Thứ Ba, 07/07/2009 06:17

Hiệu quả kích cầu: Cần minh bạch hóa

Rất cần có báo cáo về kết quả của các đối tượng thụ hưởng, khi thời gian triển khai gói kích cầu đã được hơn nửa chặng đường.

Ý kiến này được chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng, nêu ra trong cuộc trao đổi với VnEconomy, xung quanh vấn đề hiệu quả của gói kích cầu thông qua việc hỗ trợ lãi suất và cách thức triển khai các giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế.

Bà Phạm Chi Lan nói:

- Nhìn tổng thể thì gói kích cầu của Chính phủ thực hiện trong thời gian qua đã mang lại những kết quả tích cực cho các doanh nghiệp và nền kinh tế, và chính gói kích cầu đó đã đóng góp một phần cho nền kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng dương, trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, hiệu quả của việc triển khai kích cầu thông qua hỗ trợ lãi suất thì hiện nay cũng đang có nhiều ý kiến. Theo tôi cũng cần phải đánh giá cả hai mặt, tích cực và hạn chế, trong đó phải chú ý đến những vấn đề sau:

Thứ nhất là gói kích cầu lẽ ra đã có thể mang lại mức tăng trưởng tín dụng tốt hơn, theo ước tính của các chuyên gia thì cũng phải khoảng 30%, thay vì 17% như thực tế.

Như vậy, có nghĩa là có một tỷ lệ nhất định đã không đi vào sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp mà là nó có thể đã quay trở lại ngân hàng để trả nợ cũ, mà chúng ta vẫn thường gọi là đảo nợ. Việc đảo nợ này có thể đã làm cho tài khoản của nhiều doanh nghiệp và ngân hàng “sạch sẽ” hơn, nhưng rõ ràng là không làm cho gói kích cầu đạt được mục tiêu mà Chính phủ mong muốn.

Hơn nữa, khả năng hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh cũng không được như kỳ vọng, thể hiện rõ qua tốc độ tăng trưởng công nghiệp 6 tháng đầu năm chỉ đạt 4,8% là khá khiêm tốn, xuất khẩu cũng tiếp tục ngập chìm trong khó khăn…

Thứ hai, mục tiêu của gói kích cầu là hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp xuất khẩu. Thế nhưng, đến nay dù thời gian triển khai gói kích cầu đã được hơn nửa chặng đường, nhưng không hiểu vì lý do gì mà chúng ta vẫn không có được một báo cáo nào về kết quả của các đối tượng thụ hưởng.

Chính điều này đã gây nên nhiều ý kiến trái chiều về hiệu quả của gói kích cầu. Do đó, nếu không minh bạch hóa mọi vấn đề của gói kích cầu thứ nhất thì chắc chắn trong gói kích cầu thứ hai cũng sẽ tiếp tục có nhiều băn khoăn.

Vậy theo bà, giải pháp kích cầu nào sẽ phù hợp với nền kinh tế của chúng ta hơn?

Mỗi một nền kinh tế đều có trình độ phát triển và điều kiện riêng của nó. Có những biện pháp có thể rất hiệu quả ở Mỹ nhưng chưa chắc đã áp dụng được ở Việt Nam, bởi nguyên nhân khủng hoảng và quy mô nền kinh tế của họ khác với chúng ta.

Theo tôi thì các giải pháp mà Chính phủ đưa ra cơ bản là phù hợp với nền kinh tế. Tuy nhiên, có một điều mà tôi băn khoăn chính là việc hỗ trợ lãi suất của chúng ta lại thông qua kênh ngân hàng, bởi vì kinh nghiệm của các nước trong khu vực, những nước có điều kiện và trình độ phát triển tương đương Việt Nam thì họ cũng đều hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp khi triển khai kích cầu.

Từ góc nhìn của bà, kinh tế Việt Nam đã chạm đáy của suy giảm chưa, và độ rộng của đáy sẽ lớn hay nhỏ?

Ở các nước, trong tiêu chí khủng hoảng thì có tiêu chí tăng trưởng âm hay dương trong một thời kỳ nhất định và số người thất nghiệp, mức độ tiêu dùng...

Còn ở Việt Nam, trong thời gian qua, chúng ta mới chỉ giảm tăng trưởng chứ chưa âm. Còn số người thất nghiệp thì cũng đang là vấn đề tranh luận giữa lao động chính thức và lao động trong làng nghề nên con số chính thức cũng chưa được công bố.

Duy chỉ có rõ nhất là những chỉ số vốn được xem là động lực của nền kinh tế như chỉ số đầu tư, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu đều giảm xuống khá mạnh.

Tuy nhiên, để kết luận đâu là một cái đáy của một thời điểm cụ thể thì cũng rất khó khăn, bởi hiện nay người ta thường quan niệm đáy theo nghĩa rộng, trải đều trên nhiều mặt khác nhau và trong một thời gian dài.

Do đó, theo tôi, nếu hiện nay chúng ta tuyên bố là khủng hoảng đã tới đáy và đang đi lên thì cũng là hơi quá lạc quan.

Vậy, theo bà thì cách chúng ta vượt khủng hoảng đã hợp lý chưa?

Thực tế thì chúng ta đã có những nhóm giải pháp mà mục tiêu của nó bao gồm cả mục tiêu trước mắt và dài hạn. Nhưng tiếc là những giải pháp đó lại chưa được thực hiện đầy đủ.

Chẳng hạn, trong nhóm giải pháp của Chính phủ để chống suy giảm kinh tế thì số 1 là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Thế nhưng, chúng ta lại chưa làm được nhiều cho mục tiêu này. Hầu hết là chúng ta chỉ tập trung vào kích cầu và chỉ đề cập đến tiền.

Tôi cũng lấy làm lạ là trong bối cảnh khó khăn và trình độ phát triển của Việt Nam như hiện nay mà chúng ta lại chỉ quan tâm đến việc giải ngân được bao nhiêu, tiêu cho cái gì...

Theo tôi thì giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh phải được thực sự xem là yếu tố số một. Doanh nghiệp cần trợ giúp trực tiếp của nhà nước chỉ một phần thôi, điều quan trọng mà họ cần là có được một cơ chế, một môi trường kinh doanh tốt để phát triển.

Đó mới chính là yếu tố quyết định đến sự phát triển trong tương lai, để họ yên tâm ra khỏi khủng hoảng với tư thế của một nền kinh tế đã sẵn sàng đi lên.

Cuộc khủng hoảng lần này của chúng ta mang nặng tính chu kỳ hay tính cơ cấu, thưa bà?

Tôi cho rằng nó đến từ cả hai phía. Nhưng đối với nền kinh tế của chúng ta thì vấn đề về cơ cấu lại rất cần xem xét thận trọng. Thực tế là chúng ta đã trải qua các cuộc khủng hoảng trước nhưng chúng ta vẫn chưa thực sự có được những thay đổi quan trọng trong cơ cấu.

Gói kích cầu thứ nhất đã có tác dụng hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp và các đối tượng khác. Tuy nhiên, gói kích cầu thứ hai cần phải tập trung thực sự vào mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế, còn nếu gói kích cầu này vẫn tiếp tục hướng vào cứu trợ doanh nghiệp thì sẽ không mang lại kết quả tích cực lâu dài.

Khủng khoảng cũng là một thời cơ để thị trường thực hiện quy luật đào thải của nó. Những doanh nghiệp nào yếu kém thì phải chấp nhận ra khỏi thị trường. Nếu chúng ta cứ cố tung tiền để cứu những doanh nghiệp không đáng cứu, hậu quả rốt cục sẽ còn nặng nề hơn.

Từ Nguyên

TBKTVN

Các tin tức khác

>   London giúp TP.HCM thành trung tâm tài chính (07/07/2009)

>   Chính phủ họp thường kỳ tháng 6: GDP quý II đạt 4,5% (07/07/2009)

>   40 ha đất “vàng” ở TP.HCM bị bỏ hoang (07/07/2009)

>   Xây dựng xong 500m cầu cảng, đón tàu 50.000 tấn (07/07/2009)

>   “Lướt sóng” nhà đất: Lỗ thật, chủ đầu tư “béo”, nhà nước thất thu (07/07/2009)

>   Tiền Giang: không chấp thuận mở rộng KCN Vinashin (06/07/2009)

>   Vietnam Airlines mở rộng khai thác dịch vụ hạng Thương gia trên các đường bay nội địa (06/07/2009)

>   Giá xăng dầu luôn tăng phi mã, giảm nhỏ giọt (06/07/2009)

>   ANZ : Việt Nam tăng trưởng khoảng 4,5% (06/07/2009)

>   Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển dịch vụ giai đoạn 2009 - 2011 (06/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật