Tín dụng “thắt” chứng khoán: Chuyện cũ
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức có công văn yêu cầu các ngân hàng thương mại dành vốn cho sản xuất, hạn chế tín dụng cho vay tiêu dùng, chứng khoán và bất động sản. Theo nguyên tắc chung, việc thắt chặt tín dụng với chứng khoán sẽ ảnh hưởng đến thị trường, nhưng hiện tại, TTCK không bị nhiều tác động.
Thực tế, chính sách thắt chặt tín dụng với chứng khoán đã ảnh hưởng đến thị trường cách đây 1 tháng, kể từ khi có thông tin Thanh tra NHNN sẽ kiểm tra các ngân hàng về hoạt động tín dụng. Đây được xem là động thái báo trước cho các ngân hàng về chủ trương thắt tín dụng với chứng khoán.
Trước động thái này, các ngân hàng đã kiểm soát hoạt động cho vay chứng khoán của mình bằng cách tạm dừng hoạt động cho vay, kiểm soát dư nợ vay. Hiện tại, theo khảo sát của phóng viên ĐTCK tại các CTCK, hạn mức cho vay chứng khoán mà ngân hàng cung cấp còn rất rộng rãi. Đa số NĐT cầm cố chứng khoán, vay bảo chứng đã bán chứng khoán để trả nợ. Và do lo ngại rủi ro, NĐT không dám sử dụng vốn vay ở thời điểm này.
Hoạt động vay và cho vay chứng khoán không còn nóng như cách đây hơn một tháng khi hạn mức vay chứng khoán của các CTCK gần như cạn kiệt. Hạn mức cấp mới 50 - 200 tỷ đồng chỉ đủ đáp ứng nhu cầu của NĐT từ 1 - 5 ngày.
Thời điểm đó, NĐT cầm cố chứng khoán vay trong khoảng 2 tuần để lướt sóng, sử dụng đòn bẩy tài chính. Còn bây giờ, nhu cầu vay chứng khoán chủ yếu để thanh toán trong vài ba ngày. Chẳng hạn, khi tái cơ cấu danh mục đầu tư, mua cổ phiếu này mà chưa bán đươc cổ phiếu kia để trả tiền, NĐT sẽ cầm cố chứng khoán hoặc vay bảo chứng để thanh toán trước, sau đó giải chấp hợp đồng hai ba ngày sau khi bán được chứng khoán cần bán ở mức giá xác định. Do đó, áp lực bán chứng khoán để trả nợ hầu như không có.
Tuy nhiên, việc thắt chặt tín dụng với chứng khoán có tác động đến tâm lý NĐT ở chỗ, họ cho rằng, đây là quan điểm của cơ quan quản lý muốn ghìm TTCK lại, không muốn thị trường tăng nóng. Thị trường sẽ chỉ trông chờ vào nguồn tiền thực có, giảm tối đa việc sử dụng đòn bẩy tài chính.
Thực tế thì nhiều NĐT đã sử dụng đòn bẩy tài chính để lướt sóng, họ muốn mua một cổ phiếu nào đó thu lời 20 - 30% trong một hai tuần rồi bán ra chốt lời, nhất là những cổ phiếu có tin đồn là sắp hoặc đang bị làm giá. Nhưng sau đó, không ít NĐT phải bán ra cổ phiếu ngay cả khi biết là bán rẻ, vì một lẽ, cổ phiếu đã qua giai đoạn làm giá. Người chơi đã bỏ đi nên giá cổ phiếu đó không còn biến động nhiều.
Chính vì thế, thắt chặt tín dụng cho chứng khoán đến thời điểm này là chính sách tốt cho sự ổn định của thị trường. NĐT sẽ dần quay về phương pháp đầu tư giá trị khi mà việc lướt sóng khó khăn, các kênh đầu tư khác như bất động sản, vàng chưa có được lực hấp dẫn nhiều hơn chứng khoán, dù đã có dấu hiệu có thể hút bớt dòng vốn đầu tư vào chứng khoán.
Một vế quan trọng và cơ bản của chính sách tín dụng là ưu tiên vốn phục vụ sản xuất, đồng thời NHNN vừa giảm lãi suất tiền gửi dự trự bắt buộc của các ngân hàng thương mại, một cách để khuyến khích đưa tiền vào lưu thông.
Các DN niêm yết trong lĩnh vực sản xuất và dựa vào thị trường nội địa sẽ được hưởng lợi từ chính sách này. Việc giảm đà tăng trưởng tín dụng có ảnh hưởng đến lợi nhuận của nhóm ngân hàng trong 6 tháng cuối năm nhiều hơn.
Vì thế, nếu đặt câu hỏi tín dụng có “thắt” chứng khoán hay không thì câu trả lời là đã thắt xong rồi. Thị trường đã vào khuôn khổ, không còn những chỗ phình bong bóng. Vấn đề là thị trường cần thêm thời gian để tích lũy.
Thu Hương
Đầu tư chứng khoán
|