Thứ Hai, 20/07/2009 18:31

Khởi kiện vừa để bảo vệ doanh nghiệp vừa lấy kinh nghiệm

Lần đầu tiên, Việt Nam khởi động hai vụ kiện, một về chống bán phá giá và một về áp dụng biện pháp tự vệ nhằm bảo vệ cho hàng hóa Việt Nam ở trong và ngoài nước.

Vụ thứ nhất do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), bằng hai lá đơn khác nhau, đề nghị Chính phủ Việt Nam kiện Chính phủ Hoa Kỳ ra WTO về việc điều tra, rà soát thuế chống bán phá giá đối với tôm xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này.

Vụ thứ hai, Bộ Công Thương ra quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm kính nổi được nhập khẩu từ nhiều nước. Thách thức và cơ hội đặt ra ở hai vụ kiện chưa có tiền lệ này như thế nào?

TBKTSG đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thu Trang, thư ký, thành viên Hội đồng tư vấn và chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ (TRC):

Được biết VCCI đã gửi văn bản đề xuất lên Chính phủ, đề nghị Chính phủ khởi kiện Hoa Kỳ ra WTO về vi phạm liên quan đến vụ kiện chống bán phá giá tôm Việt Nam?

Đúng là Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đã ký văn bản gửi Chính phủ đề xuất việc khởi kiện trên. Xuất khẩu của Việt Nam từ đầu năm đến nay, trong đó có thủy sản bị sụt giảm nghiêm trọng không đơn thuần vì lý do sụt giảm đơn hàng mà còn do bị áp dụng các biện pháp rào cản, đặc biệt là kiện chống bán phá giá mà nhiều nước đang áp dụng để bảo vệ ngành sản xuất nội địa của nước họ.

Xuất khẩu tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam bốn năm qua cũng bị rơi vào tình trạng này. Trên cơ sở phân tích thực tế, các yếu tố chính trị, pháp lý trong khuôn khổ WTO, tham vấn các luật sư nước ngoài, VCCI đề nghị Chính phủ xem xét tiến hành kiện Chính phủ Hoa Kỳ ra WTO về một số biện pháp mà Hoa Kỳ áp dụng trong việc điều tra rà soát thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng tôm.

Theo nguyên tắc trong WTO, việc đệ đơn kiện theo quy trình giải quyết tranh chấp của tổ chức phải do Chính phủ thực hiện chứ không phải là các doanh nghiệp. Trước đó, từ tháng 11-2008, một số doanh nghiệp xuất khẩu tôm đã thuê luật sư kiện Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) ra Tòa án thương mại Hoa Kỳ về quyết định này và hiện phía Hoa Kỳ đang thụ lý đơn kiện, chưa có kết quả cuối cùng.

VCCI đã dựa trên những cơ sở nào để quyết định đề xuất khởi kiện?

- Hai nhóm vấn đề được lựa chọn để đề xuất Chính phủ khởi kiện là (i) phương pháp zeroing (quy biên độ phá giá âm về 0, làm thiệt cho các nhà xuất khẩu) và (ii) phương pháp xác định biên độ phá giá cho các đơn vị tự nguyện và quy tắc “thuế suất toàn quốc” mà Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã sử dụng trong quá trình rà soát lại thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam.

Trong đó, dùng nhóm (i) khả năng thắng kiện là rất lớn. Thực tế, Hoa Kỳ đã bị nhiều nước như Thái Lan, Ấn Độ, EU kiện ra WTO nhiều lần vì cách tính zeroing và họ đã thắng kiện. Kiện nhóm vấn đề (ii) cũng có cơ sở vì theo phân tích của các luật sư đã theo sát vụ việc này thì không có điều khoản nào trong Hiệp định chống bán phá giá (ADA) và Báo cáo gia nhập WTO của Việt Nam cho phép Hoa Kỳ được sử dụng mức thuế suất toàn quốc để áp thuế cho các bị đơn ngoài các bị đơn bắt buộc và tự nguyện.

Từ khi gia nhập WTO đến nay chúng ta chưa lần nào sử dụng hình thức giải quyết tranh chấp trong WTO như một công cụ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp các nước thành viên. Đây là thời điểm thích hợp để khởi kiện vì nhiều lý do mà quan trọng nhất là khả năng thắng kiện trong vụ đầu tiên này là rất lớn, cũng như những lợi ích mang tính thời điểm đi kèm do hàng rào thuế chống bán phá giá có nguy cơ được dựng lên ở nhiều thị trường xuất khẩu.

Xin lưu ý là việc kiện ra WTO không phải để chứng minh tôm xuất khẩu của Việt Nam không bán phá giá mà gọi đúng là khởi kiện Hoa Kỳ vi phạm các quy định trong Hiệp định ADA.

Trong trường hợp thuận lợi nhất, nếu có thể thắng kiện, những lợi ích có thể trông thấy là gì?

- Nếu Việt Nam thắng kiện, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam diện bị đơn tự nguyện được hưởng mức thuế rà soát lần 2 (POR 2) bằng 0 (hiện nay tôm Việt Nam đang chịu thuế POR 2 từ 4,13-25,75% tùy đơn hàng) và do đó thoát khỏi khoản thuế chống bán phá giá lớn hàng triệu đô la Mỹ khi xuất hàng sang Hoa Kỳ.

Tôm Việt Nam sẽ dễ cạnh tranh hơn với tôm của Thái Lan và Ấn Độ, hiện đang được hưởng mức thuế chống bán phá giá thấp hơn. Nó cũng có thể giúp doanh nghiệp Việt Nam thoát khỏi hoàn toàn thuế chống bán phá giá.Ngoài những lợi ích trực tiếp đối với doanh nghiệp xuất khẩu tôm, nếu chúng ta thắng kiện thì các phương pháp tính toán bất lợi này sẽ không được sử dụng nữa ở các vụ kiện khác trong tương lai, mang lại lợi ích chung cho việc xuất khẩu các loại hàng hóa khác của Việt Nam vào Hoa Kỳ.

Nhưng bị đơn là Chính phủ Hoa Kỳ, nước có nhiều kinh nghiệm khởi kiện và đối phó với khởi kiện. Hơn nữa, ở vòng đàm phán Doha thời gian trước, các nước đã phản đối “phương pháp tính zeroing” của Hoa Kỳ ra WTO nhưng WTO đã không lên tiếng và Hoa Kỳ vẫn áp dụng?

- Đúng là Hoa Kỳ có kinh nghiệm hơn chúng ta rất nhiều. Tuy nhiên vấn đề được lựa chọn để đề xuất kiện, phương pháp zeroing, cũng đã bị kiện nhiều lần và Ban phúc thẩm, Cơ quan hội thẩm của WTO cũng đã không ít lần tuyên đây là phương pháp trái luật. Vì vậy chúng ta có rất nhiều hy vọng.

Có điều, Hiệp định ADA chỉ quy định nguyên tắc tính toán biên độ chống bán phá giá cho các nhà sản xuất, song phương pháp tính toán chi tiết ra sao lại do pháp luật từng nước quy định. Do vậy, nhiều quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ, mới tính toán làm sao có lợi cho nước đó (và zeroing là một trong số các lựa chọn).

Trong các vụ kiện, các Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm của WTO chỉ có thể tuyên phương pháp đó là vi phạm ADA cho vụ việc cụ thể. Còn nó có bị cấm trong WTO hay không phải chờ những sửa đổi tiếp theo đối với ADA với sự đồng thuận của tất cả các nước thành viên. Đây là vụ kiện khó khăn, nhưng chúng ta phải làm để lấy kinh nghiệm, thay vì không có bất kỳ hành động gì để phản đối.

Ngoài ra, dù thắng hay không, việc kiện này cũng thể hiện một thông điệp rằng Chính phủ Việt Nam sẵn sàng hành động để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, góp phần nâng cao uy tín của Chính phủ.

Bộ Công Thương cũng mới ra quyết định tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng kính nổi nhập khẩu từ nhiều nước do hai doanh nghiệp sản xuất trong nước đệ đơn. TRC đánh giá vụ việc này như thế nào và mức độ thành công ra sao?

- TRC khuyến khích các hành động như vậy để bảo vệ hợp pháp lợi ích của doanh nghiệp tại thị trường nội địa. Theo quy định của WTO, để đơn kiện được chấp thuận chỉ cần trình ra những điều kiện ngắn gọn nhưng trong quá trình điều tra, phải chuẩn bị các dữ liệu cực lớn để bổ sung, là chứng cứ thuyết phục cho biện pháp tự vệ.

Tuy nhiên, khác với điều tra chống bán phá giá, điều tra áp dụng biện pháp tự vệ có thuận lợi hơn cho bên đi kiện vì chỉ cần chứng minh được hai yếu tố: hành vi nhập khẩu ồ ạt và hệ quả nghiêm trọng đối với ngành sản xuất trong nước. Ví dụ như ngành sản xuất kính nội chỉ cần chứng minh việc nhập khẩu kính nổi từ nước ngoài là đột biến và gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành mình (thế nào được coi là nghiêm trọng thì WTO không quy định cụ thể).

Có điều gì bất lợi cho phía Việt Nam khi áp dụng biện pháp tự vệ?

- Có đấy, khác với vụ kiện chống bán phá giá, trợ cấp, trong vụ kiện này, bên thắng kiện cũng “mất tiền”. Theo quy định của WTO, áp dụng biện pháp tự vệ thì phải bồi thường vì các bị đơn được coi là cạnh tranh lành mạnh.

Ví dụ, kết thúc quá trình điều tra ta áp dụng biện pháp tự vệ là tăng thuế nhập khẩu đối với kính nổi từ nước ngoài nhập vào thì đổi lại, ta phải “bồi thường” cho họ bằng cách giảm thuế nhập khẩu đối với sản phẩm khác từ những nước đó với trị giá tương ứng. Vậy ngành sản xuất nào ở Việt Nam gánh phần bồi thường? Đó cũng là vấn đề cần tính toán để trả lời, khác với việc chống bán phá giá chỉ cần áp thuế cao là xong.

Thời gian điều tra để có thể áp dụng biện pháp tự vệ là bao lâu?

- Theo quy định, quá trình điều tra này sẽ được tiến hành trong sáu tháng (có thể gia hạn thêm hai tháng). Trước đó, chúng ta có thể áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời nếu Bộ Công Thương xét thấy không dùng đến nó thì ngành sản xuất kính trong nước sẽ chịu thiệt hại nghiêm trọng, không thể khắc phục được.

TBKTSG Online

Các tin tức khác

>   Găm chung cư cũ chờ lên giá (20/07/2009)

>   Dầu thô lên mức trên 64 USD/thùng (20/07/2009)

>   Giá thép sẽ không tăng đột biến  (20/07/2009)

>   Móng Cái: Đay, gỗ cao su xuất sang Trung Quốc hút hàng (20/07/2009)

>   Luật đã có, nhưng áp dụng sẽ khó (20/07/2009)

>   Cảng Hải Phòng đang chịu áp lực quá tải (20/07/2009)

>   Vinatex cùng Liên Anh khôi phục trung tâm nguyên phụ liệu (20/07/2009)

>   Cuộc họp lớn hay nhầm lẫn lớn? (20/07/2009)

>   Chìa khóa để Việt Nam mở rộng hợp tác với EU (20/07/2009)

>   Phải đưa đất công vào khuôn phép (20/07/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật