Thứ Ba, 07/07/2009 07:46

Ngăn ngừa tái lạm phát:

Ưu tiên giải ngân cho các dự án phát triển kinh tế

Hiện nay, ở nước ta, vấn đề quan trọng là làm thế nào vừa phòng ngừa được nguy cơ lạm phát cao quay trở lại, vừa ngăn được suy giảm kinh tế. Và một tình huống đã được tính đến là trong trường hợp các gói kích cầu được tung ra, nhưng nếu sử dụng không hiệu quả, khả năng thúc đẩy tăng trưởng không những hạn chế mà còn có nguy cơ tái lạm phát cao...

Dấu hiệu cảnh báo

Cho đến nay, giá nhiều mặt hàng thiết yếu như dầu thô, gạo, xi măng, sắt thép... trên thế giới và Việt Nam đang ở mức ổn định, chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ tăng đột biến. Tuy nhiên, nguy cơ tái lạm phát sẽ hiện hữu trong thời gian tới, nếu sử dụng gói kích cầu kém hiệu quả. Hiện nay, đã có dấu hiệu cần được lưu ý khi Chính phủ sử dụng gói kích cầu (9 tỷ USD) với chính sách tài khóa được đề nghị nới lỏng, lãi suất cơ bản giảm xuống, giảm lãi suất tái chiết khấu, dự trữ bắt buộc... đã tác động mạnh đến mức cung tiền tệ và có thể sẽ đưa nền kinh tế rơi vào vòng xoáy: lạm phát - suy thoái - kích cầu - lạm phát trở lại.

Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có nhận định tương tự, việc Chính phủ thực hiện các gói kích cầu đầu tư và tiêu dùng để khắc phục hậu quả của khủng hoảng là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, một lượng tiền lớn được đổ vào nền kinh tế khiến cung tiền được đẩy lên cao, làm tăng nguy cơ "tái lạm phát", nhất là khi những dòng vốn này không được sử dụng một cách hiệu quả.

Trong điều kiện ngân sách nhà nước (NSNN) hạn hẹp (NSNN năm 2009 dự kiến thâm hụt ở mức 8% GDP), việc huy động vốn từ trái phiếu đang khó khăn càng tạo sức ép lên Ngân hàng Nhà nước. Khi lượng tiền cung ứng lớn, nếu việc chi tiêu không hiệu quả, không những không thúc đẩy sản xuất mà còn làm tăng nguy cơ tái lạm phát, kéo theo nhiều hậu quả khác như tăng bội chi ngân sách, ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội... Do đó, cần xem xét lại nên kéo dài thời gian hỗ trợ lãi suất trong bao lâu và tiếp tục hỗ trợ những ngành nào, ngừng hỗ trợ những ngành nào... Một khả năng nữa khiến lạm phát có thể quay trở lại đó là tốc độ tăng trưởng tín dụng trong những tháng qua tăng mạnh (tín dụng tháng 4 tăng 5,81% so với tháng trước và tăng 11% so với cùng kỳ năm 2008). Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, mức tăng trưởng tín dụng như vậy là tốt, tuy nhiên tăng quá nhanh và mạnh cũng là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ lạm phát. Khi giá cả hàng hóa thế giới tăng, giá trong nước cũng tăng lên. Vừa qua, kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi, nhiều mặt hàng nhập khẩu tăng giá, giá xăng dầu cũng tăng. Hơn nữa, sự suy yếu của đồng USD khiến các nhà đầu tư lo ngại nguy cơ khủng hoảng tiền tệ làm tăng khả năng lạm phát trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Cần tập trung giải ngân

Thực tế cho thấy, trong điều hành chính sách tài chính, rất hiếm khi đạt được cả hai mục tiêu cùng một lúc, tức là vừa tăng trưởng lại vừa kiềm chế lạm phát mà trong từng thời điểm để đạt được mục tiêu này thì tạm thời phải gác lại mục tiêu kia. Trong thời điểm hiện nay, rõ ràng mục tiêu chống suy giảm kinh tế, ngăn chặn sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội... phải được ưu tiên. Nhưng cần phải theo dõi sát các luồng tiền, luồng vốn được đưa ra nền kinh tế để bảo đảm đúng đối tượng, sử dụng có hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ gây lạm phát. Đồng thời, cần chủ động thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, trung hòa lượng tiền trong lưu thông, để đạt được mục tiêu tối ưu trong điều hành chính sách tài chính và những chính sách có liên quan.

Để tăng cường hiệu quả của gói kích cầu, cần tiếp tục rà soát lại gói kích cầu, bảo đảm nguyên tắc kịp thời, đúng đối tượng, hiệu quả và kiên quyết thực hiện dứt điểm trong ngắn hạn, tránh kéo dài làm ảnh hưởng tới ổn định vĩ mô. Ngoài những định hướng kích cầu tích cực, cần quan tâm một số giải pháp chủ yếu, như ưu tiên đầu tư giải ngân cho các dự án, công trình có tính chất cấp bách, quan trọng, có khả năng kích thích phát triển kinh tế của vùng, miền, những dự án mang lại nguồn thu NSNN lớn, tạo việc làm cho người lao động; tập trung các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn gồm vốn NSNN tập trung, vốn trái phiếu chính phủ (TPCP), vốn ODA, vốn tín dụng đầu tư, vốn đầu tư của các DN nhà nước, nhất là với các công trình dự án quy mô lớn, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Trong năm 2009, kích cầu đầu tư, nhất là đầu tư xây dựng cơ bản là một nội dung quan trọng để ngăn chặn suy giảm kinh tế. Điều đáng lưu ý là nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản được huy động từ TPCP chiếm tỷ lệ không nhỏ trong tổng vốn đầu tư, nhưng việc giải ngân nguồn vốn này lại rất chậm. Vì vậy, cần kiểm tra, đôn đốc, giải ngân nhanh nguồn vốn này để góp phần tăng hiệu quả của đầu tư.

Thanh Mai

HÀ NỘI MỚI

Các tin tức khác

>   Hà Nội: GDP sáu tháng đầu năm chỉ tăng bằng 1/3 năm ngoái (07/07/2009)

>   Khoảng 6.000 ôtô nhập khẩu trong tháng 6 (07/07/2009)

>   Việt Nam-Hà Lan tiếp tục hợp tác về nông nghiệp (07/07/2009)

>   Hiệu quả kích cầu: Cần minh bạch hóa (07/07/2009)

>   London giúp TP.HCM thành trung tâm tài chính (07/07/2009)

>   Chính phủ họp thường kỳ tháng 6: GDP quý II đạt 4,5% (07/07/2009)

>   40 ha đất “vàng” ở TP.HCM bị bỏ hoang (07/07/2009)

>   Xây dựng xong 500m cầu cảng, đón tàu 50.000 tấn (07/07/2009)

>   “Lướt sóng” nhà đất: Lỗ thật, chủ đầu tư “béo”, nhà nước thất thu (07/07/2009)

>   Tiền Giang: không chấp thuận mở rộng KCN Vinashin (06/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật