Các ngân hàng Mỹ vẫn chưa lành bệnh
(Vietstock) – Nền kinh tế Mỹ đã bắt đầu có những chuyển biến tích cực; tuy nhiên nhiều ngân hàng vẫn có thể đối mặt với nguy cơ phá sản do những sai lầm trong chính sách cho vay kéo dài nhiều năm qua, trong đó có cả một số ngân hàng lớn.
|
|
|
Nguồn: CNNMoney |
Thậm chí sau khi thị trường được khuấy động và các định chế tài chính lớn như Wells Fargo, Bank of America đã được bơm thêm nguồn vốn mới, thì một lượng lớn các ngân hàng khắp nước Mỹ vẫn đang phải chống chọi với tình hình tài chính ngày càng tồi tệ.
Có 24 ngân hàng với tài sản ít nhất là 5 tỷ USD đạt mức xếp hạng thấp nhất – một sao – trong đợt kiểm tra tính an toàn và độ nhạy cảm của Bankrate.com, dựa trên một đánh giá đối với các hồ sơ lưu trữ như quy định trong quý kết thúc ngày 31/03.
Cũng dựa theo những dữ liệu này, Công ty nghiên cứu tài chính Bauer Financial đánh giá hơn một nửa ngân hàng được xếp hạng “có vấn đề” hoặc tệ hơn nữa. Ba trong số các ngân hàng này, với tổng tài sản trị giá 45 tỷ USD đã đưa ra thông cáo báo chí cho thấy khả năng phá sản sớm trong thời gian sắp tới.
Vốn của nhiều ngân hàng đã sụt giảm nhiều do thua lỗ lớn, trong khi đó bảng cân đối kế toán vẫn được thổi phồng lên với hàng tỷ USD từ khấu hao các khoản đầu tư bất động sản và các khoản cho vay xây dựng.
Những ngân hàng này đang phải trích thêm tiền cho các khoản dự phòng thua lỗ trong thời gian tới, nhưng trong nhiều trường hợp sự gia tăng của các khoản dự phòng thua lỗ tín dụng cũng không thể theo kịp sự gia tăng của các tài sản nợ xấu. Điều này đồng nghĩa với việc lợi nhuận có thể sẽ chịu nhiều áp lực lớn, thậm chí với cả các định chế tài chính lớn.
Trong khi đó, những nỗ lực để giải trừ các tài sản xấu từ các bảng cân đối kế toán của các ngân hàng đang trì trệ, vì các ngân hàng do dự khi bán các tài sản với mức giá thấp cho các nhà đầu tư. Điều này làm mất đi cơ hội thêm vốn cho các ngân hàng từ các nhà đầu tư.
Hơn một năm qua, có ít nhất 8 trong số các định chế có mức xếp hạng thấp đã chấp nhận thực hiện theo các điều khoản luật để có thể cải thiện tình hình tài chính. Các ngân hàng Pacific Capital Bank, Western Puerto Rico và Lehman Brothers Bank – bây giờ được biết đến với tên Aurora - đã xây dựng kế hoạch để gia tăng vốn.
Những ngân hàng khác như Corus Bankshares, Colonial Bancgroup, Ala, và Guaranty cũng đã thông báo kế hoạch tăng thêm vốn nhưng lại thất bại khi đi vào thực hiện.
Các ngân hàng “có vấn đề” này sẽ làm cho quá trình phục hồi của nền kinh tế chậm lại. Trong năm nay, tổng cộng đã có 69 ngân hàng phá sản, mức cao nhất kể từ năm 1992. FDIC đã áp dụng quy chế chi trả một lần để (one-time fee) cho các ngân hàng thành viên để chống đỡ cho quỹ bảo hiểm tiền gửi của mình, và nhiều khả năng sẽ áp dụng lại quy chế này vào cuối năm nay.
Theo thống kê của FDIC, có 305 định chế tài chính được liệt vào diện “có vấn đề” – với tài sản lên tới 220 tỷ USD. FDIC đã phải tiêu tốn mất tới 22 tỷ USD cho các vụ phá sản trong năm nay. Theo một dự luật trước đó, FDIC sẽ nhận được khoảng 500 tỷ USD từ nay tới năm 2010.
Tình hình ngành ngân hàng sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Theo dự báo của Veribanc, một tổ chức xếp hạng tín nhiệm của các ngân hàng, sẽ có khoảng 97 ngân hàng phá sản trong năm nay.
Cao Vệ (Theo CNNMoney)
|