IMF: Sự hồi phục KT thế giới phụ thuộc vào "sức khỏe" ngân hàng
Phát biểu tại hội nghị của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với chủ đề "Viện trợ thương mại" ngày 6/7, ông Dominique Strauss-Kahn, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo kinh tế thế giới sẽ không hồi phục cho tới khi các ngân hàng thành công trong việc cân bằng các bảng quyết toán các tài sản xấu.
Ông Strauss-Kahn cho biết các ngân hàng trung ương đã hành động một cách quyết đoán để "làm dịu" cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu còn các chính phủ cũng đã hưởng ứng lời kêu gọi của IMF hồi đầu năm 2008 về việc chi 2,0% GDP cho các biện pháp kích thích toàn cầu. Nhưng theo ông, vẫn còn thiếu một thứ đó là nỗ lực cân bằng các bảng quyết toán của các ngân hàng. Ông nói: "Đã có rất nhiều việc được làm nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Sự hồi phục kinh tế sẽ đến sớm hay muộn, phụ thuộc vào tốc độ cân bằng các bảng quyết toán của ngành tài chính".
Hồi tháng 4/09, IMF dự đoán kinh tế thế giới sẽ giảm 1,3% trong năm 2009 và sẽ tăng trưởng trong năm 2010 nhưng với tốc độ chậm 1,9%.
Ông Strauss-Kahn còn chỉ trích những nỗ lực của chính phủ yêu cầu các ngân hàng nhận được sự hỗ trợ của nhà nước phải giữ vốn ở trong chính nước họ, gọi đây là chủ nghĩa bảo hộ mới. Theo ông, đây là một loại bảo hộ tài chính gồm việc chỉ quan tâm đến các nền kinh tế của riêng họ mà không quan tâm tới những thiệt hại đối với các nền kinh tế khác và những hậu quả có thể tạo ra đối với các nền kinh tế của chính họ.
Tại hội nghị, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick cũng nhấn mạnh tới các gói kích thích khác có thể phản tác dụng. Ông phân tích: "Các nước thu nhập cao đã sử dụng các biện pháp trợ giá đối với các ngành gặp khó khăn, trong khi các nước thu nhập thấp đang sử dụng gia tăng một cách có lựa chọn các rào cản biên giới. Những xu hướng này có thể dễ dàng vượt ra ngoài kiểm soát trong những tháng tới khi thất nghiệp tăng cao". Ông Zoellick dẫn các ví dụ về chủ nghĩa bảo hộ như điều khoản "Mua hàng Mỹ" trong gói kích thích của Mỹ và động thái sẽ tái áp dụng trợ giá xuất khẩu sữa của Oasinhtơn. Ông cũng lưu ý điều khoản "Mua hàng Trung Quốc" của Trung Quốc. Ông Zoellick cảnh báo: "Các nhà lãnh đạo chính phủ cần phải nhận ra rằng họ đang đùa với lửa".
Những người đứng đầu các tổ chức quốc tế tham dự hội nghị đã nêu cao tầm quan trọng của việc gia tăng viện trợ thương mại để chống lại sự quay trở lại của chủ nghĩa bảo hộ.
Tổng giám đốc WTO Pascal Lamy nói: "Nếu viện trợ thương mại năm 2007 là khẩn cấp thì hiện nay nó là vấn đề quan trọng. Đó là việc đầu tư cho phép nhiều nước đang phát triển chuẩn bị thoát ra khỏi khủng hoảng bằng cách tăng cường khả năng thương mại".
Khai mạc hội nghị, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng nhấn mạnh vai trò của thương mại trong nỗ lực toàn cầu kích thích sự hồi phục kinh tế. Ông cho rằng thương mại từ lâu đã có tiềm năng to lớn như một động cơ tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững. Ngày nay, thương mại có thể và phải là một phần nỗ lực của chúng ta để kích thích sự hồi phục.
Quá trình "Viện trợ thương mại" được khởi động tại hội nghị cấp bộ trưởng WTO hồi tháng 12/2005 nhằm giúp các nước đang phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng để tận dụng thỏa thuận tự do hóa thương mại thế giới thành công.
Viện trợ thương mại bao gồm các khoản trợ cấp và các khoản vay để xây dựng đường sá, cảng biển và viễn thông cũng như hỗ trợ kỹ thuật trong việc giúp các nước phát triển chiến lược thương mại hoặc thương lượng hiệu quả hơn.
Hải Yến (Theo AFP)
TTXVN
|