Những dự án đóng tàu đang… “chìm dần”
Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhiều dự án xây dựng khu công nghiệp đóng tàu được tập đoàn công nghiệp tàu thuỷ Vinashin đăng ký, động thổ rồi… để đó. Quá mệt mỏi vì trông chờ, đốc thúc, một số địa phương đã quyết định chấm dứt hợp tác với nhà đầu tư
Hơn hai năm trước, ngày 30.4.2007, Vinashin tổ chức lễ khởi công xây dựng cụm công nghiệp tàu thuỷ (CNTT) và nhà máy đóng tàu (NMĐT) hết sức rình rang tại khu công nghiệp Sông Hậu (xã Đông Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang).
Hơn hai năm trước, ngày 30.4.2007, Vinashin tổ chức lễ khởi công xây dựng cụm công nghiệp tàu thuỷ (CNTT) và nhà máy đóng tàu (NMĐT) hết sức rình rang tại khu công nghiệp Sông Hậu (xã Đông Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang).
“Xí phần”…
Lúc đó, Vinashin tuyên bố NMĐT ở Hậu Giang có tổng vốn đầu tư là 1.100 tỉ đồng. Giai đoạn một (766 tỉ đồng), xây dựng trên diện tích 60ha, đóng mới được tàu có trọng tải 30.000 DWT, thu hút 5.000 lao động. Giai đoạn hai (350 tỉ đồng) đóng tàu có trọng tải từ 50.000 – 70.000 DWT. Riêng cụm CNTT xây dựng trên 290ha, vốn đầu tư 1.700 tỉ đồng, trong đó có nhà máy sản xuất container lớn nhất phía Nam công suất 120.000 container/năm. Với tổng diện tích quy hoạch 600ha, tổng vốn đầu tư 60.000 tỉ đồng, NMĐT và cụm CNTT Hậu Giang sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 20.000 lao động. Trong ngày khởi công, Vinashin tuyên bố năm 2008, NMĐT và cụm CNTT sẽ đóng mới tàu có trọng tải 20.000 DWT. Tuy nhiên, sau hơn hai năm, hiện nay NMĐT và cụm CNTT của Vinashin chỉ là bãi đất trống đầy cát và cỏ dại, vài công nhân và vài chiếc cần cẩu đứng… “lặng thinh”!
Thứ hai là, dự án cụm CNTT và NMĐT do Vinashin đăng ký đầu tư tại huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, nơi cách xa cửa biển Định An gần 150km, luồng lạch không đảm bảo cho tàu trên 5.000 DWT di chuyển. Ông Tạ Văn Hội, chủ tịch UBND huyện Lai Vung, cho biết năm 2007, Vinashin đăng ký 450ha đất thuộc hai xã Tân Hoà, Định Hoà để xây dựng NMĐT, cụm CNTT và khu dân cư, trong đó NMĐT chiếm 60ha, vốn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng. Nhưng từ năm 2007 đến nay, mặc cho huyện chờ mãi, nhưng các dự án của Vinashin vẫn “bặt tăm”. “Cũng may mà chúng tôi chưa tiến hành giải toả, nên không xảy ra tình trạng đất đai phải bỏ hoang”, ông Hội nói. Tương tự, tại huyện Gò Công Đông (Tiền Giang), “con” của Vinashin là công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển công nghiệp tàu thuỷ phía Nam cũng “xí phần” 285ha đất ở hai xã Gia Thuận và Vàm Láng để xây dựng NMĐT, khu cảng biển, khu công nghiệp phụ trợ với vốn đầu tư lên đến nhiều ngàn tỉ đồng. Sau khi tỉnh Tiền Giang bồi hoàn, giải toả, thu hồi đất của dân, thì chờ mãi chẳng thấy công ty này làm thủ tục đầu tư để được giao đất, khiến 285ha đất phải bỏ hoang cho cỏ mọc. Tuy vậy, tập đoàn này vẫn tiếp tục “vẽ dự án” để được UBND tỉnh Tiền Giang cho “xí phần” thêm 200ha đất.
Trôi dần những dự án ngàn tỉ
Tại Tiền Giang, ông Nguyễn Hữu Chí, nguyên chủ tịch UBND tỉnh (nay giữ chức thứ trưởng bộ Tài chính), cho biết từ năm 2008 đến nay, UBND tỉnh rất nhiều lần gửi công văn yêu cầu Vinashin đốc thúc công ty con nhanh chóng thực hiện các thủ tục đầu tư để tỉnh tiến hành giao đất triển khai dự án, tránh tình trạng lãng phí đất và gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tuy nhiên, phía Vinashin vẫn “im lặng như tờ”, nên UBND tỉnh Tiền Giang phải huỷ việc giao thêm 200ha đất cho nhà đầu tư này.
Tại Đồng Tháp, ông Trương Ngọc Hân, chủ tịch UBND tỉnh cũng cho biết, sau hai năm chờ đợi và rất nhiều lần đốc thúc, UBND tỉnh phải quyết định xoá quy hoạch dự án của Vinashin tại huyện Lai Vung vì không thấy hồi âm. Trong khi đó ở Hậu Giang, ông Nguyễn Phong Quang, bí thư tỉnh uỷ, dù cho rằng, NMĐT và cụm CNTT do Vinashin đầu tư đang “tiếp tục đầu tư xây dựng”, nhưng vẫn phải thừa nhận là tiến độ thi công rất lề mề, chậm chạp, khiến tỉnh phải thường xuyên đốc thúc.
Hùng Anh
Sài Gòn tiếp thị
|