Cẩn trọng với sóng penny stock
Trong đợt sóng mới này, các mã bluechips với ưu thế vốn hóa lớn và tiềm năng tài chính vững mạnh không còn giữ vai trò là tâm điểm của thị trường nữa. Sự phân hóa đang diễn ra hết sức mạnh mẽ trên cả hai sàn. Nhưng, dường như, trong sự phân hóa đó, nhà đầu tư vẫn dành sự quan tâm đặc biệt với những mã penny stock.
Sự quan tâm này, như VNDirect nhận xét, có vẻ hơi quá đà. Không chỉ có những DN đạt kết quả tốt từ hoạt động kinh doanh chính mà cả những mã cổ phiếu của những công ty chưa có những thông tin hỗ trợ nổi bận cũng được thu mua mạnh và dư mua trần lớn về cuối phiên. Biểu hiện này được thể hiện rõ nhất khi một số mã cổ phiếu thuộc nhóm ngành nào đó tăng sẽ kéo theo sự tăng lên của các cổ phiếu thuộc ngành đó. Điển hình như phiên giao dịch ngày 11/8, nhà đầu tư đã chứng kiến sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu thuộc họ Sông Đà. Sức nặng giảm giá từ một số mã bluechips chính là lực cản, kéo chỉ số chứng khoán đi xuống trong thời gian qua.
Thực tế, các cổ phiếu nhỏ đã có sự khởi động sớm từ nửa cuối tháng 7/2009 nhưng phải đến đầu tháng 8/2009 sự bứt phá mới được thể hiện rõ rệt. Khởi đầu với sự tăng giá của các mã nhận được sự hỗ trợ mạnh từ thông tin kinh tế vĩ mô như các cổ phiếu ngành thép, ngành xây dựng... đã kéo theo sự tăng trưởng của các mã thuộc ngành khác. Cho dù lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bất động sản không thật sự ấn tượng so với nhiều ngành nghề khác nhưng sự ấm lên của thị trường bất động sản, cùng những thông tin về dòng vốn FDI khả quan khiến hầu hết nhà đầu tư đều tin tưởng vào nhu cầu xây dựng sẽ tăng lên mạnh trong thời điểm cuối năm 2009 và kéo sang năm 2010. Kéo theo đó, cổ phiếu thuộc các nhóm ngành khác như ngành thép, cao su, bánh kẹo, sách... cũng tăng theo. Điều đáng nói là, những cổ phiếu nhỏ này chủ yếu chỉ mang tính thời vụ, nên sức tăng này cũng tiềm ẩn yếu tố đầu cơ rất cao. Hiện nay, bắt đầu có nhiều ý kiến cho rằng, con sóng penny đang vào giai đoạn cuối. Thậm chí, có nhà đầu tư còn cho rằng, nhiều khả năng, con sóng này sẽ kết thúc nội trong tuần này (tuần từ 10/8 đến 14/8). Như vậy cũng đồng nghĩa với việc sẽ có một bộ phận nhà đầu tư "ôm bom". Thực tế, đến phiên giao dịch ngày 12/8, mặc dù các cổ phiếu chủ chốt trên thị trường như SSI, VCB, CTG, DPM, PPC... vẫn tiếp tục giảm một số mã cổ phiếu thuộc nhóm ngành mía đường, bánh kẹo và thực phẩm đã ngừng đà tăng và đang dấu hiệu giảm xuống. BBC giảm sàn xuống 36.800 đồng/CP, BHS giảm sàn xuống 24.700 đồng/CP, LSS giảm sàn xuống 34.200 đồng/CP, SBT giảm nhẹ 400 đồng, trong khi hai bluechips một thời là NKD và KDC vẫn giữ được đà tăng nhẹ. Tuy nhiên, các cổ phiếu thuộc nhóm, cao su, xây dựng và thép vẫn là điểm đến của dòng tiền đầu tư. Những mã như SJS, NTL, LCG, DRC, DPR, HRC, TNC, PHR... đều tăng trần.
Theo VNDirect, không phải cổ phiếu nào cũng tốt như nhau và không phải nhóm ngành nào cũng sẽ phục hồi mạnh sau khủng hoảng. Vì vậy, rủi ro tiềm tàng với những nhà đầu tư chậm chân lúc này là khả năng bị bán chốt lời sau T+4. Tất nhiên vẫn còn tồn tại những cơ hội trên thị trường, nhưng đây không phải lúc thích hợp để tiếp tục đua trần những cổ phiếu nhỏ và có chu kỳ tăng giá đủ T+4. Một vài cổ phiếu bluechips có thể xem xét trở lại trong một chiến lược mua, tuy nhiên đầu tư vào bluechips lúc này rất cần sự kiên nhẫn. Khi con sóng penny stock qua đi, thị trường quay lại với sự tăng điểm của bluechips thì nhiều khả năng sẽ có một sự khởi sắc mạnh mẽ.
Phạm Lan
DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP
|