Thái Lan: Ngành nông nghiệp và dệt may lo ngại khi ASEAN lập thị trường chung
Nông nghiệp và các ngành nghề khác của Thái Lan đang đối mặt với những thách thức to lớn, sẽ phải sắp xếp lại cơ cấu hay địa bàn hoạt động trong bối cảnh Hiệp hội ASEAN hướng tới mục tiêu thành lập thị trường chung vào năm 2015 - khi thóc gạo và một số mặt hàng của Thái Lan sẽ bị tác động mạnh bởi những sản phẩm giá rẻ, có chất lượng thấp hơn.
Theo Giám đốc Aat Pisanwanich thuộc Trung tâm nghiên cứu thương mại quốc tế, trường Đại học Thai Chamber of Commerce ở Băngcốc, sự hình thành thị trường chung khu vực theo khuôn khổ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ giúp làm GDP của xứ chùa Vàng tăng khoảng 1,75% so với năm 2008 (tương đương 203,9 tỷ bạt), nhưng cũng dẫn tới khả năng không ít ngành nghề cần nhiều nhân lực trong khu vực sẽ phải chuyển đổi địa bàn hoạt động. Các ngành như dệt may, ngư nghiệp và khai mỏ tính tới khả năng chuyển hướng tới những nước có mặt bằng lương thấp như Lào và Campuchia, tạo nên sự thay đổi về cơ cấu trong ngành công nghiệp ở Thái Lan. Vì thế, Chính phủ Thái Lan cần nghiên cứu thấu đáo để đề ra chiến lược hiệu quả, giúp các nhà chế tạo và công nhân đối phó với những thay đổi trong 6 năm tới.
Một khi ASEAN trở thành thị trường chung, các sản phẩm, dịch vụ, tiền vốn và lao động có tay nghề sẽ có khả năng luân chuyển và đi lại một cách tự do trong toàn khu vực. AEC sẽ góp phần thúc đẩy thương mại và đầu tư trong toàn khối thông qua kế hoạch cắt giảm thuế quan xuống 0%, bắt đầu từ năm 2015.
Dự đoán, xuất khẩu của Thái Lan sang thị trường của các nước ASEAN còn lại sẽ tăng 2,7%, lên 160,48 tỷ bạt/năm và nhập khẩu sẽ tăng 2,6%, lên 113,7 tỷ bạt (1 USD = 33-34,50 bạt). Mặc dù đạt thặng dư với các nước thành viên ASEAN khác về xe ô tô cũng như các phụ tùng, cấu kiện ô tô và xe máy, nhưng Thái Lan sẽ thất thế trước các sản phẩm nhập khẩu có giá rẻ hơn như xăng dầu, khoáng sản, quặng từ Inđônêxia, Malaixia, Mianma và Lào.
Ngoài ra, điều mà khu vực tư nhân ở đất nước này lo ngại nhất là kế hoạch tự do hóa ngành nông nghiệp với việc bãi bỏ cơ chế hạn ngạch cộng với biện pháp cắt giảm thuế. Riêng gạo Thái sẽ bị ảnh hưởng mạnh bởi những mặt hàng cùng loại có giá rẻ từ các nước láng giềng.
Trần Ngọc Tiến
TTXVN
|