IR - Nhịp cầu thời khủng hoảng
Khi tấm màn nhung của Lễ trao giải Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên năm 2008 vào tối 3/7 khép lại, sự chuyên nghiệp, minh bạch, sáng tạo của các DN niêm yết đã được tôn vinh. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần của công tác quan hệ nhà đầu tư (Investors Relation - IR) giữa DN và NĐT mà Sở GDCK TP. HCM (HOSE) và Báo ĐTCK - hai đơn vị đồng tổ chức cuộc thi muốn khuyến khích, đề cao. Công tác IR càng có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn hiện nay, như khẳng định của các diễn giả tại hội thảo “Quản trị quan hệ NĐT” diễn ra sáng cùng ngày tại TP. HCM, do Eurocham, Vietnam - EU Business Forum và VCCI phối hợp tổ chức.
Từ công tác IR hiện tại
Tại ĐHCĐ của một DN niêm yết có “tên tuổi” hồi tháng 3, nội dung quan trọng nhất là việc thông qua tờ trình tiếp nhận một dự án đầu tư có giá trị gần 1 tỷ USD. Tuy nhiên, đây chỉ là phần bổ sung trong nội dung làm việc được công bố trước thềm đại hội 3 ngày. Thông tin đến với cổ đông chỉ trong 2 mặt giấy A4 với nhiều thuật ngữ kỹ thuật mà NĐT không có chuyên môn khó có thể hiểu thấu đáo.
Trong đại hội, đây là nội dung tranh luận căng thẳng nhất. Các đại diện của NĐT tổ chức đã làm “nóng” đại hội bằng các chất vấn và tính toán phản biện chứng minh dự án sẽ hoạt động không hiệu quả. Điều này khiến ban điều hành đại hội thực sự lúng túng, xin lùi thời gian thông qua nội dung trên vào một dịp khác. Tờ trình này mất gần 3 giờ đồng hồ thảo luận. Đại hội bế mạc rất muộn và không thể coi là thành công khi nội dung được HĐQT kỳ vọng nhất không thể thông qua. Nhiều công tác hậu cần tổ chức rất chu đáo, nhưng sự cố này đã ảnh hưởng đáng kể đến danh tiếng công ty.
Trong buổi giao lưu với các NĐT tại một CTCK mới đây, khi một NĐT hỏi về dự án trên, đại diện của công ty đó khẳng định, dự án có tính khả thi và hiệu quả cao. Vị này tỏ ra tiếc nuối khi đã thực hiện không tốt quan hệ IR, việc công bố thông tin chưa đầy đủ đã dẫn đến sự cố đáng tiếc trên.
“Công ty đã cung cấp đầy đủ báo cáo tài chính định kỳ trước thời hạn, tuân thủ các quy định về công bố thông tin… không có lý do gì NĐT phải phàn nàn. Về phía DN, chúng tôi đã làm xong; phần còn lại, giá cổ phiếu và lượng giao dịch là do thị trường quyết định”. Đó là phát biểu của giám đốc điều hành một DN niêm yết trên HOSE khi được hỏi về công tác công bố thông tin tại công ty. Đây cũng là suy nghĩ của phần đông lãnh đạo DN niêm yết hiện nay về công tác IR.
Tại hội thảo nêu trên, ông Nguyễn Trung Thẳng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masso Group đánh giá, hiện trạng công tác IR tại Việt Nam khá yếu, trong đó nổi cộm những vấn đề như: nhiều DN chưa có bộ phận riêng thực hiện công tác IR, lượng thông tin DN chủ động công bố cho NĐT yếu và mỏng, không thường xuyên và cập nhật. Hiện nay, hầu hết NĐT đầu tư chỉ dựa vào các nguồn tin công bố qua UBCK, HOSE, HNX và thông tin rời rạc về tình hình sản xuất - kinh doanh của công ty được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, thậm chí cả những tin đồn… Theo ông Thẳng, NĐT không còn sự lựa chọn nào khác do chưa thể hiện quyền được tiếp cận thông tin.
Theo kết quả nghiên cứu về quan hệ IR của tác giả Lê Huỳnh Phương thực hiện vào tháng 10/2008, chỉ có 14% DN niêm yết có bộ phận chuyên biệt thực hiện công tác IR, 40% DN có kế hoạch xây dựng, 46% DN chưa có ý định này. Hiện nay, Internet đã trở thành công cụ chuyển tải thông tin nhanh và hiệu quả, nhưng vẫn có 8% DN niêm yết chưa có website; 53% có xây dựng, nhưng tin tức chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn cơ bản về thông tin; 29% website có tin tức nghèo nàn, không được cập nhật thường xuyên; chỉ có 10% website được đánh giá là hoạt động tốt. Theo tác giả, điều này cho thấy mức độ hiểu biết về quan hệ IR của các DN khá thấp. DN công bố thông tin hướng tới việc đáp ứng luật hơn là đáp ứng nhu cầu thực sự của NĐT.
Đến IR thời khủng hoảng
Phát biểu tại hội thảo “Quản trị quan hệ NĐT”, ông Võ Hữu Điền, Giám đốc quản lý danh mục đầu tư của Dragon Capital cho rằng, công tác IR mang tầm quan trọng đặc biệt trong sự phát triển của DN. Công tác IR nhằm phản ánh giá trị công ty đúng đắn, nâng cao khả năng huy động vốn, góp phần nâng tính thanh khoản cho cổ phiếu… Theo ông Điền, mục tiêu của công tác này là DN xây dựng hình ảnh tốt với các nhà quản lý và các bên tham gia thị trường. Đối tượng nhận thông tin không chỉ là những tổ chức và cá nhân tham gia thị trường vốn, mà cả các đối tượng khác như nhà phân tích độc lập, giới truyền thông.
Ông Chong Yew Hoong, Giám đốc Ernst and Young Việt Nam cho rằng, mối quan hệ IR trong giai đoạn khủng hoảng như hiện nay mang nhiều nét đặc thù. Trước tình hình ảm đạm và tương lai mờ mịt, DN thường lảng tránh gặp gỡ NĐT và nhà phân tích để cứu vãn hình ảnh công ty và để tránh việc giải thích nhiều con số. Tuy nhiên, DN cần đối mặt với thực tế.
Giai đoạn hiện tại, tính thanh khoản quan trọng hơn lợi nhuận. Dòng tiền và khả năng tiếp cận các nguồn tín dụng là quan trọng bậc nhất. Công ty cần giải thích cho NĐT hiểu DN được trang bị như thế nào để tồn tại và lớn mạnh qua cơn khủng hoảng. Các nhà quản lý cần chỉ cho NĐT rõ họ đang thích nghi với điều kiện mới như thế nào... Điều này sẽ giúp NĐT thấu hiểu, chia sẻ sứ mạng và tầm nhìn với DN.
Mới đây, CTCP Cơ điện lạnh (REE) là công ty niêm yết đầu tiên chủ động thông qua các phương tiện truyền thông công bố con số hoàn nhập dự phòng của Công ty sẽ không lớn, dù trong năm 2008 đã thực hiện trích lập tới 467 tỷ đồng. REE cũng công bố tất cả các mặt hoạt động hiện tại và kế hoạch phát triển trong tương lai gần. Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc REE nói rằng, điều đó tốt cho cổ đông khi nhận được thông tin đúng, đủ và kịp thời về DN, mặc dù điều này có thể khiến nhiều NĐT “lướt sóng” thất vọng.
Về điều này, trong báo cáo thường niên năm 1988 của Berkshire Hathaway, vị tỷ phú lừng danh người Mỹ - W. Buffett viết: “Chúng tôi không muốn làm cho giá mua bán các cổ phiếu của Berkshire đạt mức cao nhất. Thay vào đó, chúng tôi muốn chúng được mua bán ở một mức độ vừa phải quanh giá trị phản ánh thực chất DN. Chúng tôi đều lo ngại khi cổ phiếu được định giá quá cao hay quá thấp”.
Ngọc Giang
Đầu tư chứng khoán
|