Sabeco: Niềm vui và nỗi lo 2009
Tin vui cho các cổ đông nhỏ của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) là Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) cuối tuần qua đã thông qua kế hoạch niêm yết cổ phiếu Sabeco trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) ngay trong quý IV/2009. Tuy nhiên, việc trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính trong năm 2009 có thể sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả lợi nhuận của Sabeco.
HĐQT hứa sẽ hoàn tất hồ sơ niêm yết trong quý IV
ĐHCĐ Sabeco đã thông qua tờ trình của HĐQT về việc niêm yết cổ phiếu Sabeco trong quý IV/2009. Lo ngại việc niêm yết bị kéo dài thêm nữa, các cổ đông đã yêu cầu HĐQT nhận trách nhiệm về việc thực hiện niêm yết đúng kế hoạch. Ông Lê Bá Thi, Chủ tịch HĐQT Sabeco khẳng định, trong quý IV, Tổng công ty sẽ hoàn tất thủ niêm yết, nhưng thời gian lên sàn sẽ còn phụ thuộc vào HOSE. Lý do là có hai điều kiện về thủ tục mà Sabeco còn thiếu là biên bản bàn giao vốn nhà nước sang CTCP và hiện Sabeco không đủ tỷ lệ 20% cổ phần được phép chuyển nhượng tự do.
Ông Thi cho biết, HOSE đã chấp nhận cho Sabeco nợ hai điều kiện này, vì việc chưa có biên bản bàn giao vốn nhà nước là do cơ quan thuế đang kiểm tra quyết toán vốn, khả năng làm xong trong tháng 7, sau đó mới đủ điều kiện cho Công ty bàn giao vốn. Cổ đông nhà nước cũng đang xem xét bán bớt phần vốn nhà nước tại Sabeco để đảm bảo tỷ lệ 20% cổ phần của Công ty được chuyển nhượng tự do, cao hơn tỷ lệ 10,2% hiện nay. "Nếu được nợ hai điều kiện này thì thủ tục lên sàn chỉ phụ thuộc vào Sabeco và HĐQT hứa sẽ hoàn thành sớm các thủ tục này", ông Thi khẳng định.
Trong báo cáo thẩm định của Ban kiểm soát Sabeco có lưu ý việc đăng ký niêm yết trên sàn chứng khoán là cần thiết, tuy nhiên thời điểm xác định niêm yết cần phải được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng các điều kiện cần và đủ. Lý do, theo Ban kiểm soát là "nền tảng căn bản cho việc niêm yết là chưa sẵn sàng và chưa có sự chuẩn bị tại chính Văn phòng Tổng công ty".
Nỗi lo lớn từ khoản trích lập dự phòng tài chính
Báo cáo kiểm toán của Sabeco do KPMG thực hiện có 10 điểm loại trừ và hai lưu ý, trong đó đặc biệt lưu ý về trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư tài chính, giảm giá hàng tồn kho của Sabeco. Theo KPMG, giá trị dự phòng các khoản đầu tư tài chính dài hạn cần phải lập thêm tại thời điểm 31/12/2008 xấp xỉ 49,061 tỷ đồng. Dự phòng tồn kho phải lập thêm xấp xỉ 36,462 tỷ đồng.
Theo ông Thi, lý do Sabeco chưa trích lập dự phòng đầu tư tài chính là do năm 2007 Kiểm toán Nhà nước yêu cầu loại trừ hết các khoản dự phòng vì dự phòng sẽ làm mất vốn nhà nước. Đến tháng 4/2008, Sabeco mới ĐHCĐ được, nên hoạt động của Sabeco năm này chia làm hai giai đoạn: 4 tháng đầu là công ty nhà nước và 8 tháng sau là công ty cổ phần. Từ kinh nghiệm 2007 nên Sabeco không trích dự phòng giảm giá đầu tư tài chính, hàng tồn kho… Mặt khác, một số khoản đầu tư của Sabeco vào các quỹ thành viên và ngân hàng đều chưa hết thời hạn hạn chế chuyển nhượng, theo quy định có thể trích hoặc không trích lập dự phòng. Sabeco đã chọn phương án không trích lập dự phòng. "Tuy nhiên, năm 2009 sau khi bàn giao vốn nhà nước song, Tổng công ty sẽ trích lập dự phòng đầy đủ", ông Thi nói.
Theo báo cáo của KPMG, tại thời điểm 31/12/2008, giá trị thị trường ước tính của các cổ phiếu ngân hàng và quỹ đầu tư thành viên mà Sabeco đầu tư thấp hơn giá gốc 285,169 tỷ đồng. Cho đến thời điểm này, dù giá các cổ phiếu và chứng chỉ quỹ đã tăng trở lại, nhưng một số khoản đầu tư vẫn chỉ bằng 50% giá trị ban đầu. Vì vậy, nếu Sabeco lập dự phòng trong năm 2009 thì lợi nhuận chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi khoản dự phòng này.
Theo kế hoạch, Sabeco sẽ đạt lợi nhuận sau thuế năm 2009 là 1.117 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm nay, Công ty đã đạt 547,483 tỷ đồng. Với các điều kiện hiện nay, ban lãnh đạo Sabeco khẳng định có thể hoàn thành vượt mức kế hoạch năm.
Tìm kiếm cổ đông chiến lược
Ông Bùi Xuân Khu, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Sabeco đang tìm kiếm cổ đông chiến lược để bán bớt phần vốn nhà nước. Phần vốn nhà nước được xác định sẽ giảm xuống 51% tại DN này.
Theo các cổ đông, với kết quả kinh doanh như dự kiến thì thu nhập trên mỗi cổ phiếu Sabeco chỉ có 1.700 đồng, tương đương P/E là 41 lần tính theo giá đấu giá bình quân 70.000 đồng/cổ phần. Nếu tính giá OTC hiện nay là 41.000 đồng/CP thì P/E là 24 lần, rất cao so P/E chung của thị trường hiện nay.
Cổ đông đề nghị, nếu việc bán bớt vốn nhà nước cho cổ đông chiến lược không được giá cao như đấu giá thì nên xem xét bán cho cổ đông hiện hữu ngoài nhà nước để cổ đông có cơ hội bình quân giá. Ông Thi cho biết, sẽ kiến nghị với cổ đông nhà nước yêu cầu này, nhưng việc bán cổ phần Sabeco cho ai, bán giá nào sẽ do Nhà nước hoàn toàn quyết định. Câu chuyện cơ cấu danh mục đầu tư, cơ cấu hoạt động của Sabeco sau cổ phần hóa còn đặt ra nhiều vấn đề mà ĐTCK sẽ đề cập trong số báo tiếp theo.
Thu Hương
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|