLB là 4.336,123 tỉ đồng, nguồn vốn huy động đạt 3.209,191 tỉ đồng, tổng dư nợ cho vay đạt trên 3.199,023 tỉ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 133% so với cùng kỳ năm 2008. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,66%, thấp hơn mức cho phép của ngân hàng Nhà nước.
KLB đã ký kết hợp tác chiến lược cùng hai đối tác là ngân hàng TMCP Á Châu và tổng công ty Du lịch Sài Gòn nhằm nâng cao năng lực tài chính; ký kết hợp tác với trường đại học Kinh tế TP.HCM nhằm đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực.
Sài Gòn Tiếp thị
|