Trả lương bằng hiện vật: "Kinh tế tự nhiên" trở lại?
Tháng 7 này, nếu một xí nghiệp nào đó ở Belarus trả lương cho công nhân bằng... hành củ hay củi đun thì không có gì lạ. Theo báo điện tử Lenta thì tại Belarus, Ukraine và Nga, những biểu hiện của "nền kinh tế tự nhiên" đã trở lại trong thời gian gần đây.
Belarus: Trả lương bằng hành tây
Báo chí Belarus thời gian qua thi thoảng lại đưa tin về việc một nhà máy nào đó trả lương theo kiểu "kinh tế tự nhiên" do tiền mặt khan hiếm. Hồi đầu năm nay, mỗi công nhân ở nhà máy chế biến thịt Orshan đã nhận mỗi người... 3 hộp thịt thay cho lương. Họ được lựa chọn giữa thịt lợn, thịt bò hay sản phẩm thịt dành cho trẻ em. Những ai cứ khăng khăng đòi nhận tiền mặt liền được khuyên "chỗ nào êm thì tự đi tìm mà ngồi."
Sau đó, đến lượt chính quyền huyện Bragin thuộc tỉnh Gomel đề nghị 52 xí nghiệp tại đây phát lương cho công nhân ở dạng hiện vật - 10 cần hành tây/người. Số hành này được mua từ trang trại Braginka. Công văn viết rằng sở dĩ phải dùng biện pháp này là do "không có thị trường tiêu thụ hành."
Tháng 6 vừa rồi, ban giám đốc hai nhà máy ở thành phố Brest đã đề nghị công nhân nhận lương bằng thảm len. Trong tháng 7, công ty Adrian Plus chuyên sản xuất đồ gỗ cũng muốn trả tiền công cho nhân viên bằng củi và ghế bành. Tổ hợp Baranovich, đơn vị dệt kim lớn nhất tại Belarus, cũng "tha thiết" với ý tưởng trả lương bằng chính sản phẩm của mình - ga trải giường và vải tấm.
Nga: Trả tiền quảng cáo bằng giày thể thao
Ở Nga hiện nay, hầu như người ta vẫn trả lương bằng tiền mặt. Trường hợp phát lương dưới dạng hiện vật như ở nhà máy quốc phòng Molot và tập đoàn xây dựng Massiv là hiếm. Hồi tháng 4, cơ sở sản xuất tiểu liên AK ở tỉnh Kirov đã quyết định thanh toán khoản lương tồn đọng 120 triệu rúp (4 triệu USD) bằng bột mỳ, đường, mỳ ống và thịt hộp. Nhưng đến tháng 6 thì có tin nói rằng cơ sở này được nhà nước cho vay 440 triệu rúp để trả lương.
Còn hồi tháng 7, công nhân của Massiv (ở tỉnh Chelyabinsk) đã tụ tập phản đối việc bị nợ lương nhiều tháng liền. Sau đó, đại diện của tập đoàn này cho biết 70% số người "khát lương" đã được đáp ứng yêu cầu, dưới dạng "hàng hóa có giá trị vật chất". Tuy nhiên, ông không nói cụ thể đó là mặt hàng gì.
Ở Nga đã có nhiều trường hợp thanh toán dịch vụ dưới hình thức "trao đổi". Hồi tháng 3, Chủ tịch Liên đoàn phát thanh-truyền hình Nga Eduard Sagalayev cho biết do khủng hoảng kinh tế trầm trọng ở các địa phương nên một số chương trình quảng cáo được thanh toán bằng...giày thể thao, xe hơi hoặc căn hộ tập thể.
Thậm chí hồi tháng 5, công ty xây dựng Stroigrad ở thành phố St.Petersburg từng đề nghị chính quyền tỉnh Astrakhan thanh toán tiền xây nhà bằng rau quả.
Ukraine: Đưa căn hộ vào giao dịch chứng khoán
Các hợp đồng đổi hiện vật cũng đã xuất hiện trên thị trường Ukraine từ hồi tháng 2. Tại sàn giao dịch chứng khoán, các căn hộ, xe hơi được mời chào để đổi lấy vốn ở ngân hàng. Hình thức "giao dịch hiện vật" vừa mới mở ra đã thu hút gần 800 người tham gia và mỗi ngày có khoảng 30 giao dịch thành công.
Đầu tháng 7, hai ttập đoàn độc quyền của nhà nước là Than Ukraine và Đường sắt Ukraine trở lại với cách thức thanh toán "hàng đổi hàng". Từ nay đến cuối năm, ngành than sẽ thanh toán phí vận chuyển cho ngành đường sắt bằng "vàng đen", rồi ngành đường sắt lấy than để trả tiền điện cho nhà máy điện.
Sự trở lại của "kinh tế tự nhiên" ở Ukraine, Nga và Belarus không xuất phát từ mong muốn chủ quan mà là do hậu quả khủng hoảng kinh tế.
GDP của Ukraine trong quý I năm nay giảm 20,3% so với cùng kỳ năm ngoái, còn tổng nợ lương của ba tháng đầu năm ở mức 1,7 tỷ hryvnia (khoảng 220 triệu USD). GDP của Nga trong quý I giảm gần 10% và đến tháng 7 tổng nợ lương ở mức 7,2 tỷ rúp. Bên cạnh đó, có 400.000 người bị chậm lương, chiếm 1/50 tổng số người đang làm việc.
Belarus mặc dù vẫn có sự tăng trưởng kinh tế trong sáu tháng đầu năm (0,3%) nhưng khó khăn vẫn còn chồng chất. Đồng Belarus bị mất giá 25% so với đồng tiền hỗn hợp gồm euro cộng USD và rúp Nga. Ngày 24/7, Ngân hàng Nhà nước Belarus đã ra lệnh cấm các ngân hàng cho những thể nhân, ngoại trừ doanh nghiệp tư nhân, vay tín dụng bằng ngoại tệ nhằm củng cố đồng nội tệ và tránh nguy cơ nợ xấu về sau.
TT&VH/Vietnam+
|